Lễ rước dâu của người Dao Đỏ bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu là một trong những nét văn hóa độc đáo được lưu truyền từ xa xưa.
Nét văn hóa độc đáo trong lễ rước dâu của người Dao Đỏ bản Nậm Sáng (Lai Châu )
Người Dao Đỏ bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) có nhiều nét văn hoá rất riêng biệt. Một trong số đó là lễ rước dâu của đồng bào nơi đây. (Ảnh: Phạm Hoài)
Khi đôi trai, gái đến tuổi nên vợ thành chồng, gia đình nhà trai sẽ tìm người mai mối sang nhà gái ăn hỏi, xin phép nhà gái cho 2 người được kết hôn. Sau khi ăn hỏi, nhà trai sẽ mang vải, kim chỉ thiêu đến nhà cô dâu, trong vòng một năm, người phụ nữ tập trung ở nhà thêu thùa, chờ nhà trai coi ngày lành tháng tốt tới rước dâu. (Ảnh: Phạm Hoài)
Sau khi chọn được ngày lành, nhà trai sẽ sang nhà gái để rước dâu. Nghi lễ rước dâu bắt đầu từ bên nhà trai với đoàn nhạc lễ gồm kèn, trống, chiêng, chũm, chọe sang nhà gái xin dâu. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm gà, rượu, gạo và thịt lợn để xin được đón cô dâu về. (Ảnh: Phạm Hoài)
Trong lễ rước dâu, cô dâu thường mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất do chính cô dâu tự may trước khi cưới. Trang phục của cô dâu là một tác phẩm độc đáo, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu, mũi chỉ. Điểm nhấn trong trang phục của cô dâu là chiếc khăn đỏ lớn chùm đầu. Cô dâu sẽ chùm đầu che mặt suốt từ nhà gái đến nhà trai, bởi người Dao Đỏ quan niệm, không để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu, nhìn thấy sẽ không gặp may trong đời sống sau này. (Ảnh: Phạm Hoài)
Trong suốt quãng đường cô dâu đi về nhà trai. Phù dâu đi bên cạnh có nhiệm vụ che ô cho cô dâu đi đường và phụ giúp cô dâu trong quá trình hành lễ từ nhà gái sang nhà trai. (Ảnh: Phạm Hoài)
Khi cô dâu được rước và cổng nhà trai, đoàn kèn, trống đi vòng đi vòng lại quanh đoàn đưa dâu để cầu mong đôi vợ chồng trẻ mãi mãi bên nhau, bền chặt, hạnh phúc. (Ảnh: Phạm Hoài)
Tiếp đó, thầy cúng sẽ làm lễ và đi vòng quanh đoàn nhà gái. (Ảnh: Phạm Hoài)
Thầy cúng sẽ làm thủ tục hóa giải những cái ác, cái xấu trước khi cô dâu bước vào nhà chồng. (Ảnh: Phạm Hoài)
Đến giờ tốt, thầy cúng báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu đã chính thức trở thành con cháu trong gia đình. (Ảnh: Phạm Hoài)
Cô dâu, chú rể vái lạy trước bàn thờ tổ tiên. (Ảnh: Phạm Hoài)
Thầy cúng làm phép vào một chén rượu, đảo qua đảo lại, rồi vắt chéo tay đưa cô dâu và chú rể uống hai lần hết rượu trong chén. (Ảnh: Phạm Hoài)
Cô dâu, chú rể uống hết rượu thì sẽ có một cuộc sống gắn bó, bền chặt với nhau, thuận vợ, thuận chồng không bao giờ ly tán. (Ảnh: Phạm Hoài)
Cô dâu sẽ được chú rể đưa phòng. Lúc này, chú rể sẽ tháo khăn chùm đầu của cô dâu. Từ đây, cô dâu cùng chú rể chính thức trở thành vợ chồng, cuộc sống hạnh phúc bền lâu.
Thanh Ngân-Phạm Hoài