Đồng bào Mông ở Sơn La mổ lợn, gà, may áo mới vui xuân đón Tết

Mùa Xuân Thứ ba, ngày 13/02/2024 08:50 AM (GMT+7)
Khi những nụ đào quanh bản nở rộ, hoa mận trắng khoe sắc hương... cũng là lúc đồng bào Mông trên những bản làng rẻo cao Sơn La lại cùng nhau vui xuân, đón Tết.
Bình luận 0

Trong không khí hân hoan đón chào năm mới Xuân Giáp Thìn năm 2024, chúng tôi có dịp lên các xã vùng cao Long Hẹ, Co Mạ... của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La để cùng chung vui Tết cùng đồng bào dân tộc Mông vùng cao nơi đây.

Tại bản Cắn Tỷ, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu chúng tôi được ông Vàng A Só mời lên đón Tết cùng gia đình. Ông Só phấn khởi: Năm nay, gia đình tôi mổ con lợn to để đón Tết và mời anh, em họ hàng cùng bạn bè lên ăn Tết cùng. Con lợn nhà tôi nuôi được 2 năm rồi, nặng hơn 1 tạ đấy.

Đồng bào Mông ở Sơn La mổ lợn, gà, may áo mới vui xuân đón Tết- Ảnh 1.

Người phụ nữ Mông hái lá chuối rừng để gói bánh dày. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Só, những năm trước đây, đồng bào Mông thường đón Tết sớm hơn một tháng trước Tết Nguyên đán. Thế nhưng bây giờ con cháu đi học xa nhà, nhiều người đi làm cán bộ trong các cơ quan Nhà nước... nên người dân sẽ tổ chức đón Tết vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

Đồng bào Mông ở Sơn La mổ lợn, gà, may áo mới vui xuân đón Tết- Ảnh 2.

Phong tục thay lại bàn thờ ngày mùng 1 Tết của người Mông vùng cao huyện Thuận Châu (Sơn La). Ảnh: Mùa Xuân.

Còn tại xã Co Mạ, trong bộ váy, áo rực rỡ sắc màu của người Mông trắng, bà con bản phấn khởi đón Tết sớm. Bên nếp nhà truyền thống, những mẻ gạo ngon nhất được đồ lên thơm dẻo, nóng hổi, sẵn sàng cho món bánh dày đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết của bà con. 

Đồng bào Mông quan niệm những chiếc bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, đó chính là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên trái đất.

Đồng bào Mông ở Sơn La mổ lợn, gà, may áo mới vui xuân đón Tết- Ảnh 3.

Người Mông xem chân gà gọi hồn ngày Tết. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Và Thị Nếnh, người dân bản Pha Khuông chia sẻ: Trước khi ăn tết thì chúng tôi đã chuẩn bị gạo để giã bánh dày. Sau đó gọi hồn cho gia đình, mời ông bà tổ tiên về cùng gia đình đón tết và ăn tết. Năm nay gia đình tôi chăn nuôi, trồng trọt được nên cũng mổ lợn, gà để gia đình đón tết. Trước tết tôi cũng đã may được quần áo mới, mua giày mới cho các con mặc đi chơi tết, cùng nhau vui xuân đón tết.

Khoảnh khắc bà con quây quần mổ lợn, mổ gà, giã bánh cũng là lúc năm mới đã đến với đồng bào Mông nơi đây. Nếu như trước đây, Tết của người Mông thường diễn ra sớm hơn Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, với nhiều phong tục, nghi lễ, nét đẹp độc đáo, riêng có, đậm bản sắc, được đồng bào gìn giữ bao đời nay thì ngày nay, Tết của người Mông thường được tổ chức cùng với Tết Nguyên đán để mọi người cùng chung vui, chúc nhau chén rượu ngô thơm nồng đón năm mới.

Đồng bào Mông ở Sơn La mổ lợn, gà, may áo mới vui xuân đón Tết- Ảnh 4.

Gói bánh dày ngày Tết là việc làm đầu tiên trong đêm 30. Ảnh: Mùa Xuân.

Bên cạnh đó, với đồng bào Mông vùng cao huyện Thuận Châu ngày Tết phải giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống các cụ để lại. Ngày 30 Tết bà con sẽ mổ lợn, mổ gà để gọi hồn các thành viên trong gia đình. 

Trong 3 ngày liền không tiêu tiền, không lao động, vì quan niệm nếu không nghỉ thì năm đó sẽ là năm vất vả; những dụng cụ lao động sản xuất như cuốc, xẻng, dao, xếp lên bàn thờ, dán giấy niêm phong.

Nổi bật trong bức tranh xuân nơi rẻo cao Co Mạ là sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào; là gam màu rực rỡ của những bộ trang phục độc đáo của đồng bào Mông; tiếng leng keng của đồng bạc trên áo các chàng trai, cô gái hoà cùng tiếng khèn, tiếng đàn môi dìu dặt...

Đồng bào Mông ở Sơn La mổ lợn, gà, may áo mới vui xuân đón Tết- Ảnh 5.

Những người phụ nữ Mông bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu đi chơi Tết, ném pa pao. Ảnh: Mùa Xuân.

Co Mạ là xã vùng cao của huyện Thuận Châu, Sơn La, với khoảng 90% dân số là đồng bào Mông. Dù cuộc sống không ít khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 50%, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi gia đình trên rẻo cao đều được đón Tết đủ đầy, an vui.

Ông Và Phỏng Sá, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cho biết: Trên địa bàn xã Co Mạ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, trong dịp Tết xã cũng giúp đỡ, kêu gọi xã hội hoá, kết nối các hoạt động từ thiện ở mọi miền cùng với đảng uỷ, xã trao quà cho bà con. Xã cũng tổ chức các hoạt động để các bản đến tập trung giao lưu, đánh tu lu, thi múa khèn, đánh bóng, bóng chuyền, giã bánh dày... vui xuân đón Tết.

Đồng bào Mông ở Sơn La mổ lợn, gà, may áo mới vui xuân đón Tết- Ảnh 6.

Sau khi tổ chức Tết xong, chị em phụ nữ lại rủ nhau đi ném pa pao. Ảnh: Mùa Xuân.

Chia tay bà con các bản vùng cao của huyện Thuận Châu, chúng tôi trở về với phố thị mang theo những cái bánh dày, miếng thịt lợn được bà con bếu ngày Tết như một món quà ý nghĩa. Chúng tôi trân trọng cảm ơn và chúc cho bà con nhân dân các dân tộc vùng cao Sơn La năm mới sức khoẻ, gặt hái được nhiều thành công hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem