HOT HOT HOT:

Hà Tĩnh: Người dân “hái ra tiền” nhờ lên rừng cắt cây hoang dại

21/04/2021 08:44 GMT+7
Không chỉ giữ nguyên nét đẹp truyền thống cha truyền con nối, nghề làm chổi đót còn giúp người dân trên địa bàn thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đem lại nguồn thu nhập khá.

Chổi đót là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, khi nhắc đến nguồn gốc của chổi thì chắc hẳn không ai còn nhớ, chỉ biết đây là nghề cha truyền con nối, từ đời này qua đời khác.

Làng chổi đót, Lộc Hà, Hà Tĩnh nhộn nhịp vào mùa.

Làng Hà Ân là làng nghề làm chổi đót nổi tiếng ở Hà Tĩnh với gần 200 hộ dân theo nghề, đây được xem là nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn.

Ông Lê Tiến Nương, trú tại xã Thạch Mỹ, Lộc Hà (nhiều năm kinh nghiệm trong nghề làm chổi đót), chia sẻ: "Gia đình tôi làm nghề này lâu lắm rồi, được truyền từ đời này sang đời khác. Một năm gia đình tôi làm hơn 10 tấn đót, trung bình 1 ngày làm được 50 - 70 cái chổi thành phẩm, mỗi cây chổi được bán với giá 16.000-18.000 đồng, một năm sau khi trừ hết các chi phí gia đình tôi thu lại hơn 100 triệu đồng".

Hà Tĩnh: Người dân “hái ra tiền”, nhờ lên rừng cắt cây hoang dại - Ảnh 2.

Ông Lê Tiến Nương, trú tại xã Thạch Mỹ, Lộc Hà tỉ mỉ kết những chiếc chổi đót bền đẹp. Ảnh: PV

"Chổi đót được làm bằng cán nhựa, để làm được một cái chổi hoàn chỉnh phải trải qua 5 công đoạn chính, trong đó công đoạn cuốn chổi là khó nhất. Bởi khi quấn đòi hỏi người thợ phải khéo léo, lực tay vừa đủ, như thế chổi mới chắc, đều và đẹp được"- ông Nương bật mí.

Hà Tĩnh: Người dân “hái ra tiền”, nhờ lên rừng cắt cây hoang dại - Ảnh 3.

Ông Lê Tiến Nương chọn lựa những cây đót chất lượng để kết thành chổi. Ảnh: PV

Nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, được nhập từ Lào và các huyện miền núi phía Bắc, bông đót làm chổi phải được cắt khi còn xanh, chưa nở hoa, mỗi năm cây đót chỉ có một vụ, người dân phải mua đót về trữ trong nhà để làm dần trong năm.

Hiện nay chổi được người dân làm theo 2 loại chính, chổi cán nhựa và chổi cán đót.

Bà Nguyễn Thị Huệ, trú tại thôn Hà Ân, Lộc Hà, cho biết: "Ngày nay rất nhiều hộ làm chổi cán nhựa, không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức, nguyên liệu mà chổi cán nhựa còn được rất nhiều người ưa chuộng vì chổi khá nhẹ".

Hà Tĩnh: Người dân “hái ra tiền”, nhờ lên rừng cắt cây hoang dại - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Huệ, trú tại thôn Hà Ân, Lộc Hà người có thâm niên ở làng nghề chổi đót. Ảnh:

Đối với chổi cán nhựa, sau khi bó đót tạo hình rẻ quạt phần cuống đót sẽ được nhét vào cán nhựa, cố định bằng 3 chiếc đinh vít, còn đối với chổi cán đót phần chân cố định bằng dây mây, cán chổi dài khoảng 1 mét, cách nhau khoảng 5cm thì sẽ được cố định bằng 2 vòng mây, để các que đót không bị rơi ra.

Hà Tĩnh: Người dân “hái ra tiền”, nhờ lên rừng cắt cây hoang dại - Ảnh 5.

Các cây đót được bện chặt với nhau. Ảnh: PV

Ông Phan Thanh Bình, trú tại thôn Hà Ân, Lộc Hà (kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề chổi đót), chia sẻ: "Ngoài làm chổi thì gia đình tôi còn buôn đót cho các hộ dân trong làng, đót được bán với giá là 30.000 – 35.000 đồng /1 kg, trung bình 1 cân sẽ làm được 3 cái chổi".

Hà Tĩnh: Người dân “hái ra tiền”, nhờ lên rừng cắt cây hoang dại - Ảnh 6.

Những cây chổi đẹp, bền của bà Lãnh vừa bện xong. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Tiến Lương - Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, cho biết: "Nghề chổi đót không chỉ nguồn thu nhập chính cho các hộ gia đình mà trở thành nét đẹp văn hóa riêng, ăn sâu vào máu thịt, tiềm thức của người dân thôn Hà Ân.

Từ người già đến trẻ nhỏ, không kể gái hay trai, ai cùng biết làm chổi đót. Nghề làm chổi đót chủ yếu sản xuất thủ công theo hộ gia đình, không đòi hỏi trình độ cao, cần sự cần cù, khéo léo mới cho ra đời những cây chổi vừa bền, vừa đẹp".

 

Lê Thỏa Dung