Làng cười Hà Nội hội họp
Như thường lệ, cuối năm Làng cười Hà Nội họp mặt để tổng kết một năm “cười” của làng.
Trưởng làng Đặng Việt Thủy đọc báo cáo thành tích hoạt động của làng thật rôm rả. Các cây bút của làng năm con Khỉ vừa qua hoạt động không mệt mỏi trên các mặt báo có chữ CƯỜI trong cả nước, cả báo giấy lẫn báo điện tử. Kể đó cũng là một đóng góp đáng kể của Làng cười Hà Nội trong công cuộc chống tiêu cực, góp phần cho cuộc sống thêm lành mạnh, tươi vui.
Sang phần bàn về chương trình hoạt động của làng cho năm tới, Nguyễn Đoàn cây bút trưởng lão của làng nói:
- Tôi đề nghị năm tới ta sẽ tổ chức trại sáng tác thời gian là mười ngày. Mục đích là làng sẽ cho xuất bản một cuốn truyện cười đặc sắc của các thành viên của làng.
Mọi người hưởng ứng rần rần. Bác Trần Dzĩ Hạ nói:
- Tôi đề nghị mở trại tại Đồ Sơn, quê của tôi và nhà văn Lê Tự đây, chúng tôi sẽ tạo điều kiện được rất nhiều cho trại hoạt động. Nhờ đại tá nhà văn Đặng Việt Thủy và đại tá công an Ngô Hùng Oai (Ma Lôi) của chúng ta đây liên hệ với các khách sạn của ngành, cho chúng ta thuê địa điểm đẹp nhất và giá hữu nghị nhất.
Vương Đình Trung chen vào:
- Theo tôi ta nên mở trại ở Sầm Sơn, quê của chú Jap Tiên Sinh đây, vì nghe nói ở Đồ Sơn bây giờ trong sạch quá rồi, các tệ nạn hầu như không còn nữa. Mà chúng ta đi thực tế cũng cần phải... có va chạm với các vấn đề nóng của xã hội!!!
Bác Vũ Huy Tưởng nói:
- Chú nói thế chả hóa ra là bảo Sầm Sơn vẫn còn tệ nạn à?
- Ý em không phải thế, em muốn nói là ta đến Sầm Sơn địa bàn sẽ rộng hơn, ta có nhiều thực tế để thâm nhập hơn thôi. Với lại về quê chú Jap thăm cho chú thỏa công mời chào đã lâu.
Trưởng làng Đặng Việt Thủy nói:
- Thôi bây giờ vẫn còn nhiều thời gian, địa điểm mở trại ta sẽ cân nhắc và quyết định sau. Giờ chú Jap lên cho làng một chương trình hành động cụ thể cho từng hội viên của làng trong thời gian hội trại, vì chú là chân “gác cửa” báo Làng Cười, chú biết rõ những thế mạnh khả năng của từng cây bút của làng, chú sẽ hướng sáng tác của từng cây bút vào những thế mạnh của họ như vậy ta sẽ có được một tác phẩm tập hợp được đầy đủ bản sắc các cây bút của làng.
Tú Jap nói:
- Em sẽ trình bày chi tiết chương trình của trại bằng văn bản gửi đến các bác sau, nhưng em dự định sơ bộ thế này:
Bác Nguyễn Đoàn, cây bút gạo cội của làng, rất giỏi về những đề tài thời sự, những vấn đề tiêu cực của xã hội dưới ngòi bút của bác được phơi bầy, phê phán một cách nhanh nhạy kịp thời, đem lại tiếng cười trào lộng nhất cho bạn đọc. Cho nên bác Nguyễn Đoàn chuyên về mảng thời sự.
Bác Trần Zĩ Hạ người đã xuất bản sách về hướng dẫn viết truyện cười, nay tuy sức khỏe có giảm sút nhưng bút lực của bác vẫn còn dồi dào lắm, bác sẽ chuyên về mảng: Tiếng cười nghệ thuật.
Trưởng làng Đặng Việt Thủy là cây bút viết truyện cười nhà nghề rồi, thế mạnh của bác là ở mọi đề tài, tiếng cười của bác dí dỏm mà sâu sắc. đề tài của bác là... tất cả.
Nhà văn Lê Tự là cây bút cự phách của làng, anh viết cho rất nhiều báo, kể cả báo điện tử và báo giấy. Mạnh nhất của anh là đề tài: Gia đình và pháp luật. Anh sẽ chuyên về mảng này trong những ngày hội trại để đóng góp cho tập sách của làng.
Bác Vũ Huy Tưởng có cách viết rất khoáng đạt, tạo ra tiếng cười sảng khoái mà sâu sắc, thâm thúy. Bác rất giỏi về sử dụng vốn ca dao cổ và lẩy Kiều vào các tác phẩm của mình, những tác phẩm của bác trong những ngày hội trại sẽ là một món “đặc sản”.
Bác Vương Đình Trung chuyên viết về các chuyện nóng vừa xảy ra, bác Trung thường viết bằng những sự kiện có thật rất ít khi hư cấu, tiếng cười của bác lắng đọng, nhiều khi chỉ là một nụ cười mỉm, nhưng càng ngẫm nghĩ càng thấy thấm thía và sâu cay. Nhưng trong những ngày hội trại bác nên viết về những truyện thời bao cấp, đó cũng là thế mạnh của bác...
Bác Ma Lôi là cây bút hài có hạng trong làng cười cả nước chứ không riêng gì với Làng cười Hà Nội. Nhưng dạo này bác lại thiên về sáng tác thơ trữ tình, và làm thơ Bút Tre. Trong thời gian hội trại bác sẽ chuyên về... thơ hài.
Còn em trẻ nhất làng, xung phong phụ trách mảng nụ cười tuổi trẻ.
Cuộc họp diễn ra sôi nổi và hào hứng mọi vấn đề đưa ra đều được tán đồng nhanh chóng chứng tỏ các cây bút của làng đã đến lúc cần... nâng ly!