Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Suy thoái thị trường bất động sản, 40 ngân hàng "biến mất"
Cuối tháng 6 năm nay, 40 ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đã "biến mất" sau khi các tổ chức lớn hơn nhảy vào tiếp quản chỉ trong một tuần. The Economist, tạp chí kinh tế nổi tiếng cả thế giới, nhận định đây là chuỗi hợp nhất doanh nghiệp lớn nhất tính từ cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay ở Trung Quốc trong thập niên 1980.
Sức khỏe ngành ngân hàng Trung Quốc
Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global từng cảnh báo rằng các ngân hàng nhỏ là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản tại Trung Quốc khi chính phủ ngày càng chọn lọc hơn trong việc hỗ trợ. Các ngân hàng khu vực nông thôn thể hiện tỷ lệ nợ xấu cao nhất và khả năng vốn yếu nhất, báo hiệu thêm nhiều bất ổn tài chính.
Khoảng 3.800 ngân hàng nông thôn, với tổng tài sản 7,5 nghìn tỷ USD, nay đang gặp khó khăn với các khoản nợ xấu, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lên đến 40%, theo The Economist.
Phần lớn các ngân hàng gặp khó khăn đã được sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Ninh, vốn được thành lập bởi cơ quan quản lý để quản lý các ngân hàng gặp vấn đề. Đặc biệt, chỉ trong 10 tháng qua, 5 ngân hàng lớn tương tự như vậy đã xuất hiện. Vì vậy, xuất hiện tâm lý thị trường rằng tạo ra các ngân hàng lớn hơn nhưng cũng có thể sẽ gặp khó khăn tương tự.
Tuy nhiên, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC - Industrial and Commercial Bank of China) vẫn là ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB - China Construction Bank) đạt mức tăng trưởng vốn hóa thị trường đáng kể trong quý 2 năm 2024.
ICBC duy trì vị thế là thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới trong năm thứ 8 liên tiếp, với giá trị thương hiệu tăng 3% lên 71,8 tỷ USD, theo xếp hạng của tổ chức đánh giá thương hiệu Brand Finance (Anh quốc) công bố tháng 3/2024. Báo cáo có tên "Brand Finance Banking 500 2024 report".
Giải cứu bất động sản Trung Quốc kéo dài
Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản đến nay vẫn chưa có hồi kết. Một số công ty bất động sản hàng đầu đại lục đã rơi vào cảnh vỡ nợ, khi doanh số bán sụt giảm mạnh gây ra khó khăn lớn về thanh khoản.
Những vấn đề của lĩnh vực này gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là nguyên nhân Chính phủ Trung Quốc phải triển khai nhiều biện pháp mạnh để giải cứu thị trường.
Công ty bất động sản khổng lồ Country Garden của Trung Quốc thông báo hồi tháng 3/2024: Sẽ trì hoãn công bố kết quả kinh doanh hàng năm. Đây là dấu hiệu khẳng định thêm rằng thị trường bất động sản Trung Quốc chưa thoát khỏi khủng hoảng.
Country Garden từng là tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Công ty chính thức vỡ nợ trên số nợ nước ngoài 11 tỷ USD vào cuối năm 2023 và nay đang gánh khoản nợ khoảng 194 tỷ USD. Tháng 2/2024, Country Garden nhận được đơn yêu cầu thanh lý tài sản ở Hong Kong (Trung Quốc) từ một chủ nợ vì chậm thanh toán khoản vay 1,6 tỷ đô-la Hong Kong (204 triệu USD).
Country Garden cho biết ngành bất động sản Trung Quốc đang "không ổn định" khiến công ty gặp khó khăn hơn trong mọi hoạt động. Doanh số bán của tập đoàn đã sụt giảm kể từ năm ngoái. Tháng 2/2024, doanh số bán theo hợp đồng của Country Garden giảm 85%, là mức giảm hàng tháng lớn nhất trong ít nhất 7 năm. Công ty kêu gọi các chủ nợ phải kiên nhẫn vì bản thân tập đoàn vẫn tiếp tục triển khai các dự án nhà ở.
Danh sách các công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ ngày càng tăng từ khi thị trường rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có từ giữa năm 2021 và nhiều công ty phải thanh lý tài sản để trả nợ theo yêu cầu của tòa án.
Tập đoàn China Evergrande Group là công ty bất động sản nợ nhiều nhất thế giới với tổng nợ tới 300 tỷ USD. Evergrande nhận phán quyết thanh lý tài sản của một tòa án Hong Kong vào tháng 1/2024 do không đưa ra được một kế hoạch tái cơ cấu nợ cụ thể hơn hai năm sau khi vỡ nợ nước ngoài.
Hiện nay, Evergrande phải đối mặt với quá trình tái cơ cấu phức tạp mà một số nhà đầu tư cho rằng có thể kéo dài hơn cả chục năm.
Một "ông lớn" khác trong ngành bất động sản Trung Quốc là China Vanke với trụ sở tại Thâm Quyến cũng trong hoàn cảnh tương tự.
China Vanke xếp thứ 2 về doanh số bán trong năm 2023. Cuối tháng 3 vừa qua, báo cáo kinh doanh của tập đoàn cho thấy lợi nhuận năm 2023 giảm tới 46%. Vào đầu tháng 3, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Vanke xuống mức "không đáng để đầu tư" bởi vì thanh khoản của công ty ngày càng xấu đi.
Hiện nay, tâm lý thận trọng của các tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc có thể là một thách thức đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo giới phân tích quốc tế. Bởi vì nhiều biện pháp hỗ trợ của chính phủ trong hai năm qua chưa thể vực dậy được lĩnh vực này, vốn đóng góp 25% GDP vào kinh tế Trung Quốc.