Hot hot hot:
Hòa Bình thi đua yêu nước
Hội Nông dân một huyện ở Hòa Bình tích cực tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Nhằm cải thiện việc tiếp cận thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương, dự án "Tăng cường quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số” (L4A) được tổ chức Helvetas phối hợp Liên minh Đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn và Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện tại 2 huyện Mai Châu, Đà Bắc trong 3 năm (từ ngày 1/6/2020 - 31/5/2023).
Từng được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về pháp luật do dự án phối hợp tổ chức, bà Lò Thị Ít, xóm Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết: Tham gia vào dự án, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn xã đã được cung cấp nguồn lực quan trọng, được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai; kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, đóng góp xây dựng chính sách đất đai, qua đó góp phần làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở liên quan đến tranh chấp đất đai.

Không riêng vấn đề tranh chấp về đất đai, thời gian qua, thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Mai Châu đã phối hợp cùng các thành viên Ban Chỉ đạo 81 huyện làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, các đề nghị, kiến nghị của công dân đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng việc trực tiếp đối thoại với công dân, thường xuyên rà soát, nắm chắc các vụ việc khiếu nại tố cáo để có kiến nghị biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong 10 năm (2014 - 2024), các cấp Hội Nông dân huyện Mai Châu đã tổ chức gần 600 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thông qua công tác hòa giải, tổ chức đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân cho trên 26.880 lượt người tham gia; trợ giúp pháp lý cho 23.414 lượt hội viên nông dân; tổ chức 10 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 660 lượt hòa giải viên tại các xã, thị trấn.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền
được đẩy mạnh thông qua lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội, họp tổ dân phố,
trang fanpage, zalo, facebook, loa phát thanh tại tổ, xóm, khu dân cư... Đến
nay, toàn huyện đã phối hợp thành lập được 435 mô hình "tự quản về an ninh
trật tự”; 6 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật” gồm 75 thành viên tại các
xã, thị trấn. Hoạt động tuyên truyền của các mô hình, CLB được tổ chức lồng
ghép với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phòng chống ma túy, tội
phạm...
Công tác phối hợp với các ngành cùng cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đạt được kết quả đã góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đông người xảy ra; vừa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, vừa giữ được tình làng nghĩa xóm, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, qua đó giữ vững ổn định tình hình an ninh ở cơ sở.

Ông Hà Minh Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu thông tin: Trong 10 năm, các cấp Hội Nông dân huyện đã phối hợp cùng chính quyền, tư pháp, các ngành, đoàn thể ở xã, thị trấn tham gia hòa giải được 60 vụ việc, đạt 100%. Các mâu thuẫn chủ yếu về tranh chấp đất đai, trong lĩnh vực hôn nhân, mâu thuẫn giữa các cá nhân trong gia đình, dòng họ, tranh chấp dân sự. Về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh, có 354 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân, bằng 132 vụ việc, trong đó có 126 đơn, bằng 23 vụ việc đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định.
"Thông qua hoạt động và góp phần làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã giúp hội viên nông dân tiếp cận những quy định của pháp luật, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật, góp phần quan trọng cùng với hệ thống chính trị địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp vào sự ổn định và phát triển chung của huyện...", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu nhấn mạnh.