HỘP THƯ NÔNG THÔN XANH: Cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường, cá tôm nuôi đến đâu chết đến đấy
Cơ sở sản xuất thạch rau câu đầu độc môi trường khiến người nông dân phải "treo' ao
Cơ sở sản xuất thạch đầu độc môi trường, nông dân treo ao, bỏ phí ruộng đồng
Độc giả Vũ Văn Nhật - huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình phản ánh:
"Ao cá nhà tôi nằm cạnh một cơ sở sản xuất thạch rau câu tại xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đã 3 năm nay, cơ sở này tiến hành xả thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh hoạt của người dân xung quanh. Đứng cạnh ao có thể cảm nhận rõ rệt mùi chua, khét khó chịu xộc thẳng lên mũi, miệng. Hiện tại, ao cá của tôi đã phải bỏ, "treo" ao. Bất cứ loại cá tôm nào, cứ nuôi đến đâu chết đến đấy, năm ngoái còn chết hết cả lúa.
Dù đã bị UBND huyện đình chỉ hoạt động từ giữa năm ngoái, nhưng hiện tượng xả thải vẫn tái diễn, môi trường vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mong Chương trình Nông Thôn Xanh tiếp tục phản ánh tới các cơ quan chức năng để chấm dứt triệt để tình trạng xả thải của đơn vị này".
Người thợ máy U70 đóng 3 thùng rác xanh dành tặng khu phố
Người thợ máy U70 đóng 3 thùng rác xanh dành tặng khu phố
Độc giả Thiều Thị Trang - Huyện Thanh Trì, TP Hà NộI phản ánh:
"Mới đây, trên địa bàn tổ dân phố số 3 chúng tôi tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, đươc đặt 3 chiếc tủ ghi "Điểm gom rác thải tái chế xây dựng quỹ hội". Đây là sản phẩm do ông Lê Đức Hạnh, người dân địa phương chế tạo ra để hưởng ứng phong trào thi đua "Thu gom rác thải tái chế" do Chi hội Phụ nữ phát động. Trước đây, các túi rác của các hộ dân bị một số người thu lượm ve chai rạch túi ra tìm phế liệu khiến rác bẩn rơi tung tóe bẩn nền đường. Ông Hạnh lên ý tưởng về một mô hình đựng rác thải tái chế đạt được các tiêu chí dễ nhìn thấy, dễ bỏ rác vào, người lạ không lấy ra được, đồng thời có mái che mưa và có bánh xe giúp dễ dàng di chuyển tủ đựng rác khi cần. Tại chiếc tủ còn có một thùng kính có ghi chữ "Nơi thu thập pin". Vật tư làm tủ cũng do ông Hạnh tự đi nhặt nhạnh.
Sự xuất hiện của các tủ rác vừa làm đẹp cảnh quan môi trường, vừa giúp mọi người nâng cao ý thức trong việc thu gom, phân loại rác thải, mong chương trình Nông Thôn Xanh chia sẻ tới đông đảo khán giả để lan tỏa hành động đẹp này".
Nhóm mê lặn dành cả chục năm cùng nhau xuống biển nhặt rác giải cứu san hô.
lan bien
Độc giả Phạm Tú - Huyện Sơn Trà, TP Đà Nẵng phản ánh:
"Đều đặn từ 5h30 hàng ngày, các thành viên trong lớp học lặn tự do của chúng tôi lại thúc giục nhau ra biển Hòn Sụp, nơi có mỏm đá nhô lên mặt biển, nằm giữa Bãi Bụt và vịnh neo thuyền của bán đảo Sơn Trà. Tại đây, các thành viên cùng nhau tập lặn và dọn rác dưới đáy biển. Có những thời điểm, hơn 40 thành viên nhóm cùng nhau ra bãi Nam để nhặt rác tại các rạn san hô. Thành viên trẻ nhất chỉ 11 tuổi, lặn phía trên mặt nước quan sát nơi nhiều rác, trong khi những người khác lặn xuống độ sâu 5-10m lấy rác lên. Mỗi buổi như vậy, hàng chục kg rác thải đã được chúng tôi thu gom để vận chuyển đi xử lý. Hiện tại, rất nhiều loài san hô đã chết dưới đáy biển do ô nhiễm hoặc do người vô ý dẫm đạp.
Mong rằng, thông qua những hành động của nhóm, sẽ lan tỏa được thông điệp sống xanh, nâng cao ý thức gìn giữ bảo vệ các rạn san hô, bảo vệ môi trường biển tới toàn bộ người dân".
Hãy theo dõi chương trình Nông Thôn Xanh vào sáng thứ 5 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media để biết thêm những thông tin nổi bật về môi trường nông thôn trên khắp cả nước.
Mọi ý kiến đóng góp, phản ánh về môi trường nông thôn của độc giả xin hãy gửi về Hộp thư Nông Thôn Xanh tại địa chỉ Email: nongthonxanhdanviet@gmail.com hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt, Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay, Lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Chương trình Hộp thư Nông Thôn Xanh sẽ được phát sóng vào sáng thứ 4 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media.
Xin trân trọng cảm ơn!