Hỡi các thần dân, dừng tung hô “vua”, để ngài bình tĩnh chiến đấu
Mải mê theo dòng suy nghĩ, HLV Hữu Thắng được vị cao nhân nọ đưa vào thế giới “Thiên Long Bát Bộ” - một trong những tiểu thuyết kiếm hiệp tuyệt hay của Kim Dung mà thời còn cắp sách tới trường anh rất mê!
Tiêu Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự chẳng thấy đâu, trong mắt, anh lại thấy hiện lên đúng hình ảnh rõ nét của Đinh Xuân Thu - một môn đồ của phái Tiêu Dao nhưng lại không giữ giới luật, phản sư diệt môn, dám ra tay hãm hại sư phụ rồi thành lập môn phái riêng gọi là Tinh Túc phái.
Rút từ kinh nghiệm của bản thân, Đinh Xuân Thu chẳng chịu truyền tuyệt nghệ cho bất kỳ môn đồ nào. Cứ cho chúng huynh đệ tự tàn sát lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé. Kể cả mới nhập môn nhưng “tiễn” được đại ca lên đường là lập tức được tung hô.
Cứ đi đến đâu, chúng đệ tử cũng hô hoán rầm trời những câu ca ngợi “công đức” của sư phụ. Đại ý là “Tinh tú lão tiên, pháp lực vô biên, danh lừng trung thổ, đức sánh cửu thiên, đánh đâu thắng đó”.
Cho đến khi Đinh Xuân Thu bị đệ tử phật gia Hư Trúc đánh cho sấp mặt luôn thì cũng chính bọn đệ tử lập tức quay sang sỉ vả Đinh Xuân Thu và tôn sùng người “mới quen”.
Ngẫm đến đây, Hữu Thắng tự thấy có gì đó nhang nhác bóng đá xứ ta. Cứ hễ ở đâu, trên mọi phương tiện truyền thông đều đồng ca: “Bóng đá - môn thể thao vua”. Rồi những nhân vật như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng... được ca tụng lên mây. Tài năng của những cầu thủ này Hữu Thắng biết thừa. Đương nhiên, truyền thông càng ca tụng, anh càng thấy lo lắm. Đã bao lần bất đắc dĩ “mắng thẳng” báo chí đừng nói nhiều về Phượng nữa nhưng có ai nghe?
Bìa báo Làng Cười giấy số 10, chuyên đề Làng cười SEA Games
Tiện có cao nhân, Hữu Thắng hỏi: Làm cách nào để báo chí đỡ “tô hồng” bóng đá? Cao Nhân cười và đáp: “Khi một cầu thủ di chuyển “tối” như Phượng mà còn được ví như “Messi Việt Nam” thì còn có cơ hội nào nữa?”.
Nói rồi cao nhân hỏi tiếp Hữu Thắng: “Con có nghĩ bóng đá thực sự là môn thể thao vua ở Việt Nam không?”, Hữu Thắng im lặng... Lúc này, màn hình ti-vi với bao nhiêu clip được cao nhân mất công lắp ghép lập tức được chiếu lên.
Hữu Thắng thấy một điều làm anh buồn nhưng đúng là sự thật. Trong bao nhiêu câu chuyện trên trời dưới biển ngay cả nơi quán cóc, tuyệt nhiên chẳng ai mang bóng đá ra làm chuyện để nói. Duy có điều, dân Việt Nam ra sân bóng đá nhiều thật. Nhưng những người thực sự đam mê bóng đá, đá thật hay có mấy ai? Ống kính lia qua các sân bóng toàn thấy mấy ông “bụng bia”, đá thí ít, uống thì nhiều! Thế nên một vài anh ít nhậu, giữ được “phom”, vốn cũng chẳng biết đá bóng là gì, vì chịu khó tập luyện nên cũng biết vài ba đường bỗng nhiên thành... sao!
Vậy thì: Bao lâu nay, chúng ta cứ mặc định bóng đá là môn thể thao vua, nhưng thực tế có như vậy không?
Và có quá không khi nói tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam số 1 Đông Nam Á, thậm chí hàng đầu thế giới (?!). Hoang đường! Bằng chứng là cứ nhìn các sân bóng Việt Nam vắng tanh vắng ngắt ở các trận V.League là hiểu. Đến mức Hà Nội FC của bầu Hiển vốn rất có tâm cũng chẳng thể làm gì nổi. Mở cửa tự do đó, mang cả đội ra Mỹ Đình đá AFC Cup - “giải Tây” hẳn hoi mà có anh nào thèm xem?
Phải chăng, bóng đá chỉ còn là “Vua” trong tâm tưởng, trong câu chữ của những con người có liên quan đến bóng đá. Họ tự tung hứng nhau, ảo tưởng và duy ý chí về một niềm đam mê đã cũ.
Thử hỏi, phái Tiêu Dao của Vô Nhai Tử ban đầu cũng tuyệt đẹp chứ! Đến Đoàn Dự - vương tử Đại Lý còn phải dập đầu ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của Thần tiên tỷ tỷ (một người liên quan tới Tiêu Dao phái) cơ mà! Nhưng Tiêu Dao phái đã không còn đẹp từ khi xuất hiện nghịch đồ Đinh Xuân Thu. Âu cũng là lỗi của Vô Nhai Tử khi không “tinh mắt” chọn môn đồ vậy!
Một thời, bóng đá Việt Nam cũng oách lắm chứ! Để có 1 tấm vé vào sân Hàng Đẫy đôi khi tiền không mua được. Thể Công một thời ra sân chỉ để cống hiến và... cống hiến. Cựu danh thủ Vương Tiến Dũng từng kể lại: “Chúng tôi đá trên sân ở Nhổn mà sân bị biến thành hình... bầu dục. Khán giả mê quá họ bao quanh, sau trận đấu cho anh em túi ngô, bao sắn. Đơn giản thế thôi mà ai trong chúng tôi cũng sẵn sàng ra sân là “cháy” hết mình”.
Thời ông Vương Tiến Dũng là thế, đến thời một ông Dũng khác, đại gia ngân hàng, Chủ tịch VFF hiện nay Lê Hùng Dũng lại khác. Có thể dẫn ra một câu cảm thán của chính ông Hùng Dũng như một lời cảm thương cho bóng đá Việt Nam. Sau vụ tiêu cực của nhóm 7 cầu thủ U23 Việt Nam tại SEA Games 2005, ông Hùng Dũng khi đó là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF nói: “Tôi thấy đau quá! Xưa thấy cầu thủ của mình khổ, cố gắng kiếm tiền vì nghĩ khi có tiền, cầu thủ của mình sẽ không làm bậy. Ai ngờ...!”
Những người lạc quan tếu còn cho rằng sau vụ SEA Games 2005, cầu thủ Việt Nam sẽ không dám làm liều. Nhưng ngay trong năm 2014, hết vụ một nhóm cầu thù V.Ninh Bình dàn xếp tỷ số ở AFC Cup lại đến vụ nhóm cầu thủ Đồng Nai tiêu cực ở V.League.
Hóa ra chẳng ai biết sợ khi mọi thứ đã thành một “thói quen”. Họ có lỗi 1, những “đầu tàu” bóng đá Việt Nam qua lớp lớp thế hệ có lỗi 10!
Bóng đá tồi tệ và rõ ràng tồi tệ như thế thì nó là cái quái gì mà phải chờ đợi nhỉ? Còn biết bao Hoàng Xuân Vinh (HCV Olympic 2016 môn bắn súng), Ánh Viên (VĐV bơi lội số 1 Đông Nam Á), Lệ Dung (VĐV đấu kiếm số 1 Đông Nam Á)... mà Thể thao Việt Nam đã “bỏ quên” vì mải mê theo đuổi những giá trị ảo?
Bóng đá là môn thể thao quái gì nhỉ? Câu hỏi này sẽ làm nhiều người khó chịu. Nhưng tất cả sẽ cười ra nước mắt nếu cứ mãi buồn khi không biết tận hưởng niềm vui từ những môn thể thao Olympic cơ bản mang lại. Đó là điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo...
Bóng đá nam, trong trường hợp lý tưởng, suy cho cùng cũng chỉ đóng góp cho đoàn Thể thao Việt Nam 1 HCV tại SEA Games mà thôi. Và biết đâu, trước khi bước vào SEA Games năm nay, báo chí đừng ca ngợi thái quá, người hâm mộ đừng tung hô cho sướng tay phím trên mạng xã hội, thì đội tuyển của chúng ta sẽ “làm được điều gì đó” hơn những kỳ SEA Games trước? Hãy bắt tay nhau thử một lần.