Làng Cười Du lịch Đồng Nai

04/09/2018 14:57 GMT+7

Đồng Nai là một tỉnh vùng miền Đông Nam Bộ nước Việt Nam, phía đông giáp tỉnh Bình Thuận, đông bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, tây bắc giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng Nai có diện tích 5.903,94 km², chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ.

 

Các đơn vị hành chính

Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện:
• Thành phố Biên Hoà
• Thị xã Long Khánh
• Huyện Định Quán
• Huyện Long Thành
• Huyện Nhơn Trạch
• Huyện Tân Phú
• Huyện Thống Nhất
• Huyện Vĩnh Cửu
• Huyện Xuân Lộc
• Huyện Cẩm Mỹ
• Huyện Trảng Bom

Dân số

Dân số toàn tỉnh theo số liệu điều tra năm 2009 là 2.483.211 người, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An), mật độ dân số: 421 người/km². Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của toàn tỉnh năm 2009 là 1,52%.

Giao thông
Đồng Nai là một tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc - Nam; gần cảng Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong vùng cũng như giao thương với cả nước đồng thời có vai trò gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

Tài nguyên

Đồng Nai có nhiều nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú gồm tài nguyên khoáng sản có vàng, thiếc, kẽm; nhiều mỏ đá, cao lanh, than bùn, đất sét, cát sông; tài nguyên rừng và nguồn nước... Ngoài ra, Đồng Nai còn phát triển thuỷ sản dựa vào hệ thống hồ đập và sông ngòi. Trong đó, hồ Trị An diện tích 323 km² và trên 60 sông, kênh rạch, rất thuận lợi cho việc phát triển một số thủy sản như: cá nuôi bè, tôm nuôi....[2]

Tài nguyên nước

Tỉnh Đồng Nai có mật độ sông suối khoảng 0,5 km/km², song phân phối không đều. Phần lớn sông suối tập trung ở phía bắc và dọc theo sông Đồng Nai về hướng tây nam. Tổng lượng nuớc dồi dào 16,82 x 109 m³/năm, trong đó mùa mưa chiếm 80%, mùa khô 20%. [2]Các con sông chính chảy qua tỉnh Đồng Nai như: Sông Đồng Nai, và các phụ lưu lớn của nó như sông La Ngà và Sông Bé đổ vào dòng chính gần hồ Trị An. Ngoài ra còn có sông lớn khác như sông Lá Buông, sông Ray, sông Xoài và sông Thị Vải.
Tổng trữ lượng nước dưới đất của tỉnh Đồng Nai là khoảng 5.505.226 m³ /ngày. Bao gồm, trữ lượng nước tĩnh vào khoảng 793.379 m³/ngày, trong đó, trữ lượng dung tích (trữ lượng tĩnh trọng lực) là 789.689 m³/ngày và trữ lượng đàn hồi là 3691 m³/ngày. Trữ lượng động khoảng 4.714.847 m³/ngày là toàn bộ dòng mặt vào mùa khô và là giới hạn dưới của trữ lượng nước dưới đất. Tuy có trữ lượng nước dưới đất phong phú, nhưng phân bố không đều, và nhu cầu khai thác tăng cao vào các tháng mùa khô nên việc khai thác nước dưới đất cần phải theo qui hoạch khai thác hợp lý.[2]

Tài nguyên du lịch

Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và các điểm du lịch có tiềm năng: Khu Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, khu du lịch Bửu Long, khu du lịch ven sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, làng bưởi Tân Triều, Thác Mai - hồ nước nóng, Đảo Ó, chiến khu Đ, Văn miếu Trấn Biên, mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa.

Tài nguyên khoáng sản

Các loại tài nguyên khoáng sản ở Đồng Nai gồm có: khoáng sản kim loại, không kim loại, đá quý, và nước khoáng.[2]
Các khoáng sản kim loại chủ yếu phân bố ở Đồng Nai gồm vàng, bô xít, thiếc, chì, kẽm...Các mỏ vàng nhỏ ở Hiếu Liêm và Vĩnh An và các điểm quặng chưa được đánh giá đầy đủ ở: Suối Ty, Suối Nho, Tam Bung, Suối Sa Mách, lâm trường Vĩnh An, lâm trường La Ngà, lâm trường Hiếu Liêm. Quặng bauxit phát hiện 2 mỏ ở DaTapok (lâm trường Mã Đà) và lâm trường La Ngà với trữ lượng ước đạt khoảng 450 triệu m³. Thiếc chỉ gặp dưới dạng vành phân tán khoáng vật, hàm lượng thấp, tập trung ở núi Chứa Chan, Suối Rét, Suối Sao, và sông Gia Ray. Chì kẽm đa kim được phát hiện ở núi Chứa Chan.
Các khoáng sản không kim loại như: Kaolin, đá xây dựng và ốp lát, cát xây dựng, sét gạch ngói, Puzolan, và keramzit phân bố ở Đại An và Trị An với trữ lượng ước tính khoảng 8 triệu tấn.
Đá quý chỉ được phát hiện có quy mô nhỏ, không có triển vọng khai thác công nghiệp như: Ziricon (Gia Kiệm, Núi Lá, Tân Phong), Xa phia (Cầu La Ngà, phía nam Tân Phong, Gia Kiệm), Pyrop-ziricon, Opan- canxedon (núi Chứa Chan), tecfic (bắc Tài Lài).
Tài nguyên nước khoáng bao gồm các loại; nước khoáng - nước nóng ở Phú Lộc và Kay; nước khoáng Magie – bicarbonat ở suối Nho; nước khoáng siêu nhạt ở Tam Phước và Nhơn Trạch; nước khoáng sắt ở phía Nam Thành Tuy Hạ; nước mặn loại Clorua – Natri ở Nam Tuy Hạ;

Tài nguyên rừng

Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, có tài nguyên động thực vật phong phú đa dạng, tiêu biểu là vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Năm 1976, tỷ lệ che phủ của rừng còn 47,8% diện tích tự nhiên, năm 1981 còn 21,5%. Năm 2006, độ che phủ rừng là 26,05% tổng diện tích tự nhiên, có khu bảo tồn thiên nhiên vườn quốc gia Nam Cát Tiên, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Với việc triển khai thực hiện chương trình trồng rừng và quy hoạch này, có thể dự báo tỷ lệ che phủ (bao gồm cả cây công nghiệp dài ngày) sẽ tăng lên đạt 45-50% trong thời kỳ đến năm 2010.[2]

Dự án tương lai

Đồng Nai là một trong những tỉnh nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Vì vậy, đây là một trong những tỉnh có nhiều dự án lớn về giao thông, cơ sở hạ tầng, kinh tế... Dự án lớn nhất là dự án sân bay quốc tế Long Thành nằm tạo huyện Long Thành. Ngoài ra còn có các dự án khác như đường cao tốc Tp HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cầu Đồng Nai mới, các khu công nghiệp tập trung lớn, các khu đô thị mới, các trung tâm công nghiệp mới. Tỉnh đang có kế hoạch quy hoạch thành phố Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020.

(Dân Việt)