Giáo sư Tô Ngọc Thanh: Người trọn đời tận hiến cho văn hóa dân gian

Yến Thanh Thứ tư, ngày 24/04/2024 13:34 PM (GMT+7)
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh có hơn 40 năm sống với đồng bào dân tộc, lắng nghe và chia sẻ với họ, để từ đó cho ra đời những công trình nghiên cứu đặc sắc và ấn tượng.
Bình luận 0

Từ con trai của danh họa đến Tiến sĩ xuất sắc tại trường nhạc

Sáng 24/4, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã qua đời ở tuổi 90 tại Hà Nội. Sự ra đi của cây đại thụ của nền văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam khiến nhiều người thương tiếc. Nói như BTV Diễm Quỳnh, đó là sự mất mát của cả một kho báu khổng lồ, bởi những kiến thức trong ông không văn bản nào có thể ghi lại được trọn vẹn.

GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh sinh ngày 24/6/1934, quê ở Văn Giang (Hưng Yên). Ông là con trai của họa sĩ Tô Ngọc Vân - tên tuổi lớn của nền hội họa Việt Nam, tác giả của những bức tranh nổi tiếng: Thiếu nữ bên hoa sen (1944); Thiếu nữ bên hoa huệ (1943); Hai thiếu nữ và em bé (1944); Buổi trưa (1936); Bên hoa (1942)...

Giáo sư Tô Ngọc Thanh: Người trọn đời tận hiến cho văn hóa dân gian- Ảnh 1.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. (Ảnh: VTV)

Bởi truyền thống gia đình, từ nhỏ, cậu bé Tô Ngọc Thanh đã được định hướng đi theo con đường hội họa. Tuy thế, ông lại bén duyên với văn hóa dân gian, ngay từ khi nghe những tiếng ru của bà và mẹ thời thơ ấu. Ông từng kể lại, ngày bé, nếu không được hát ru thì ông không thể ngủ. Cho đến một ngày, ông nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình là âm nhạc.

Năm 1956, ông trúng tuyển vào Khóa 1, Trường Âm nhạc Việt Nam, sau đó tốt nghiệp loại giỏi. Năm 1978, ông bảo vệ thành công xuất sắc Luận án và được phong học vị Phó Tiến sĩ tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria. Năm 1988, ông bảo vệ Luận văn xuất sắc và được phong học vị Tiến sĩ Khoa học về chuyên ngành âm nhạc cũng tại ngôi trường này.

Hơn 40 năm vác balo đến với đồng bào dân tộc

Trở về Việt Nam, GS Tô Ngọc Thanh dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian của các dân tộc. Ông từng chia sẻ: Muốn tìm hiểu một dân tộc, ông mất ít nhất khoảng 3 năm sống chung với người dân địa phương. Năm đầu học tiếng, không biết tiếng thì không thể tìm hiểu, nghiên cứu được bất cứ thông tin gì. Sau đó, ông sống cùng họ như người dân địa phương, từ việc ăn mặc đến các phong tục sinh hoạt. "Cuộc đời tôi trải qua phần lớn thời gian là người trong cuộc (insider) sống với đồng bào dân tộc nhiều hơn ở nhà. Bố tôi từng nói "Đừng làm cái mình không biết, đừng đứng vào đó chật đất của người khác". Đến giờ, tôi nghĩ cả đời tôi đã sống làm cái mình biết như lời của bố nói", GS Tô Ngọc Thanh từng tâm sự.

Những chuyến đi đến với đồng bào miền núi của GS Tô Ngọc Thanh gặp không ít khó khăn, vất vả.  Ông kể lại: "Mùa hè năm 1960, chúng tôi đeo balo trên vai, trong đó một máy ghi âm chạy điện nặng 18,5kg. Khi ấy, quần áo, chăn màn cũng phải tự túc hết, Tây Bắc thì không có điện. Để làm việc, tôi bám theo những người làm chiếu bóng lưu động. Bởi họ có máy nổ, tôi thuê họ điều khiển máy và tôi mời nghệ nhân tới hát hoặc chúng tôi tới tận nhà nghệ nhân để lắng nghe, chia sẻ".

Giáo sư Tô Ngọc Thanh chia sẻ về chặng đường tới với đồng bào dân tộc, miền núi. (Clip: VTV)

Năm 1962, GS Tô Ngọc Thanh từng gặp nạn trong chuyến đi tới một vùng xa của Sơn La để nghiên cứu về người Thái. Ông đi bộ và leo núi giữa trời lạnh buốt, sau đó bị mắc bệnh sốt rét rừng, ngất xỉu bên bờ suối. Tỉnh dậy, Giáo sư thấy mình được một gia đình người Thái chăm sóc, họ thay quần áo, cho ông ăn, ở. Khi ông lành bệnh, họ mời ông ở lại, nhưng vì là một cán bộ khoa học, ông lại tiếp tục lên đường. 

Hơn 40 năm sống ở các vùng dân tộc miền núi, GS Tô Ngọc Thanh đã đến với khoảng 15 tộc người, ông sống cùng họ, học nói ngôn ngữ của họ, không ngại ở trần, đóng khố, ăn những món ăn lạ. Cũng bởi vậy, ông cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, được công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Có thể kể tới như: Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969); tác phẩm Âm nhạc dân gian Mường (1971); Âm nhạc Dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam (1979); Tìm hiểu Âm nhạc cổ truyền - viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); Fonclo Bahna, do ông chủ biên (1988); Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995)...

Những cống hiến của GS Tô Ngọc Thanh còn phải kể tới những công trình nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lí, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. 

Từ năm 2010, GS Tô Ngọc Thanh dồn tâm huyết, trách nhiệm trong vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của ông, Hội đã phát triển mạnh, có nhiều công trình nghiên cứu nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian trước nguy cơ mai một. 

Từng có thời gian tiếp xúc với GS Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Thu Yến, BTV Trung tâm Phim tài liệu - Đài Truyền hình Việt Nam xúc động chia sẻ với PV Dân Việt: "GS. Tô Ngọc Thanh là người khiến tôi luôn cảm phục bởi cách sống, cách làm việc và cống hiến cho cuộc đời: Người nhỏ thó nhưng ông đã đi bộ khắp Tây Bắc, Tây Nguyên, lưu giữ những "hạt ngọc văn hoá dân gian" của đồng bào. Ông dặn tôi: Đừng nói miền núi phải tiến kịp miền xuôi; miền núi có vạn kho báu văn hoá dân gian để tự hào đứng hiên ngang một cõi. Ông cũng khuyên tôi hãy đi để mang về "không chỉ một sàng" mà là "cả xe tải những điều hay lẽ phải" của các dân tộc khắp Việt Nam".

Vĩnh biệt trần thế ở tuổi 90, GS Tô Ngọc Thanh đã để lại cuộc đời một gia tài đồ sộ. Tư duy uyên bác, sắc sảo cùng một bản lĩnh dám dấn thân của ông khiến đồng nghiệp nhiều thế hệ kính nể, không ít nghệ nhân được truyền cảm hứng trong việc lưu giữ những vốn quý trong nền văn hóa của dân tộc. Từ những "cây đại thụ" như ông, bao "cây non" dần lớn lên, để ngọn nguồn của văn hóa dân tộc còn chảy mãi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem