Làng Cười Du lịch TP Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Sài Gòn là thủ đô của Liên Bang Đông Dương giai đoạn 1887-1901. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Việt Nam Cộng hòa sụp đổ năm 1975, lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh”, theo tên vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bao gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,01 km². Theo kết quả điều tra dân số chính thức vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 thì dân số thành phố là 7.123.340 người (chiếm 8,30% dân số Việt Nam), mật độ trung bình 3.401 người/km². Tuy nhiên nếu tính những người cư trú không đăng ký thì dân số thực tế của thành phố vượt trên 8 triệu người. Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 20,2 % tổng sản phẩm và 27,9 % giá trị sản xuất công nghiệp của cả quốc gia. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. Vào năm 2007, thành phố đón khoảng 3 triệu khách du lịch quốc tế, tức 70 % lượng khách vào Việt Nam. Các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, thể thao, giải trí, Thành phố Hồ Chí Minh đều giữ vai trò quan trọng bậc nhất.
Tuy vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với những vấn đề của một đô thị lớn có dân số tăng quá nhanh. Trong nội ô thành phố, đường xá trở nên quá tải, thường xuyên ùn tắc. Hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả. Môi trường thành phố cũng đang bị ô nhiễm do phương tiện giao thông, các công trường xây dựng và công nghiệp sản xuất.
ĐỊA LÝ
Vị trí, địa hình
Thành phố Hồ Chí Minh có tọa độ 10°10' – 10°38' Bắc và 106°22' – 106°54' Đông, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Nằm ở miền Nam Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cách Hà Nội 1.730 km theo đường bộ, trung tâm thành phố cách cách bờ biển Đông 50 km theo đường chim bay. Với vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, Thành phố Hồ Chí Minh là một đầu mối giao thông quan trọng về cả đường bộ, đường thủy và đường không, nối liền các tỉnh trong vùng và còn là một cửa ngõ quốc tế.
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, địa hình thành phố thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc và một phần Tây Bắc, trung bình 10 đến 25 mét. Xen kẽ có một số gò đồi, cao nhất lên tới 32 mét như đồi Long Bình ở quận 9. Ngược lại, vùng trũng nằm ở phía Nam - Tây Nam và Ðông Nam thành phố, có độ cao trung bình trên dưới 1 mét, nơi thấp nhất 0,5 mét. Các khu vực trung tâm, một phần các quận Thủ Đức, quận 2, toàn bộ huyện Hóc Môn và quận 12 có độ cao trung bình, khoảng 5 tới 10 mét.
Địa chất, thủy văn
Địa chất Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm chủ yếu là hai tướng trầm tích Pleistocen và Holocen lộ ra trên bề mặt. Trầm tích Pleistocen chiếm hầu hết phần Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc thành phố. Dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người, trầm tích phù sa cổ hình thành nhóm đất đặc trưng riêng: đất xám. Với hơn 45 nghìn hecta, tức khoảng 23,4 % diện tích thành phố, đất xám ở Thành phố Hồ Chí Minh có ba loại: đất xám cao, đất xám có tầng loang lổ đỏ vàng và hiếm hơn là đất xám gley. Trầm tích Holocen ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nguồn gốc: biển, vũng vịnh, sông biển, bãi bồi... hình thành nhiều loại đất khác nhau: nhóm đất phù sa biển với 15.100 ha, nhóm đất phèn với 40.800 ha và đất phèn mặn với 45.500 ha. Ngoài ra còn có một diện tích khoảng hơn 400 ha là “giồng” cát gần biển và đất feralite vàng nâu bị xói mòn trơ sỏi đá ở vùng đồi gò.
Về thủy văn, nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Ðồng Nai - Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới sông ngòi kênh rạch rất đa dạng. Sông Ðồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, hợp lưu bởi nhiều sông khác, có lưu vực lớn, khoảng 45.000 km². Với lưu lượng bình quân 20–500 m³/s, hàng năm cung cấp 15 tỷ m³ nước, sông Đồng Nai trở thành nguồn nước ngọt chính của thành phố. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng Hớn Quản, chảy qua Thủ Dầu Một đến Thành phố Hồ Chí Minh, với chiều dài 200 km và chảy dọc trên địa phận thành phố dài 80 km. Sông Sài Gòn có lưu lượng trung bình vào khoảng 54 m³/s, bề rộng tại thành phố khoảng 225 m đến 370 m, độ sâu tới 20 m. Nhờ hệ thống kênh Rạch Chiếc, hai con sông Đồng Nai và Sài Gòn nối thông ở phần nội thành mở rộng. Một con sông nữa của Thành phố Hồ Chí Minh là sông Nhà Bè, hình thành ở nơi hợp lưu hai sông Đồng Nai và Sài Gòn, chảy ra biển Đông bởi hai ngả chính Soài Rạp và Gành Rái. Trong đó, ngả Gành Rái chính là đường thủy chính cho tàu ra vào bến cảng Sài Gòn. Ngoài các con sông chính, Thành phố Hồ Chí Minh còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hũ, Kênh Ðôi...Hệ thống sông, kênh rạch giúp Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tưới tiêu, nhưng do chịu ảnh hưởng dao động triều bán nhật của biển Ðông, thủy triều thâm nhập sâu đã gây nên những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và hạn chế việc tiêu thoát nước ở khu vực nội thành.
Nhờ trầm tích Pleistocen, khu vực phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh có được lượng nước ngầm khá phong phú. Nhưng về phía Nam, trên trầm tích Holocen, nước ngầm thường bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Khu vực nội thành cũ có lượng nước ngầm đáng kể, tuy chất lượng không thực sự tốt, vẫn được khai thác chủ yếu ở ba tầng: 0–20 m, 60–90 m và 170–200 m (tầng trầm tích Miocen). Tại Quận 12, các huyện Hóc Môn và Củ Chi, chất lượng nước tốt, trữ lượng dồi dào, thường được khai thác ở tầng 60–90 m, trở thành nguồn nước bổ sung quan trọng.
Khí hậu, thời tiết
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, Thành phố Hồ Chí Mình có nhiệt độ cao đều trong năm và hai mùa mưa – khô rõ rệt. Mùa mưa được bắt đầu từ tháng 5 tới tháng 11, còn mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Trung bình, Thành phố Hồ Chí Minh có 160 tới 270 giờ nắng một tháng, nhiệt đó trung bình 27 °C, cao nhất lên tới 40 °C, thấp nhất xuống 13,8 °C. Hàng năm, thành phố có 330 ngày nhiệt độ trung bình 25 tới 28 °C. Lượng mưa trung bình của thành phố đạt 1.949 mm/năm, trong đó năm 1908 đạt cao nhất 2.718 mm, thấp nhất xuống 1.392 mm vào năm 1958. Một năm, ở thành phố có trung bình 159 ngày mưa, tập trung nhiều nhất vào các thàng từ 5 tới 11, chiếm khoảng 90%, đặc biệt hai tháng 6 và 9. Trên phạm vi không gian thành phố, lượng mưa phân bố không đều, khuynh hướng tăng theo trục Tây Nam – Ðông Bắc. Các quận nội thành và các huyện phía Bắc có lượng mưa cao hơn khu vực còn lại.
Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng bởi hai hướng gió chính là gió mùa Tây – Tây Nam và Bắc – Ðông Bắc. Gió Tây – Tây Nam từ Ấn Độ Dương, tốc độ trung bình 3,6 m/s, vào mùa mưa. Gió Gió Bắc – Ðông Bắc từ biển Đông, tốc độ trung bình 2,4 m/s, vào mùa khô. Ngoài ra còn có gió tín phong theo hướng Nam – Đông Nam vào khoảng tháng 3 tới tháng 5, trung bình 3,7 m/s. Có thể nói Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng không có gió bão. Cũng như lượng mưa, độ ẩm không khí ở thành phố lên cao vào mùa mưa, 80%, và xuống thấp vào mùa không, 74,5%. Trung bình, độ ẩm không khí đạt bình quân/năm 79,5%.
Ô nhiễm môi trường
Với tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, ý thức người dân kém... Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Cũng như Hà Nội, hiện tượng nước thải ở Thành phố Hồ Chí Minh không được xử lý, đổ thẳng vào hệ thống sông ngòi rất phổ biến. Nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế lớn cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải. Tại cụm công nghiệp Tham Lương, nguồn nước bị nhiễm bẩn bởi chất thải công nghiệp với tổng lượng nước thải ước tính 500.000 m³/ngày. Sông Sài Gòn, mức độ ô nhiễm vi sinh chủ yếu do hoạt động nuôi trồng thuỷ sản gây ra vượt tiêu chuẩn cho phép đến 220 lần. Cho tới 2008, vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để chấm dứt tình trạng ô nhiễm này.
Lượng rác thải ở Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 6.000 tấn/ngày, trong đó một phần lượng rác thải rắn không được thu gom hết. Kết quả quan trắc năm 2007 cho thấy, so với năm 2006, sự ô nhiễm hữu cơ tăng 2 đến 4 lần. Các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, sản xuất... còn góp phần gây ô nhiễm không khí. Khu vực ngoại thành, đất cũng bị ô nhiễm do tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp gây nên.
Tình trạng ngập lụt trong trung tâm thành phố đang ở mức báo động cao, xảy ra cả trong mùa khô. Diện tích khu vực ngập lụt khoảng 140 km2 với 85% điểm ngập nước nằm ở khu vực trung tâm. Thiệt hại do ngập nước gây ra ước tính 8 tỷ đồng mỗi năm. Nguyên nhân là do hệ thống cống thoát nước được xây cách đây 50 năm đã xuống cấp. Ngoài ra, việc xây dựng các khu công nghiệp và đô thị ở khu vực phía nam – khu vực thoát nước của thành phố này đã làm cho tình hình ngập càng nghiêm trọng hơn.
LỊCH SỬ
Thời kỳ hoang sơ
Con người xuất hiện ở khu vực Sài Gòn từ khá sớm. Các cuộc khai quật khảo cổ trên địa phận Sài Gòn và khu vực lân cận cho thấy ở đây đã tồn tại nhiều nền văn hóa từ thời kỳ đồ đá cho tới thời kim khí. Những cư dân cổ từ nhiều thiên niên kỷ về trước đã biết đến kỹ thuật canh tác nông nghiệp. Văn hóa Sa Huỳnh từng tồn tại trên khu vực này với những nét rất riêng. Thời kỳ văn hóa Óc Eo, từ đầu Công Nguyên cho tới thế kỷ 7, khu vực miền Nam Đông Dương có nhiều tiểu quốc và Sài Gòn khi đó là miền đất có quan hệ với những vương quốc này.
Cho đến trước thế kỷ 16, vị trí tiếp giáp với các quốc gia cổ cũng khiến Sài Gòn trở thành nơi gặp gỡ của nhiều cộng đồng dân cư. Nhưng những cuộc tranh chấp đã khiến vùng đất Sài Gòn - Gia Định vẫn là miền đất hoang, vô chủ, địa bàn của vài nhóm dân cư cổ cho tới khi người Việt xuất hiện.
Khai phá
Những người Việt đầu tiên tự động vượt biển tới khai vùng đất này hoàn toàn không có sự tổ chức của nhà Nguyễn. Nhờ cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chey Chetta II từ năm 1620, mối quan hệ giữa Đại Việt và Chân Lạp trở nên êm đẹp, dân cư hai nước có thể tự do qua lại sinh sống. Khu vực Sài Gòn, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện những người Việt định cư. Trước đó, người Chăm, người Man cũng sinh sống rải rác ở đây từ xa xưa.
Giai đoạn từ 1623 tới 1698 được xem như thời kỳ hình thành của Sài Gòn sau này. Năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ tới yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Tuy đây là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng lại nằm trên đường giao thông của các thương nhân Việt Nam qua Campuchia và Xiêm. Hai sự kiện quạn trọng tiếp theo của thời kỳ này là lập doanh trại và dinh thự của Phó vương Nặc Nộn và lập đồn dinh ở Tân Mỹ (gần ngã tư Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi ngày nay). Có thể nói Sài Gòn hình thành từ ba cơ quan chính quyền này.
Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho một nhóm người Hoa “phản Thanh phục Minh” tới Mỹ Tho, Biên Hòa và Sài Gòn để lánh nạn. Đến năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý vào miền Nam. Trên cơ sở những lưu dân Việt đã tự phát tới khu vực này trước đó, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định và hai huyện Phước Long, Tân Bình. Vùng Nam Bộ được sát nhập vào cương vực Việt Nam.
Thời điểm ban đầu này, khu vực Biên Hòa, Gia Định có khoảng 10.000 hộ với 200.000 khẩu. Công cuộc khai hoang được tiến hành theo những phương thức mới, mang lại hiệu quả hơn. Năm 1802, sau khi chiến thắng Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi và đẩy mạnh công cuộc khai khẩn miền Nam. Các công trình kênh đào Rạch Giá - Hà Tiên, Vĩnh Tế... được thực hiện. Qua 300 năm, các trung tâm nông nghiệp phát triển bao quanh những đô thị sầm uất được hình thành.
Từ Gia Định tới Sài Gòn
Năm 1788, Nguyễn Ánh tái chiếm Sài Gòn, lấy nơi đây làm cơ sở để chống lại Tây Sơn. Năm 1790, với sự giúp đỡ của hai sĩ quan công binh người Pháp, Theodore Lebrun và Victor Olivier de Puymanel, Nguyễn Ánh cho xây dựng Thành Bát Quái làm trụ sở của chính quyền mới. “Gia Định thành” khi đó được đổi thành “Gia Định kinh”. Tới năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi ở Huế, miền Nam được chia thành 5 trấn. Sáu năm sau, 1808, “Gia Định trấn” lại được đổi thành “Gia Định thành”. Trong khoảng thời gian 1833 đến 1835, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại nhà Nguyễn, Thành Bát Quái trở thành địa điểm căn cứ. Sau khi trấn áp cuộc nổi dậy, năm 1835, vua Minh Mạng cho phá Thành Bát Quái, xây dựng Phụng Thành thay thế.
Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định vào năm 1859, người Pháp gấp rút quy hoạch lại Sài Gòn thành một đô thị lớn phục vụ mục đích khai thác thuộc địa. Theo thiết kế ban đầu, Sài Gòn bao gồm cả khu vực Chợ Lớn. Nhưng đến 1864, nhận thấy diện tích dự kiến của thành phố quá rộng, khó bảo đảm về an ninh, chính quyền Pháp quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn. Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố, như Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Toàn quyền, được thực hiện. Sau hai năm xây dựng và cải tạo, bộ mặt Sài Gòn hoàn toàn thay đổi.
Đô thành Sài Gòn khi đó được thiết kế theo mô hình châu Âu, nơi đặt văn phòng nhiều cơ quan công vụ như: dinh thống đốc, nha giám độc nội vụ, tòa án, tòa thượng thẩm, tòa sơ thẩm, tòa án thương mại, tòa giám mục... Lục tỉnh Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp và Sài Gòn nằm trong tỉnh Gia Định. Vào năm 1861, địa phận Sài Gòn được giới hạn bởi một bên là rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé với một bên là sông Sài Gòn cùng con đường nối liền chùa Cây Mai với những phòng tuyến cũ của đồn Kỳ Hòa. Đến năm 1867, việc quản lý Sài Gòn được giao cho Ủy ban thành phố gồm 1 ủy viên và 12 hội viên. Cho tới nửa đầu thập niên 1870, thành phố Sài Gòn vẫn nằm trong địa hạt hành chính tỉnh Gia Định. Ngày 15 tháng 3 năm 1874, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Đứng đầu là viên Đốc lý (résident-maire) người Pháp. Đến năm 1879 thì chính quyền cho lập thêm Hội đồng Thị xã Sài Gòn (hay đúng ra là Ủy ban Thị xã Commission municipale).
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, không chỉ hành chính mà còn kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả Liên bang Đông Dương, được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông” (“the Pearl of the Far East”) hoặc “Paris Phương Đông” (“Paris in the Orient”).
Thủ đô Sài Gòn
Từ năm 1949, Sài Gòn đã là thủ đô của Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1955, Việt Nam Cộng hòa được thành lập, Sài Gòn trở thành thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của quốc gia non trẻ này với tên gọi “Đô thành Saigon” (lưu ý, cách viết thông dụng là “Saigon”). Cũng năm 1954, thành phố tiếp nhận một lượng di dân mới từ miền Bắc Việt Nam (phần đông là người Công Giáo, còn gọi là dân Bắc Kỳ Công giáo) tập trung tại các khu vực như Xóm Mới-Gò Vấp, Bình An-quận 8, và rải rác tại các quận khác. Với nghị định số 110-NV ngày 27 tháng 3 năm 1959 của Tổng thống Ngô Đình Diệm, từ 6 quận, Sài Gòn được chia thành 8 quận với tổng cộng 41 phường.
Nhờ sự phát triển của kinh tế Việt Nam Cộng hòa và viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và các nước đồng minh, Sài Gòn trở thành một thành phố hoa lệ với mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông”. Việc Quân đội Hoa Kỳ vào tham chiến tại miền Nam cũng gây nên những xáo trộn đối với thành phố. Nhiều cao ốc, công trình quân sự mọc lên. Lối sống của giới trẻ Sài Gòn cũng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Âu Mỹ. Thành phố trở thành một trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giải trí.
Nhưng tới những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, nền kinh tế miền Nam đi xuống, nạn lạm phát trở nên nghiêm trọng. Hệ lụy và hậu quả trực tiếp của cuộc chiến gây ảnh hưởng xấu tới đô thị Sài Gòn. Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 đã khiến nhiều người dân Sài Gòn rời bỏ thành phố ra nước ngoài định cư. Cũng trong thời gian này, ước tính 700.000 người khác được “vận động” đi “kinh tế mới”; nền văn hóa có ảnh hưởng phương Tây bị lu mờ gần như hoàn toàn.
Thành phố Hồ Chí Minh
Sau 1975, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị xóa bỏ và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam - nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - quản lý miền Nam. Đầu năm 1976, Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân thành phố bắt đầu hoạt động. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh”, theo tên cuối cùng của chủ tịch nước đầu tiên, Hồ Chí Minh.
Với tổng diện tích 1.295,5 km², Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị lớn nhất Việt Nam. 11 quận nội thành của Sài Gòn trước đây được chia lại thành 8 quận. Bốn quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình được thành lập. Khu vực ngoại thành gồm 5 huyện: Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè. Năm 1978, thành phố nhận thêm huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai. Năm 1979, các đơn vị hành chính cơ sở được phân chia lại, toàn thành phố có 261 phường, 86 xã. Sau đợi điều chỉnh tiếp theo vào năm 1989, thành phố còn 182 phường và 100 xã, thị trấn. Đến năm 1997, phân chia hành chính của thành phố lại thay đổi, gồm 17 quận, 5 huyện với 303 phường xã, thị trấn. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh gồm 19 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành với 322 phường, xã và thị trấn.
Hành chính
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Về mặt hành chính, thành phố được chia thành 19 quận và 5 huyện. Toàn thành phố có 322 đơn vị hành chính cấp xã, phường, trong đó các huyện ngoại thành chiếm 63 xã. Với tổng diện tích 2.095,01 km², năm 2007 thành phố có dân số 6.650.942 người (theo điều tra dân số 01/04/2009 dân số thành phố là 7.123.340 người, mật độ 3.401 người/km²), mật độ trung bình 3.175 người/km². Lượng dân cư này tập trung chủ yếu trong nội thành, gồm 5.564.975 người, mật độ lên tới 11.265 người/km². Trong khi đó các huyện ngoại thành chỉ có 1.085.967 người, đạt 678 người/km². Nếu so với Hà Nội (trước khi mở rộng năm 2008), khoảng 3,4 triệu người vào năm 2007, Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số lớn hơn rất nhiều.
Về hành chính, Hội đồng Nhân dân thành phố, với các đại biểu được bầu cử trực tiếp nhiệm kỳ 5 năm, có quyền quyết định các kế hoạch phát triển dài hạn về kinh tế, văn hóa, giáo dục... của thành phố. Đứng đầu Hội đồng Nhân dân gồm một Chủ tịch, một Phó chủ tịch và một Uỷ viên thường trực. Hội đồng Nhân dân chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Hội đồng Nhân dân thành phố bầu nên Ủy ban Nhân dân, cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý về mọi hoạt động chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa trên địa bàn thành phố. Đứng đầu Ủy Ban Nhân dân gồm một Chủ tịch và các Phó chủ tịch. Các sở, ngành của Ủy ban Nhân dân sẽ quản lý về các lĩnh vực cụ thể, như y tế, giáo dục, đầu tư, tư pháp, tài chính. Tương tư, cấp quận, huyện cũng có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân chịu sự chỉ đạo chung của cấp thành phố. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân còn quản lý một số tổng công ty trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại thành phố còn bầu ra Bí thư Thành ủy. Quyền hạn và trách nhiệm của Bí thư Thành ủy được quy định theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào năm 1995, hệ thống quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 976 địa chỉ, trong đó 47 thuộc trung ương, 73 thuộc thành phố, 549 thuộc các quận, huyện và 307 thuộc cấp phường xã. Các tổ chức đoàn thể, chính trị bao gồm cấp trung ương và thành phố có 291 địa chỉ, các đơn vị sự nghiệp có 2.719 địa chỉ.
Kinh tế
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả Việt Nam. Thành phố chiếm 0,6% diện tích và 7,5% dân số của Việt Nam nhưng chiếm tới 20,2% tổng sản phẩm, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và 34,9% dự án nước ngoài. Vào năm 2005, Thành phố Hồ Chí Minh có 4.344.000 lao động, trong đó 139 nghìn người ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn đang tham gia làm việc. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở thành phố đạt 2.534 USD/năm, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước, 1024 USD/năm.[cần dẫn nguồn]
Nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng về lĩnh vực, từ khai thác mỏ, thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng đến du lịch, tài chính... Cơ cấu kinh tế của thành phố, khu vực nhà nước chiếm 33,3%, ngoài quốc doanh chiếm 44,6%, phần còn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Về các ngành kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất: 51,1%. Phần còn lại, công nghiệp và xây dựng chiếm 47,7%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,2%.
Tính đến giữa năm 2006, 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 1.092 dự án đầu tư, trong đó có 452 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỉ USD và 19,5 nghìn tỉ VND. Thành phố cũng đứng đầu Việt Nam tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 2.530 dự án FDI, tổng vốn 16,6 tỷ USD vào cuối năm 2007. Riêng trong năm 2007, thành phố thu hút hơn 400 dự án với gần 3 tỷ USD.
Về thương mại, Thành phố Hồ Chí Minh có một hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ đa dạng. Chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa của thành phố, hiện nay vẫn giữ một vai trò quan trọng. Những thập niên gần đây, nhiều trung tâm thương mại hiện đại xuất hiện như Saigon Trade Centre, Diamond Plaza... Mức tiêu thụ của Thành phố Hồ Chí Minh cũng cao hơn nhiều so với các tỉnh khác của Việt Nam và gấp 1,5 lần thủ đô Hà Nội. Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, có mã giao dịch là VN-Index, được thành lập vào tháng 7 năm 1998. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2007, toàn thị trường đã có 507 loại chứng khoán được niêm yết, trong đó có 138 cổ phiếu với tổng giá trị vốn hóa đạt 365 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Toàn thành phố chỉ có 10% cơ sở công nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại. Trong đó, có 21/212 cơ sở ngành dệt may, 4/40 cơ sở ngành da giày, 6/68 cơ sở ngành hóa chất, 14/144 cơ sở chế biến thực phẩm, 18/96 cơ sở cao su nhựa, 5/46 cơ sở chế tạo máy... có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Cơ sở hạ tầng của thành phố lạc hậu, quá tải, chỉ giá tiêu dùng cao, tệ nạn xã hội, hành chính phức tạp... cũng gây khó khăn cho nền kinh tế. Ngành công nghiệp thành phố hiện đang hướng tới các lĩnh vực cao, đem lại hiệu quả kinh tế hơn.
XÃ HỘI
Dân cư
Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2009 Thành phố Hồ Chí Minh có dân số 7.123.340 người, gồm 1.812.086 hộ dân, bình quân 3,93 người/hộ. Phân theo giới tính: Nam có 3.425.925 người chiếm 48,1%, nữ có 3.697.415 người chiếm 51,9%. Dân số thành phố tăng nhanh, trong 10 năm từ 1999-2009 dân số thành phố tăng thêm 2,086.185 người, bính quân tăng gần 209.000 người/năm, tốc độ tăng 3,53%/năm, chiếm 22% số dân tăng thêm của cả nước trong vòng 10 năm. Quận Bình Tân có dân số lớn nhất với 572.796 người, tương đương với dân số một số tỉnh như: Quảng Trị, Ninh Thuận; huyện Cần Giờ có dân số thấp nhất với 68.213 người. Không chỉ là thành phố đông dân nhất Việt Nam, quy mô dân số của Thành phố Hồ Chí Minh còn hơn phần lớn các thủ đô ở châu Âu ngoại trừ Moscow và London. Theo số liệu thống kê năm 2004, 85,24% dân cư sống trong khu vực thành thị và Thành phố Hồ Chí Minh cũng có gần một phần năm là dân nhập cư từ các tỉnh khác. Cơ cấu dân tộc, người Kinh chiếm 92,91% dân số thành phố, tiếp theo tới người Hoa với 6,69%, còn lại là các dân tộc Chăm, Khmer... Những người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh cư trú ở khắp các quận, huyện, nhưng tập trung nhiều nhất tại Quận 5, 6, 8, 10, 11 và có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế thành phố.
Sự phân bố dân cư ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng đều, ngay cả các quận nội ô. Trong khi các quận 3, 4, 5 hay 10, 11 có mật độ lên tới trên 40.000 người/km² thì các quận 2, 9, 12 chỉ khoảng 2.000 tới 6.000 người/km². Ở các huyện ngoại thành, mật độ dân số rất thấp, như Cần Giờ chỉ có 96 người/km². Về mức độ gia tăng dân số, trong khi tỷ lệ tăng tự nhiên 1,07% thì tỷ lệ tăng cơ học lên tới 1,9%. Theo ước tính năm 2005, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 triệu khách vãng lai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2010, có số này còn có thể tăng lên tới 2 triệu.
Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân đầu người rất cao so với mức bình quân của cả Việt Nam, nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày các lớn do những tác động của nền kinh tế thị trường. Những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại cao hơn nhiều so với ngành sản xuất. Sự khác biệt xã hội vẫn còn thể hiện rõ giữa các quận nội ô so với các huyện ở ngoại thành.
Y tế
Thành phố Hồ Chí Minh, với dân số đông, mật độ cao trong nội thành, cộng thêm một lượng lớn dân vãng lai, đã phát sinh nhu cầu lớn về y tế và chăm sóc sức khỏe. Các tệ nạn xã hội, như mại dâm, ma túy, tình trạng ô nhiễm môi trường... gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe dân cư thành phố. Những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước đang phát triển như sốt rét, sốt xuất huyết, tả, thương hàn... hay các bệnh của những quốc gia công nghiệp phát triển, như tim mạch, tăng huyết áp, ung thư, tâm thần, bệnh nghề nghiệp... đều xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuổi thọ trung bình của nam giới ở thành phố là 71,19, con số ở nữ giới là 75,00.
Vào năm 2005, Thành phố Hồ Chí Minh có 21.780 nhân viên y tế, trong đó có 3.399 bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ đạt 5.45 trên 10 nghìn dân, giảm so với con số 7.31 của năm 2002. Toàn thành phố có 19.442 giường bệnh, 56 bệnh viện, 317 trạm y tế và 5 nhà hộ sinh. Thế nhưng mạng lưới bệnh viện chưa được phân bổ hợp lý, tập trung chủ yếu trong nội ô. Theo con số năm 1994, chỉ riêng Quận 5 có tới 13 bệnh viện với 5.290 giường, chiếm 37% số giường bệnh toàn thành phố. Bù lại, hệ thống y tế cộng đồng tương đối hoàn chỉnh, tất cả các xã, phường đều có trạm y tế. Bên cạnh hệ thống nhà nước, thành phố cũng có 2.303 cơ sở y tế tư nhân và 1.472 cơ sở dược tư nhân, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện lớn. Cũng tương tự hệ thống y tế nhà nước, các cơ sở này tập trung chủ yếu trong nội ô và việc đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn chưa được chặt chẽ.
Sở Y tế thành phố hiện nay quản lý 8 bệnh viện đa khoa và 20 bệnh viện chuyên khoa. Nhiều bệnh viện của thành phố đã liên doanh với nước ngoài để tăng chất lượng phục vụ.
Giáo dục
Về mặt hành chính, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh chỉ quản lý các cở sở giáo dục từ bậc mầm non tới phổ thông. Các trường đại học, cao đẳng phần lớn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Trong năm học 2008–2009, toàn thành phố có 638 cơ sở giáo dục mầm non, 467 trường cấp I, 239 trường cấp II, 81 trường cấp III và 55 trường cấp II, III. Ngoài ra, theo con số từ 1994, Thành phố Hồ Chí Minh còn có 20 trung tâm xóa mù chữ, 139 trung tâm tin học, ngoại ngữ và 12 cơ sở giáo dục đặc biệt. Tổng cộng 1.308 cơ sở giáo dục của thành phố có 1.169 cơ sở công lập và bán công, còn lại là các cơ sở dân lập, tư thục.
Hệ thống các trường từ bậc mầm non tới trung học trải đều khắp thành phố. Trong khi đó, những cơ sở xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tập trung chủ yếu vào bốn huyện ngoại thành Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Các trường ngoại ngữ ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ giảng dạy những ngôn ngữ phổ biến mà còn một trường dạy quốc tế ngữ, một trường dạy Hán Nôm, bốn trường dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng có 40 trường quốc tế do các lãnh sự quán, công ty giáo dục đầu tư.
Giáo dục bậc đại học, trên địa bàn thành phố có trên 80 trường, đa số do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong đó chỉ có 2 trường đại học công lập (đại học Sài Gòn và đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) do thành phố quản lý. Là thành phố lớn nhất Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm giáo dục bậc đại học lớn bậc nhất, cùng với Hà Nội. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với năm đại học thành viên. Nhiều đại học lớn khác của thành phố như Đại học Kiến trúc, Đại học Y Dược, Đại học Ngân hàng, Đại học Luật, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế... đều là các đại học quan trọng của Việt Nam. Trong số học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của thành phố, 40% đến từ các tỉnh khác của quốc gia.
Mặc dù đạt được những bước tiến quan trọng trong thời gian gần đây nhưng giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Trình độ dân trí chưa cao và chênh lệch giữa các thành phần dân cư, đặc biệt là ngoại ô so với nội ô. Tỷ lệ trẻ em người Hoa không biết chữ vẫn còn nhiều, gấp 13 lần trẻ em người Kinh. Giáo dục đào tạo vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của xã hội. Hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục thành phố còn kém. Nhiều trường học sinh phải học ba ca. Thu nhập của giáo viên chưa cao, đặc biệt ở các huyện ngoại thành.
Giao thông vận tải
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Khác với Hà Nội, vận tải thủy ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm một tỷ lệ quan trọng. Tính riêng vận tải hàng hóa, đường biển chiếm khoảng 29% và đường sông khoảng chiếm 20% tổng khối lượng thông qua đầu mối thành phố. Đường bộ chỉ chiếm 44% vận tại hàng hóa nhưng chiếm tới 85,6% vận tải hành khách. Về giao thông đường không, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là phi trường lớn nhất Việt Nam về cả diện tích và công suất nhà ga. Năm 2006, vận tải thành phố đã vận chuyển tổng cộng 73.743 tấn hàng hóa, 239 triệu lượt người và bốc xếp 44.341 tấn hàng. Toàn thành phố hiện nay có khoảng 340.000 xe hơi và 3,5 triệu xe máy, gần gấp đôi so với Hà Nội.
Giao thông đường sắt của thành phố gồm tuyến nội ô và khu vực phụ cận - do Xí nghiệp Liên hiệp đường sắt 3 quản lý, tuyến Bắc - Nam và một vài đoạn đường chuyên dụng, hiện hầu như đã ngưng khai thác. Trong thành phố có hai nhà ga chính: Sóng Thần và Sài Gòn. Bên cạnh đó còn có một số nhà ga nhỏ như Dĩ An, Thủ Đức, Bình Triệu, Gò Vấp. Do mạng lưới đường sắt không được nối trực tiếp với các cảng, cơ sở đã cũ kỹ nên giao thông đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh không phát triển, chỉ chiếm khoảng 6% khối lượng hàng hóa và 0,6% khối lượng hành khách.
Giao thông đường bộ, thành phố có 6 bến xe khách liên tỉnh được phân bố ở các cửa ngõ ra vào: Miền Đông, Văn Thánh, Miền Tây, Chợ Lớn, Tân Bình - Tây Ninh, Ký Thủ Ôn. Mạng lưới khả năng tiếp nhận trên 1.200 xe/ngày, vận chuyển gần 41.000 khách/ngày đi các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng theo số liệu từ 1994, tổng lượng hành khách liên tỉnh qua thành phố khoảng 106,4 triệu lượt người/năm, nhiều nhất qua quốc lộ 1A.
Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có bốn cảng biển chính: Sài Gòn, Bến Nghé, Nhà Bè, Tân Cảng cùng các cảng sông Bình Đông, Tân Thuận, Tôn Thất Thuyết, Bình Lợi, Bình Phước... Ngoài ra còn có khoảng 50 bến đò phục vụ giao thông hành khách. Cảng Sài Gòn là một trong những cảng lớn nhất Việt Nam, chiếm 25% trong tổng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển cả nước. Cảng Bến Nghé nằm phía hạ lưu sông Sài Gòn, rộng 32 ha, tổng chiều dài cầu cảng 528 m, có thể cho tàu có tải trọng từ 15.000 - 20.000 tấn cập bến. Tuy năng lực của các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh lớn nhưng việc chuyển tiếp giữa giao thông đường bộ, đường biển và đường sông gặp khó khăn. Tại hầu hết các cảng đường sông, do thiết bị thiếu, vẫn phải bốc dỡ thủ công.
Giao thông trong nội ô, do tốc độ tăng dân số nhanh, quy hoạch yếu, hệ thống đường xá nhỏ... khiến thành phố luôn phải đối mặt với vấn đề ùn tắc. Thành phố có 239 cây cầu nhưng phần lớn chiều rộng nhỏ hơn chiều rộng của đường nên gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Không những thế, một phần các cây cầu có trọng tải thấp hay đang trọng tình trạng xuống cấp. Tại các huyện ngoại thành, hệ thống đường vẫn phần nhiều là đường đất đá. Trong khi đó, hệ thống đường trải nhựa còn lại cũng trở nên quá tải, cần sửa chữa. Để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Hiện nay thành phố có 3.250 xe buýt và 8.000 xe taxi, mỗi năm chỉ đáp ứng khoảng 6,2% nhu cầu đi lại. Hệ thống xe buýt chưa đem lại hiệu quả cao, 65% tuyến trùng lặp. Cùng mạng lưới xe buýt, dự án tàu điện ngầm Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đang tiến hành. Theo dự kiến, thành phố sẽ có bốn tuyến, tổng chiều dài 54 km, 6 đường ray và 22 nhà ga. Cuối 2010, hai tuyến đầu tiên sẽ đi vào hoạt động.
Quy hoạch và kết cấu đô thị
Theo thiết kế đô thị ban đầu của người Pháp vào năm 1860, thành phố Sài Gòn sẽ là nơi sinh sống cho 500.000 dân. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tăng qui mô của thành phố lên đến 3 triệu dân. Tuy nhiên hiện nay thành phố này có dân số kể cả số lượng khách vãng lai là 10 triệu người, kết cấu đô thị đã quá tải. Sài Gòn từng là thành phố của cây xanh với không gian kiến trúc theo quy hoạch của Pháp trước đây đã thay đổi với việc thu hẹp không gian xanh để xây dựng nhà cửa, không gian kiến trúc thành phố này trở nên chật chội với nhiều công trình xây dựng hỗn độn thiếu tính thống nhất. Công tác quy hoạch có nhiều bất cập và yếu kém. Đến thời điểm đầu năm 2008 mới chỉ có 23% khối lượng công tác quy hoạch 1/2000 được thực hiện. Quy hoạch cho hệ thống công trình ngầm vẫn chưa được thực hiện xong. Công tác xây quy họach và xây dựng đô thị mới vẫn mang nặng tư duy thời kỳ bao cấp. Trong 10 năm gần đây, khu vực đô thị mới để lại dấu ấn lớn trong quá trình phát triển thành phố này là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng do nước ngoài đầu tư xây dựng, không phải là những quận, huyện được chính quyền địa phương thành lập.
Du lịch
Trong khoảng 4,3 triệu khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2007, 3 triệu khách đã tới thăm Thành phố Hồ Chí Minh, tức khoảng 70%. Năm 2007 cũng là năm thành phố có được bước tiến mạnh mẽ, lượng khách tăng khoảng 12% so với 2006, doanh thu ngành du lịch đạt 19.500 tỷ VND, tăng 20%. Là một thành phố trẻ chỉ với 300 năm lịch sử, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được không ít công trình kiến trúc và sở hữu một nền văn hóa đa dạng.
Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có 641 khách sạn với 17.646 phòng. Phục vụ những khách cao cấp, thành phố có 11 khách sạn 5 sao, gồm: Caravelle, Sheraton, Moevenpick (Omni cũ), New World, Equatorial, Legend, Renaissance Riverside, Windsor Plaza, Sofitel Plaza, Park Hyatt, Majestic với tổng cộng 3.592 phòng. Hầu hết các khách sạn này đều do những tập đoàn quốc tế như Accor, Furama, Mariot hay Shareton quản lý và tập trung nhiều nhất tại Quận 1. Bên cạnh đó thành phố còn 8 khách sạn 4 sao với 1.281 phòng, 20 khách sạn 3 sao với 1.621 phòng. Do sự phát triển của du lịch, số phòng cao cấp tại thành phố hiện đang thiếu trầm trọng. Mặc dù nhiều nhà đầu tư có ý định xây dựng tiếp các khách sạn sạng trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm. Theo dự kiến, đến năm 2020, thành phố sẽ có thêm 10 nghìn phòng 4 hoặc 5 sao.
Các địa điểm du lịch của thành phố tương đối đa dạng. Với hệ thống 11 viện bảo tàng, chủ yếu về đề tài lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu Việt Nam về số lượng bảo tàng. Bảo tàng lớn nhất và cổ nhất thành phố là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với 30 nghìn hiện vật. Trong khi phần lớn khách thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là người nước ngoài thì bảo tàng thu hút nhiều khách nội địa nhất là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một đô thị đa dạng về tôn giáo. Trên địa phận thành phố hiện nay có hơn một nghìn ngôi chùa, đình, miếu được xây dựng qua nhiều thời kỳ. Còn các nhà thờ xuất hiện chủ yếu trong thế kỷ 19 theo các phong cách Roman, Gothic. Nhà thờ lớn và nổi tiếng nhất của thành phố là nhà thờ Đức Bà, nằm ở Quận 1, hoàn thành năm 1880. Thời kỳ thuộc địa đã để lại cho thành phố nhiều công trình kiến trúc quan trọng, như Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Bến Nhà Rồng... Dinh Độc Lập và Thư viện Khoa học Tổng hợp được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Kiến trúc hiện đại ghi dấu ấn ở thành phố bằng các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại như Diamond Plaza, Saigon Trade Centre... Khu vực ngoài trung tâm, Địa đạo Củ Chi, Rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn cò Thủ Đức cũng là những địa điểm du lịch quan trọng.
Thành phố Hồ Chí Minh còn là một trung tâm mua sắm và giải trí. Bên cạnh các phòng trà ca nhạc, quán bar, vũ trường, sân khấu, thành phố có khá nhiều khu vui chơi như Công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên. Các khu mua sắm, như Chợ Bến Thành, Diamond Plaza... hệ thống các nhà hàng, quán ăn cũng là một thế mạnh của du lịch thành phố.
VĂN HÓA
Truyền thông
Là một trong hai trung tâm truyền thông của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 38 đơn vị báo chí thành phố và 113 văn phòng đại diện báo chí trung ương và các tỉnh, 3 nhà xuất bản của thành phố và 21 chi nhánh nhà xuất bản trung ương cùng mạng lưới thông tấn xã, các đài phát thanh, truyền hình địa phương và trung ương. Tổng cộng, trên địa bàn thành phố hiện nay có trên một nghìn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Trong lĩnh vực xuất bản, từ năm 1995 tới nay, ba nhà xuất bản của thành phố chiếm 1/7 số đầu sách xuất bản của cả Việt Nam. Ước tính khoảng 60 đến 70% số lượng sách của cả nước được phát hành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, nhiều trung tâm sách, cửa hàng sách hiện đại xuất hiện. Sài Gòn cũng là nơi ra đời tờ Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên. Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ nằm trong số những tờ báo lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra còn có thể kể đến những báo và tạp chí lớn khác như Công an thành phố, Người lao động, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thời trang, Thế giới mới, Kiến thức ngày nay... Ngoài báo chí tiếng Việt, Thành phố Hồ Chí Minh còn có Saigon Times daily, Thanhniennews bằng tiếng Anh, một ấn bản Sài Gòn giải phóng bằng tiếng Hoa.
Truyền hình đã xuất hiện tại Sài Gòn từ trước năm 1975, khi miền Bắc còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ngay sau ngày chính quyền miền Nam sụp đổ, Đài truyền hình Giải phóng đã bắt đầu phát sóng. Đến nay, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh – HTV trở thành đài truyền hình địa phương quan trọng bậc nhất Việt Nam. Ngoài sáu kênh phát trên sóng analogue, HTV còn một số kênh truyền hình kỹ thuật số và truyền hình cáp. Đối tượng chính của HTV là dân cư thành phố và một số tỉnh lân cận.
Thể dục, thể thao
Theo số liệu thống kê vào năm 1994, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có 492,7 hecta dành cho hoạt động thể thao, tức trung bình 1,02 m²/người, trong đó nội thành là 0,26 m²/người. Với sự gia tăng dân số, con số thực tế hiện nay thấp hơn. Vào năm 2005, toàn thành phố có 91 sân bóng đá, 86 bể bơi, 256 phòng tập thể thao. Sân vận động lớn nhất thành phố hiện nay là sân Thống Nhất, với 25 nghìn chỗ ngồi. Sân vận động lớn thứ hai là sân Quân khu 7, nằm ở quận Tân Bình. Không chỉ dành cho thi đấu thể thao, đây còn là địa điểm tổ chức nhiều chương trình ca nhạc quy mô lớn. Một địa điểm thể thao quan trọng khác của thành phố là Trường đua Phú Thọ. Xuất hiện từ thời thuộc địa, Trường đua Phú Thọ hiện nay là trường đua ngựa duy nhất của Việt Nam. Sở Thể dục - Thể thao thành phố cũng quản lý một số câu lạc bộ như Phan Đình Phùng, Thanh Đa, Yết Kiêu.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có những câu lạc bộ thể thao giàu thành tích. Môn bóng đá, Câu lạc Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn, có sân nhà là sân Thống Nhất, từng từng 4 lần vô định V League. Đội Công an Thành phố cũng từng một lần vô địch vào năm 1995. Các bộ môn thể thao khác có thể kể đến Câu lạc bộ Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh môn bóng chuyền, các câu lạc bộ bóng rổ, cờ, điền kinh, bóng bàn... của thành phố.
Trung tâm văn hóa, giải trí
Những lý do lịch sử và địa lý đã khiến Sài Gòn luôn là một thành phố đa dạng về văn hóa. Ngay từ giai đoạn thành lập, dân cư của Sài Gòn đã thuộc nhiều dân tộc khác nhau: Kinh, Hoa, Chăm... Thời kỳ thuộc địa rồi chiến tranh Việt Nam, Sài Gòn hấp thụ thêm nền văn hóa Âu Mỹ. Cho tới những thập niên gần đây, những hoạt động kinh tế, du lịch tiếp tục giúp thành phố có một nền văn hóa đa dạng hơn.
Với vai trò một trung tâm văn hóa của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 22 đơn vị nghệ thuật, 9 rạp hát, 11 bảo tàng, 22 rạp chiếu phim, 25 thư viện. Hoạt động của ngành giải trí ở Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp hơn bất cứ thành phố nào ở Việt Nam. Hầu hết các hãng phim tư nhân lớn của Việt Nam hiện nay, như Phước Sang, Thiên Ngân, HKFilm, Việt Phim... đều có trụ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh thu các rạp của thành phố chiếm khoảng 60-70% doanh thu chiếu phim của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sở hữu những sân khấu đa dạng. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ tại Quận 3 với những vở kịch thử nghiệm, những vở thư giãn ở Sân khấu Hài 135 Quận 1, Sân khấu kịch IDECAF với những vở lấy từ tuồng tích cổ hoặc tái hiện các danh tác trên thế giới. Lĩnh vực ca nhạc, Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường sôi động nhất, điểm đến của phần lớn các ca sĩ nổi tiếng. Ngoài những sân khấu lớn như Nhà hát Thành phố, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình, Sân khấu Trống Đồng... hoạt động âm nhạc hoạt động âm nhạc ở thành phố ở những phòng trà, quán cà phê đa dạng: Tiếng Tơ Đồng, M&T, Catinat, ATB, Bodega, Carmen...
THÀNH PHỐ KẾT NGHĨA
Đến thời điểm năm 2008, Thành phố Hồ Chí Minh kết nghĩa với các thành phố sau:
Busan, Hàn Quốc
Champasak, Lào
Ekaterinburg, Nga
Manila, Philippines
Moskva, Nga
Lyon, Pháp
Quảng Châu, Trung Quốc
Osaka, Nhật Bản
Rhône-Alpes, Pháp
Phnôm Pênh, Campuchia
Viêng Chăn, Lào
Thẩm Dương, Trung Quốc
Toronto, Canada
San Francisco, Hoa Kỳ
Thượng Hải, Trung Quốc
Yokohama, Nhật Bản.