Loạn quốc phục

16/02/2017 09:31 GMT+7

Mỗi nước đều có các biểu tượng của họ. Có thể là hoa, gọi là quốc hoa. Như quốc hoa Việt Nam là hoa sen, quốc hoa Ấn Độ là hoa súng, quốc hoa Trung Quốc là mẫu đơn, quốc hoa Nhật Bản là anh đào... Có thể là món ăn, Mỹ có hamburger, Mexico có bánh ngô, Nhật Bản có cá sống... Cũng có thể là trang phục, gọi là quốc phục, vụ này thì có nước có nước không. Ví dụ như quốc phục của Nhật Bản là kimono, Trung Quốc là sườn xám, còn Hoa Kỳ chắc... bikini?
Có một chuyện, cho đến nay chẳng hiểu sao mà cứ thấy thỉnh thoảng lại lôi ra bàn, đó là quốc phục của nước ta. Khi thế này, khi thế khác, mà cho dù bàn đến đâu đi nữa, thì chắc chắn quốc phục phải là áo dài. Thực ra trang phục truyền thống nước nhà không chỉ có áo dài, ngoài ra còn có thể kể đến áo tứ thân và áo bà ba nữa. Tuy nhiên, muốn có tấm áo gọi là đại diện, khó có cái áo khác ngoài áo dài cả. Không phải vì tứ thân không đẹp, nhưng tứ thân lại cầu kỳ quá, và chỉ có phụ nữ bắc bộ mặc mà thôi, nam giới không mặc, phụ nữ miền khác cũng không mặc. Còn áo bà ba cũng đẹp đấy, nhưng đơn giản quá, không thể xem là quốc hồn, quốc túy. Riêng áo dài thì phổ biến, nam mặc – nữ mặc, bắc – trung – nam đều mặc. Mặc đi cưới cũng được, giỗ cũng tốt, đám ma cũng chẳng sao. Nên, gọi áo dài là quốc phục, thật chẳng có gì xứng đáng hơn. Mặt khác, quốc phục nước khác hầu như chỉ dành cho nữ giới, trong khi quốc phục nước nhà thì dành cho cả hai phái, về độ tiện dụng thì quốc phục nước ta hơn hẳn.
Vậy mà trong cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia, có cô người mẫu Khả Trang đại diện cho Việt Nam đi thi thố, vận một đống kim loại lên người rồi bảo đấy là quốc phục. Thế là tranh cãi nổ ra. Hầu hết mọi người đều không thể nhận rằng bộ đồ kim loại ấy lại là quốc phục được. Áo dài, trong nước đã biết, mà nước ngoài càng tỏ tường, là quốc phục Việt Nam. Nay sao lại có một đống kim loại lại thành quốc phục được. Nhiều người còn khen cô là thi hoa hậu xong, vẫn có thể đi thi lực sĩ, vì trọng lượng của số trang phục này lên đến 40 kg, trang bị còn nặng hơn quân lực Hoa Kỳ khi hành binh đánh trận. Còn người ủng hộ cái trang phục này, thì bảo tại sao hễ quốc phục Việt Nam phải là áo dài? Nhưng hỏi lại thì ngoài áo dài còn áo nào là quốc phục Việt Nam thì họ lại không trả lời được.
Thôi thì lâu lâu cho bạn bè quốc tế đổi khẩu vị, để họ biết là nước ta không chỉ có mỗi áo dài, thì có thể chuyển sang trang phục cũng được. Chuyện thay đổi trong các cuộc thi hoa hậu là cần thiết. Chẳng hạn, có một năm nọ, phần thi trang phục truyền thống của hoa hậu Nhật Bản, ai cũng đinh ninh sẽ là kimono, nhưng thật bất ngờ, cô gái này lại mặc bộ giáp của samurai, vừa xinh đẹp lại vừa mạnh mẽ. Phần thi của cô hết sức thuyết phục, nên đã đạt giải cao trong cuộc thi ấy. Giá mà năm ấy cô bạo hơn, diện trang phục của võ sĩ sumo chắc còn đạt giải cao hơn nữa. Còn hoa hậu nước ta, hẳn cũng muốn đổi, nhưng đổi kiểu gì, thì cũng không đến lượt cái mớ trang phục không thể gọi tên kia.
Theo ý của nhà thiết kế, thì mớ sắt ấy không phải tầm thường, đó là cách điệu của trang phục từ thời Hùng Vương, với các đường nét và họa tiết mô phỏng theo lối thường gắn lông chim của người Việt cổ vào thời ấy. Lông chim cố nhiên rất hấp dẫn, nhưng cách điệu kiểu này nhìn không ra. Thôi kệ, cứ cho là trang phục thời Hùng Vương cũng được. Và với cả mớ kim loại kiểu này, thì thiết nghĩ là giống với trang phục của Thánh Gióng khi đánh giặc Ân thì đúng hơn: áo sắt, quần sắt, nón sắt, chỉ thiếu mỗi ngựa sắt và roi sắt nữa thôi. Kể vậy thì may ra mới là truyền thống chứ.

Hoàng Ba Đình