Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Du lịch nông thôn: Không gian cho sản phẩm OCOP TP.HCM
Câu chuyện từ trái xoài cát Cần Giờ
Câu chuyện về trái xoài cát Cần Giờ ở huyện Cần Giờ, TP.HCM có thể xem là một điển hình cho sản phẩm OCOP mang đậm tính địa phương. Tiền Giang nổi tiếng với xoài cát Hòa Lộc, Đồng Tháp vang danh với xoài cát chu, còn xoài cát với hương vị có chút mặn mòi của vùng duyên hải Cần Giờ thuộc hàng hiếm.
Không trồng ồ ạt, sản lượng xoài cát Cần Giờ chính hiệu tung ra thị trường mỗi năm không nhiều. Đã hiếm lại càng hiếm. Câu chuyện của trái xoài cát Cần Giờ được lãnh đạo huyện này nhắc đến liên tục trong những chương trình về phát triển nông nghiệp, du lịch gần đây, với một mục tiêu duy nhất là quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị cho đặc sản OCOP 4 sao này.
“Xoài cát Cần Giờ của chúng tôi có tổng diện tích khoảng 200 hecta, chủ yếu tại xã Long Hòa. Một năm có hai mùa, xoài cát Cần Giờ nổi tiếng khắp cả nước bởi hương vị đặc trưng. Cùng với điều kiện tự nhiên của Cần Giờ, nông dân có bí quyết bón phân riêng để trái xoài có hương vị đậm đà, đặc biệt” ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nói.
Huyện Cần Giờ đang tích cực gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và khai thác các câu chuyện đặc trưng như vậy trong từng sản phẩm để giới thiệu tới du khách.
Những giá trị khác biệt
Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP 4 sao gồm mật ong rừng sữa ong chúa nguyên chất, hà thủ ô 5 trong 1, mật ong nhân sâm, mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, tinh bột nghệ vàng. Ngoài phân phối tại các hệ thống siêu thị, kênh “xuất khẩu” tại chỗ thông qua du lịch đang được công ty quan tâm.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc Xuân Nguyên, cho biết sản phẩm OCOP của doanh nghiệp đang được định hướng gắn với các chương trình du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa tại Bình Chánh. Ngoài ra, tại các chương trình xúc tiến du lịch của TP.HCM, Xuân Nguyên cũng luôn có mặt để giới thiệu khách hàng.
Mặc dù không có nhiều lợi thế về nông nghiệp, tuy nhiên, các sản phẩm OCOP được vinh danh thời gian qua cho thấy, TP.HCM đã tìm đúng các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế so sánh cao như xoài cát Cần Giờ, khô cá dứa, mật dừa nước, bột rau má, rau an toàn… Đây là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm OCOP gắn kết với chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cũng thừa nhận giữa các tỉnh thành, thậm chí trong cùng một tỉnh, có sản phẩm OCOP trùng lặp nhau. Tuy nhiên, sự đặc sắc và khác biệt của các sản phẩm nằm ở yếu tố vùng miền và những câu chuyện sâu xa bên trọng.
“Điều quan trọng tạo nên khác biệt là câu chuyện của sản phẩm OCOP. Vì vậy, chúng tôi có thảo luận với các bộ ngành và chuyên gia, làm sao tăng cường kể câu chuyện sản phẩm thông qua thiết kế bao bì, câu chuyện bản địa, văn hóa, nêu bật cái hay, cái mới của các sản phẩm OCOP”, ông Hiệp nói.
Ngành du lịch và ngành nông nghiệp TP.HCM cũng đang phối hợp với nhau để quảng bá sản phẩm OCOP tại các lễ hội, sự kiện du lịch lớn của thành phố cũng như triển lãm sản phẩm OCOP tại khách sạn lớn. Song song đó, TP.HCM cũng đang tìm kiếm sản phẩm OCOP du lịch, đưa vào chuỗi sản phẩm du lịch hiện có trên địa bàn TP.HCM.
Tuy “hai mà một”
Du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn đang trở thành một xu hướng hấp dẫn chưa từng thấy và sản phẩm OCOP phù hợp để trở thành một phần trong trải nghiệm của du khách. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển du lịch nông thôn. Đây sẽ là một ngành kinh tế - du lịch quan trọng và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.
Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, đánh giá chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn chặt với du lịch nông nghiệp, do đó, nên có thêm chương trình Mỗi tỉnh thành một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng. Hai chương trình này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhau, tạo nên sức hút cho các sản phẩm du lịch nhờ các thông điệp và câu chuyện nông sản, đặc sản riêng của từng địa phương.
TP.HCM đã bước đầu thành công với chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Đây là giải pháp sáng tạo của ngành du lịch thành phố nhằm huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Theo bà Ly, cần thiết khai thác thêm chủ đề OCOP trong sản phẩm du lịch nông nghiệp của TP.HCM, giúp gia tăng giá trị của cả hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Các sản phẩm OCOP sẽ giúp sản phẩm du lịch nông nghiệp thành phố thêm độc đáo và trong không gian du lịch, các sản phẩm OCOP sẽ càng nổi bật.
Đấu giá biển số ô tô: Tranh luận việc trả giá "khủng" rồi bỏ cọc
31/10/2023 13:54Giá cà phê trong nước giảm mạnh
31/10/2023 13:34Giá dầu thế giới đi xuống, giá xăng trong nước có thể tăng tiếp
31/10/2023 13:16
Theo Du lịch TP.HCM