Làng Cười Du lịch Bạc Liêu
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, tây bắc giáp Kiên Giang, tây và tây nam giáp Cà Mau, đông và đông nam giáp biển với 56 km bờ biển. Tỉnh lỵ hiện nay là Thị xã Bạc Liêu, cách Thành phố Hồ Chí Minh 280 km.
Địa lý tự nhiên
Diện tích, dân cư
Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.520,6 km² và dân số năm điều tra dân số ngày 01/04/2009 là 856.250 người với mật độ dân số 339 người/km². Nếu so với 63 tỉnh, thành phố thì Bạc Liêu đứng thứ 40 về diện tích và thứ 48 về dân số.
Trên địa bàn Bạc Liêu có 20 dân tộc, nhưng chủ yếu là người Kinh, tiếp đến là người Khmer và người Hoa. Theo tài liệu tổng điều tra dân số (1999) thì trong tổng số dân trên địa bàn Bạc Liêu, người Kinh chiếm gần 90,0%; người Khmer chiếm 7,9%; người Hoa chiếm 3,1%; các dân tộc còn lại, mỗi dân tộc chỉ có dưới 100 người, thậm chí chỉ có trên dưới một chục người.
Diện tích, dân cư qua các thời kỳ:
• 1971: 2.559 km², 352.230 người1
• 1996 (số liệu Tổng cục Thống kê): 2.487,1 km², 768.900 người
• 1997: 2.485 km², 768.900 người
• 1998: 2.485 km², 800.100 người
• 1999 (Tổng điều tra dân số 1-4): 2.521 km², 736.325 người; (Tổng cục Thống kê) 738.200 người (trung bình năm)
• 2000 (Tổng cục Thống kê): 744.300 người
• 2001: 2.485 km², 756.800 người
• 2002: 768.300 người
• 2003 (TĐBKQSVN): 2.520,63 km², 770.000 người
• 2004 (Tổng cục Thống kê): 2525,7 km², 786.200 người (trung bình năm)
• 2009 (Tổng cục Thống kê): 2525,7 km², 856.250 người
Chú giải 1: Whitfield, D. Historical and Cultural Dictionary of Vietnam. Metuchen, NJ: The Scarecrow Press, 1976.
Địa hình, thổ nhưỡng
Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi lắng phù sa ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là đất bằng nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam và khu vực nội đồng thấp hơn vùng gần bờ biển. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng. Ngoài phần đất liền còn có vùng biển rộng 40.000 km². Biển Bạc Liêu có tiềm năng hải sản tương đối lớn với 661 loài cá và 33 loài tôm, cho phép đánh bắt mỗi năm 24-30 vạn tấn cá và khoảng 1 vạn tấn tôm.
Đơn vị hành chính
Hiện nay, Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thị xã Bạc Liêu và 6 huyện (với 64 xã, phường và thị trấn) là:
• Phước Long
• Hồng Dân
• Vĩnh Lợi
• Giá Rai
• Đông Hải
• Hòa Bình (mới thành lập tháng 7 năm 2005)
Lịch sử
Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1900 theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh, gồm 7 tổng: Long Thủy, Quảng Xuyên, Quảng Long, Quảng An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng, Long Thới. Trước kia Bạc Liêu tách từ tỉnh Hà Tiên ra. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay.
Năm 1904, Bạc Liêu có 3 quận: Vĩnh Lợi, Cà Mau và Vĩnh Châu. Năm 1914, lập thêm quận Giá Rai. Năm 1947, quận Phước Long được nhập từ tỉnh Rạch Giá, còn quận Cà Mau được tách ra thành 1 tỉnh riêng.
Ngày 22/10/1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhập tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh Bạc Liêu được tái lập theo Sắc lệnh 245-NV ngày 8/9/1964, gồm 4 quận: Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu, với 5 tổng, 17 xã. Dân số năm 1965 là 76.630 người.
Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên (Cà Mau) hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Hai tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997.
Văn hóa
Bạc Liêu xưa kia nổi tiếng là đất ăn chơi với nhiều giai thoại về "công tử Bạc Liêu", bởi người dân xứ này có tư duy khoáng đạt, thích giao lưu tìm bạn qua hội hè và qua sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Do cởi mở và có phần sành điệu nên đất Bạc Liêu không chỉ giữ được đôi chân phiêu lãng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang bất hủ, mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với tầng lớp đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, buộc họ phải đến đây xả túi xây cất dinh thự. Bởi thế, nhiều người tới thị xã Bạc Liêu ngày nay đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại nơi đất chua phèn ngập mặn tận cùng của đất nước lại có những dãy nhà Tây sang trọng và đường bệ, khác hẳn những biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Đáng chú ý là những vật liệu chủ yếu trang trí nội thất các biệt thự này như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều được các đại điền chủ bỏ công tốn của sang tận Paris mua về.