Giá cà phê thế giới giảm nhẹ

29/03/2012 12:07 GMT+7
Giá cà phê giảm nhẹ sau khi tăng mạnh lên trên 2.050 USD/tấn phiên trước khi nguồn cũng Brazil có thể giảm do thời tiết xấu.

Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm 100 nghìn đồng/tấn so với ngày hôm qua. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng là 40,4 triệu đồng/tấn, tại Gia Lai là 40,3 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê xuất khẩu loại 5% đen vỡ giao tại cảng TP.HCM có giá 2.050 USD/tấn, FOB, mức trừ lùi 30 USD/tấn.

Trên thị trường London, đóng cửa phiên, cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 1 USD xuống 2.058 USD/tấn, trong khi kỳ hạn tháng 7 giảm 2 USD xuống 2.049 USD/tấn.

Tại New York, giá cà phê arabica giao tháng 5 giảm 5,75 cent tương đương 3,17% xuống 181,6 cent/lb vào lúc đóng cửa phiên hôm qua, còn kỳ hạn tháng 7 giảm 5,5 cent xuống 184,35 cent/lb.

Giá cà phế thế giới giảm trở lại trước áp lực bán ra của các nhà đầu tư sau khi tăng mạnh phiên trước đó. Tuy nhiên, mức giảm hạn chế đối với cà phê robusta, trong khi cà phê arabica lại giảm mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là bước giảm tạm thời của giá cà phê và sẽ tăng trở lại khi nguồn cung cà phê thế giới sẽ thiếu hụt trong năm nay.

Trong một báo cáo gửi tới khách hàng ngày 28.3, ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá cà phê có thể tăng nếu thời tiết ở Braxin vẫn tiếp tục khô hạn trong vài tháng tới. Trong năm nay, giá cà phê Arabica trên thị trường kỳ hạn New York đã giảm 18% do thương nhân đẩy mạnh bán ra trước kỳ vọng vụ mùa bội thu ở Braxin.

Người trồng cà phê ở đất nước Nam Mỹ này dự kiến sẽ thu hoạch sản lượng 49 – 52,3 triệu bao trong vụ 2012-2013 bắt đầu từ tháng 7 tới do cây cà phê bước vào chu kỳ cho sản lượng cao 2 năm một lần. Mức sản lượng này như vậy sẽ vượt mức kỷ lục 48,5 triệu bao từng đạt được vào năm 2002.

Tuy nhiên, thời tiết tiếp tục khô hạn và độ ẩm thấp khiến quá trình làm nhân của quả cà phê bị chậm lại và không được chắc, dẫn đến năng suất có thể giảm tới 30 – 40% so với bình thường.

Theo DVT/coffeemarketnews/giacaph/Gafin

 

(Dân Việt)