Làng Cười Du lịch Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía bắc giáp Bình Phước, phía nam và tây nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía tây giáp Tây Ninh, phía đông giáp Đồng Nai. Tỉnh lỵ của Bình Dương hiện nay là thị xã Thủ Dầu Một, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 30 km. Bình Dương cũng là tỉnh có đội bóng đá nổi tiếng, đã đăng quang giải bóng đá vô địch quốc gia năm 2007 và 2008.
Các đơn vị hành chính
Bình Dương có 01 thị xã và 06 huyện (với 89 xã/phường/thị trấn):
1. Thị xã Thủ Dầu Một
2. Huyện Bến Cát
3. Huyện Dầu Tiếng
4. Huyện Tân Uyên
5. Huyện Phú Giáo
6. Huyện Thuận An
7. Huyện Dĩ An
Địa hình, thổ nhưỡng
• Tọa độ địa lý: vĩ độ Bắc: 110°52' - 120°18', kinh độ Đông: 106°45' - 107°67'30"
• Diện tích tự nhiên 2.681,01km2 (chiếm 0,83% diện tích cả nước và xếp thứ 42/64 về diện tích tự nhiên)
Tổng diện tích: 269.554 ha
Đất ở: 5.845 ha
Đất nông nghiệp: 215.476 ha
Đất lâm nghiệp: 12.791 ha
Đất chuyên dùng: 22.563 ha
Đất chưa sử dụng: 12.879 ha
Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long nên địa hình chủ yếu là những đồi thấp, thế đất bằng phẳng, nền địa chất ổn định, vững chắc, phổ biến là những dãy đồi phù sa cổ nối tiếp nhau với độ cao trung bình 20-25m so với mặt biển, độ dốc 2-5°và độ chịu nén 2kg/cm². Đặc biệt có một vài đồi núi thấp nhô lên giữa địa hình bằng phẳng như núi Châu Thới (Dĩ An) cao 82m và ba ngọn núi thuộc huyện Dầu Tiếng là núi Ông cao 284,6m, núi La Tha cao 198m, núi Cậu cao 155m.
• Từ phía Nam lên phiá Bắc, theo độ cao có các vùng địa hình:
- Vùng thung lũng bãi bồi, phân bố dọc theo các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé. Đây là vùng đất thấp, phù sa mới, khá phì nhiêu, bằng phẳng, cao trung bình 6-10m.
- Vùng địa hình bằng phẳng, nằm kế tiếp sau các vùng thung lũng bãi bồi, địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc 3-12°, cao trung bình từ 10-30m.
- Vùng địa hình đồi thấp có lượn sóng yếu, nằm trên các nền phù sa cổ, chủ yếu là các đồi thấp với đỉnh bằng phẳng, liên tiếp nhau, có độ dốc 5-120, độ cao phổ biến từ 30-60m.
Các nhà thổ nhưỡng đã tìm thấy ở Bình Dương 7 loại đất khác nhau, nhưng chủ yếu là đất xám và đất đỏ vàng. Theo kết quả tổng điều tra đất năm 2000 thì hai loại đất này chiếm 76,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó đất xám chiếm 52,5%; đất đỏ vàng chiếm 24,0%.
Đây là hai loại đất rất thích hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Chính nhờ điều kiện thổ nhưỡng này mà Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây Lái Thiêu, trải rộng trên diện tích 1.250 ha, thuộc địa bàn bốn xã: An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm và Hưng Định.
Với địa hình cao trung bình từ 6-60m, nên chất lượng và cấu trúc đất Bình Dương không chỉ thích hợp với các loại cây trồng mà còn rất thuận lợi đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp.
Trên địa bàn Bình Dương có nhiều sông lớn chảy qua, nhưng quan trọng nhất là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai là một trong những sông lớn của Việt Nam, có tổng chiều dài 450 km, trong đó chảy qua Bình Dương 84 km.
Khí hậu
Khí hậu Bình Dương mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt:
-Mùa mưa, từ tháng 5 - 11, -Mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.
• Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800 - 2.000mm với số ngày có mưa là 120 ngày. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 9, trung bình 335mm, năm cao nhất có khi lên đến 500mm, tháng ít mưa nhất là tháng 1, trung bình dưới 50mm và nhiều năm trong tháng này không có mưa.
• Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5 °C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 29 °C (tháng 4), tháng thấp nhất 24 °C (tháng 1). Tổng nhiệt độ hoạt động hàng năm khoảng 9.500 - 10.000 °C, số giờ nắng trung bình 2.400 giờ, có năm lên tới 2.700 giờ.
• Chế độ gió tương đối ổn định, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới. Về mùa khô gió thịnh hành chủ yếu là hướng Đông, Đông - Bắc, về mùa mưa gió thịnh hành chủ yếu là hướng Tây, Tây - Nam. Tốc độ gió bình quân khoảng 0.7m/s, tốc độ gió lớn nhất quan trắc được là 12m/s thường là Tây, Tây - Nam.
• Chế độ không khí ẩm tương đối cao, trung bình 80-90% và biến đổi theo mùa. Độ ẩm được mang lại chủ yếu do gió mùa Tây Nam trong mùa mưa, do đó độ ẩm thấp nhất thường xảy ra vào giữa mùa khô và cao nhất vào giữa mùa mưa. Giống như nhiệt độ không khí, độ ẩm trong năm ít biến động. Với khí hậu nhiệt đới mang tính chất cận xích đạo, nền nhiệt độ cao quanh năm, ẩm độ cao và nguồn ánh sáng dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Khí hậu Bình Dương tương đối hiền hoà, ít thiên tai như bão, lụt…
Dân cư
• Dân số: 1.482.636 người
Bình Dương có diện tích tự nhiên 2695,5 km² và dân số (theo kết quả điều tra dân số 01/04/2009) là 1.482.636 người với mật độ dân số 550 người/km². Do kinh tế phát triển nhanh, trong thời gian qua Bình Dương thu hút nhiều dân nhập cư từ các địa phương khác. Kết quả điều tra dân số năm 2009 cho thấy: Trong 10 năm từ 1999-2009 dân số tỉnh Bình Dương đã tăng gấp đôi, là tỉnh có tốc độ tăng dân số cao nhất nước với tỷ lệ tăng trung bình 7,3%/năm.
Trên địa bàn Bình Dương có 15 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh và sau đó là người Hoa, người Khơ Me.
Kinh tế
• Vùng đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai, từ thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Bắt đầu những năm 90, với chính sách trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, Bình Dương phút chốc trở thành địa phương phát triển năng động nhất trong tứ giác kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, Bình Dương liên tục đứng ở vị trí số 1.
• Bình Dương là một trong những địa phương năng động trong kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Với chủ trương tạo ra một môi trường đầu tư tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2006, tỉnh đã có 1.285 dự án FDI với tổng số vốn 6 tỷ 507 triệu USD.Năm 2007, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút trên 900 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng hơn 2,5 lần so với năm ngoái. Vào năm 2006, một cuộc điều tra về "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)" đã được gửi tới 31.000 doanh nghiệp trên phạm vi 64 tỉnh, thành và nhận được sự hợp tác rất tích cực từ các doanh nghiệp, đã thực sự phản ánh sát thực nguyện vọng của các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2006, tỉnh Bình Dương tiếp tục đứng đầu với 76,23 điểm, trong khi thủ độ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, lần lượt xếp thứ thứ 40 với 50,34 điểm và xếp thứ 7 với 63,39 điểm.
• Bình Dương có 13 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều khu công nghiệp đã cho thuê gần hết diện tích như Sóng Thần II, Đồng An, Tân Đông Hiệp A, Việt Hương, Sóng Thần 1.Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 938 dự án đầu tư, trong đó có 613 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3,483 triệu USD và 225 dự án đầu tư trong nước có số vốn 2.656 tỉ đồng. Nhằm tăng sự thu hút đầu tư; hiện nay địa phương này đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thi công các khu công nghiệp mới để phát triển công nghiệp ra các huyện phía bắc của tỉnh (Mỹ Phước 1,2,3; 6 khu công nghiệp trong Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương, Tân Uyên).
• Mục tiêu kinh tế xã hội của Bình Dương thời kỳ 2006 -2010
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII năm 2006 đã nêu mục tiêu phấn đấu thời kỳ 2006-2010 về kinh tế-xã hội của tỉnh như sau: -Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm là 15%. -Quy mô GDP (giá hiện hành) đến năm 2010 đạt khoảng 45.800 tỷ đồng, tương đương 2,9 tỷ Đôla Mỹ. -GDP bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng. -Cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp: 65,5%; dịch vụ: 30%; nông nghiệp: 4,5%. -Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 14-15%/năm. -Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả thời kỳ đạt 3 tỷ USD. -90% trường trung học phổ thông, tiểu học đạt chuẩn quốc gia. -Phổ cập giáo dục bậc trung học. -95% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. -Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5% (theo chuẩn mới của tỉnh 400.000 đồng/người/tháng đối với nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng đối với thành thị). Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì nông nghiệp giảm xuống còn 15-16%, công nghiệp và xây dựng 43-44%, dịch vụ 40-41%. Với tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp luôn ở mức cao như hiện nay là 35%/năm (2001-2005) thì Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh về đích trước và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Văn hóa
Thuở xưa, Bình Dương là một phần của đất Gia Định nên đến nay đã có trên 300 năm lịch sử với những di sản văn hoá đặc sắc mà tiêu biểu là đờn ca tài tử. Ca nhạc tài tử sau này nở rộ ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng cái nôi sản sinh thì vẫn là Gia Định, trong đó có Bình Dương. Bình Dương còn là đất của nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân bàn tay vàng điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Từ xa xưa các sản phẩm gốm mỹ nghệ, sơn mài và điêu khắc của Bình Dương đã tham gia hội chợ quốc tế, đồng thời cũng đã xuất khẩu sang Pháp và nhiều nước trong khu vực.
Thay đổi hành chính
Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa kia. Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tháng 12 năm 1899 từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tháng 10 năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập các tỉnh Bình Dương, và một phần tỉnh Bình Long. Như vậy Bình Dương là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956. Tỉnh lị là Phú Cường. Tỉnh Bình Dương bao gồm 5 quận, 10 tổng, 60 xã (ngày 30/8/1957):
• Quận Châu Thành, có 3 tổng là Bình Điền, Bình Phú, Bình Thiện; quận lị: Phú Cường.
• Quận Lái Thiêu, có 1 tổng là Bình Chánh; quận lị: Tân Thới.
• Quận Bến Cát, có 2 tổng là Bình An, Bình Hưng; quận lị: Mỹ Phước.
• Quận Dầu Tiếng, có 1 tổng là Bình Thạnh Thượng; quận lị: Định Thành.
• Quận Củ Chi, có 3 tổng là Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung, Long Tuy Thượng; quận lị: Tân An Hội. Quận Củ Chi trước đây thuộc tỉnh Gia Định, đến năm 1963 chuyển sang tỉnh Hậu Nghĩa mới thành lập.
Năm 1959, cắt một phần đất, cùng với phần đất của 2 tỉnh Biên Hòa và Phước Long lập ra tỉnh Phước Thành. Tỉnh này tồn tại đến năm 1965 thì giải thể.?
Ngày 18/12/1963, lập thêm quận Phú Hòa, quận lị đặt tại Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, đến ngày 18/5/1968 dời về xã Tân Hòa. Quận Phú Hòa hiện nay nhập với quận Củ Chi thành huyện Củ Chi thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1976 chính quyền mới hợp nhất tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (gồm hai tỉnh Bình Long và Phước Long cũ) thành tỉnh Sông Bé, nhưng đến ngày 6/11/1996 lại tách ra thành hai tỉnh như cũ. Khi tách ra, tỉnh Bình Dương có diện tích 2.718,5 km², dân số 646.317 người (tính cả 4 xã và thị trấn của huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước chuyển sang), gồm thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An.
Bình Dương là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên, vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An (An Điền, An Tây và Phú An). Bình Dương hôm nay đang là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế đất nước với những thành tựu về đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, trước hết là kết quả nổi trội về thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.