Dũng sĩ 18 tuổi và những trận đánh xe tăng lừng lẫy

Lưu Văn Bính Thứ hai, ngày 29/04/2024 07:50 AM (GMT+7)
Một ngày cuối tháng 3/2024, chúng tôi đến thăm Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - nguyên Tư lệnh Quân khu 4, được nghe ông kể về những trận đánh cùng những chiến công vang dội của ông thời trai trẻ đã làm nên tên tuổi ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Bình luận 0

Những trận đánh ác liệt và những chiến công vang dội

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, chàng trai Đoàn Sinh Hưởng chính thức nhập ngũ ngày 28/9/1966. Khi đó anh mới 17 tuổi, cân nặng 41kg, người thấp bé lại bị huyết áp cao nhưng vẫn nằng nặc đòi đi bộ đội và cuối cùng chàng trai ấy cũng được chấp nhận làm chiến sĩ của Sư đoàn 308 - Sư đoàn quân Tiên phong.

Chiến dịch đầu tiên trong đời lính của ông là chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị). Ông cho biết: "Bản thân tôi cũng như Sư đoàn 308 thì đó là lần đầu tiên trực tiếp đánh Mỹ, trực tiếp chiến đấu đánh quân chủ lực tinh nhuệ của Mỹ, đội quân có trang bị vũ khí hiện đại nhất, nhưng chúng tôi đã thắng". 

Tướng Hưởng cũng cho biết, lần đầu tiên chạm trán lính Mỹ, khi chỉ còn cách nhau chừng 50m, ông ném lưu đạn vào đội hình địch nhưng lưu đạn không nổ, hóa ra do hồi hộp và có chút sợ hãi nên ông quên rút chốt lựu đạn. Sau khi đồng đội nhắc và trấn an, quả thứ hai thì ông đã rút chốt và ném vào đội hình địch, diệt luôn mấy tên.

Dũng sĩ 18 tuổi và những trận đánh xe tăng lừng lẫy- Ảnh 1.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và các chiến sĩ Sư đoàn xe tăng 206. Ảnh: C.A

Sau trận đầu, anh lính Hưởng tiếp tục chiến đấu và lập công xuất sắc, nên năm 18 tuổi - chỉ một năm sau ngày nhập ngũ, ông đã được phong là Dũng sĩ diệt Mỹ. Cứ thế ông trải qua các chiến trường ác liệt như Đường 9 - Nam Lào, rồi được cử đi học Trường sĩ quan Lục quân 1. Kết thúc khóa học, ông được điều về làm Đại đội trưởng xe tăng thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp, rồi vào chiến trường Tây Nguyên. 

Tại đây ông đã chỉ huy Đại đội 9 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Tăng 273) cùng với bộ binh Sư đoàn 10 đánh và diệt gọn cứ điểm Đắk Pét. Ngày 10/3/1975, đại đội của ông đánh thọc sâu vào trại Mai Hắc Đế và sở chỉ huy Sư đoàn 23 của nguỵ ở thị xã Buôn Ma Thuột. Đúng 11 giờ, lá cờ của quân giải phóng đã phấp phới bay trên nhà chỉ huy Sư đoàn 23 nguỵ. Đại đội 9 lại tiếp tục đánh thẳng vào ngã 5 và ngã 6 Buôn Ma Thuột, giải phóng thị xã.

Tiếp đó, ngày 17/3, Đại đội 9 của ông phối hợp với Sư đoàn 320 đánh chiếm thị xã Cheo Reo - Phú Bổn. Sau trận này, theo yêu cầu nhiệm vụ, xe tăng T54 của đại đội ông được giao cho một đơn vị khác, Đại đội 9 lại lấy xe tăng của địch để đánh địch. Tiếp tục tấn công vào thị xã Tuy Hòa, xe của ông chỉ huy đã tiêu diệt trận địa pháo 4 khẩu 105 li trên đồi Nhạn Thác. Đại đội 9 cùng Sư đoàn 320 đã chiếm được thị xã Tuy Hòa, đó là ngày 1/4/1975. Riêng trận đó, xe tăng của ông đã bắn cháy 2 tàu chiến của địch ở cửa biển Tuy Hòa.

Dũng sĩ 18 tuổi và những trận đánh xe tăng lừng lẫy- Ảnh 2.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại, 21 giờ 30 tối ngày 12/9/1975 ông bật đài bán dẫn nghe chương trình thời sự thì bất ngờ nghe tin Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 59 đơn vị và 6 cá nhân - trong đó có ông.

Trên đà tiến quân, Đại đội xe tăng của ông Hưởng đi theo đường chiến lược vòng về phía tây Sài Gòn để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại đội 9 của Đoàn Sinh Hưởng gồm 11 xe tăng được giao nhiệm vụ đi đầu mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào phía tây Sài Gòn. Trên đường đi, xe bị hỏng hóc không thể khắc phục được nên chỉ còn lại 4 chiếc. Đến sáng 29/4, Đại đội 9 đã vượt qua các mục tiêu trọng điểm của địch và tiến thẳng lên Cầu Bông ở Sài Gòn. Tại đây địch cho 24 xe tăng vượt qua cầu Bông để chặn đường tiến công của quân ta. Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã dũng cảm và mưu trí chỉ huy đại đội bắn cháy 12 chiếc xe tăng của địch, riêng xe của ông bắn cháy 4 chiếc, tạo điều kiện để quân ta tiến vào trung tâm thành phố.

Đến 11 giờ ngày 29/4, 4 xe tăng của Đại đội 9 lại được lệnh chờ lực lượng phía sau của ta để cùng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy…

Vị tướng mê làm vườn và cuộc sống bình dị

Dũng sĩ 18 tuổi và những trận đánh xe tăng lừng lẫy- Ảnh 3.

Ông Hưởng có đam mê lớn với cây cảnh. Ảnh: T.L - T.G

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hưởng được cử đi học ở Liên Xô, trở về làm Lữ đoàn trưởng khi mới 34 tuổi, rồi Sư đoàn trưởng khi ở tuổi 37. Năm 41 tuổi, ông làm Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, rồi sau đó về làm Tư lệnh Quân khu 4. Ông nghỉ hưu theo chế độ từ năm 2009.

Sau khi về hưu, ông Hưởng mua 4 sào đất tại xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để làm vườn cây cảnh. Ông dẫn chúng tôi đi thăm vườn của ông, giới thiệu tường tận từng cây. Từ một mảnh đất cát bạc màu nóng bóng gió Lào miền Trung, ông đã kỳ công tạo lập, biến thành một vườn cây cảnh muôn màu sắc, đủ các loài cây. Ở đây, mỗi loài cây đều được ông đặt cho những cái tên như: Lão mai sinh quý tử, Cửu Long tân châu, Quái long quy tiên, Huyền chi đạo địa, Ngũ long công chúa…

Ông cho hay, cây trong vườn của ông đều có giá trị cao, từ trăm triệu đến tiền tỷ, đặc biệt có cây lộc vừng được định giá gần 6 tỷ đồng.

Dũng sĩ 18 tuổi và những trận đánh xe tăng lừng lẫy- Ảnh 4.

Tướng Đoàn Sinh Hưởng (phải) và tác giả bài viết trong vườn cây của ông ở Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: T.L - T.G

Tướng Hưởng cho hay, niềm đam mê làm vườn, trồng cây cảnh của ông có từ những năm ông còn trai trẻ. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi được tuyên dương Anh hùng, ông đã xin xuất ngũ để về quê lấy vợ (cô người yêu, mối tình đầu của ông đã chờ đợi ông suốt 10 năm trời) và làm lão nông, làm vườn. Nguyện vọng ấy không được chấp thuận, vậy là ông lại làm vườn, tạo cây cảnh ngay trong doanh trại của đơn vị khi ông là Lữ đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng, Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp và Tư lệnh Quân khu 4.

Bây giờ, cựu binh Đoàn Sinh Hưởng - người được phong Anh hùng khi mới 26 tuổi, Dũng sĩ diệt Mỹ khi mới 18 tuổi, đã trực tiếp tham gia trên 200 trận đánh lớn nhỏ, rồi trở thành Trung tướng, Tư lệnh Quân khu và là một nhà khoa học, (Tiến sĩ Khoa học Quân sự) nhưng ông rất khiêm tốn và có cuộc sống giản dị, gần gũi giữa đời thường. 

Ông chia sẻ: "Trong chiến trận và trong cuộc đời, tôi đã được vịn vào vai đồng chí, đồng đội, biết dựa vào niềm tin yêu của mọi người để vượt qua mọi khó khăn ác liệt của chiến tranh và thử thách trong cuộc sống để phấn đấu, trưởng thành. Giờ đây, 75 tuổi đời và 40 tuổi quân với biết bao sự kiện chồng chồng lớp lớp nhưng những ngày làm lính cùng những đổi thay của đất nước, của lịch sử dân tộc là những ngày không thể nào quên…"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem