Mùa Xuân phỏng vấn danh hài Xuân Hinh, Xuân Bắc
Hài hước như Xuân Bắc
Tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác hồi hộp khi cầm điện thoại gọi điện cho danh hài Xuân Bắc xin lịch hẹn. Người ta nói anh là danh hài “chảnh” nhất xứ này, huống hồ vấn đề tôi muốn đề cập đến lại là vợ con, gia đình.. điều trước giờ anh vẫn nhất mực giữ kín với báo chí.
- Alô, cho tôi hỏi đây có phải là số điện thoại của anh Xuân Bắc?
- À! Tôi là trợ lý của Xuân Bắc. Bạn là ai, gọi cho anh ấy có việc gì?
Tôi muốn phá lên cười bởi cái sự né tránh hài hước đó. Thử hỏi, từ ngày ti vi chiếu hài đến giờ, còn ai không nhận ra giọng nói đặc trưng và quen thuộc của anh, giọng nói đã từng khiến khán giả cả nước có biết bao pha cười giòn giã.
Trình bày một hồi, cuối cùng Xuân Bắc cũng cho tôi cái hẹn và lý do anh nhận lời cũng thật… khác người: “Tôi là tôi thích cái ý tưởng báo Làng Cười vẽ tranh biếm họa chân dung trên trang bìa”. Vâng, người nổi tiếng cũng có lúc bị “phấn khích” bởi những điều bình dị như vậy.
Xuân Bắc rất đúng giờ. Tôi đã cố tình đến trước giờ hẹn 15 phút để giữ phép lịch sự và gây ấn tượng ban đầu nào ngờ vẫn là người chậm chân. Anh đã có mặt ở đó cùng ly cà phê nâu đá và hai quả ổi. “Ăn sáng đi em, ổi quê đấy. Vợ bảo đưa con đi học sớm nên bữa sáng của anh chỉ có nhiêu đây thôi” - Xuân Bắc nhoẻn miệng cười.
Dù thiên hạ bảo Xuân Bắc là danh hài “chảnh” nhất xứ này, nhưng tôi không thấy vậy. Gặp anh, tôi mới hiểu tại sao thương hiệu “Xuân Bắc” lại tiếng tăm đến thế. Anh hài từ sân khấu đến cuộc đời. Cách nói chuyện cởi mở, hoạt ngôn đến mức tôi tưởng mình đang được xem một tiết mục hài do Xuân Bắc làm đạo diễn kiêm diễn viên.
Chúng tôi trò chuyện về cu Bin và chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế!”. Anh nghiêm mặt bảo, đây là lần thứ hai anh vượt qua nguyên tắc giữ kín bí mật về gia đình (lần thứ nhất chính là đưa con lên chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi mình đi đâu thế?” - pv) nhưng “cứ mải thoái đi, anh vẫn còn một nửa gia đình để giữ”. Tôi bấm bụng cười, đúng chất hài Xuân Bắc đây rồi.
Trong lúc nói chuyện, cứ đến đoạn nào tâm đắc là anh lại cười lắc lẻ, rồi vỗ đùi đen đét khiến tôi liên tưởng đến chàng Cả Ngố trong hài Tết 2015. Đặc biệt là cái điệu hai tay xếp eo, chân nhón nhón giả vờ chạy khi minh họa cho câu nói: “Trước khi đưa con lên truyền hình tôi cũng phải hỏi vợ đấy. Vợ gật đầu mới dám đi chứ mà lắc lắc thì hai bố con ra đến cửa rồi vẫn phải cun cút quay vào, lên giường đắp chăn đi ngủ”. “Người ta đồn Xuân Bắc sợ vợ là vì thế?”. Anh cười phá lên: “Vợ mình không sợ chẳng lẽ đi sợ vợ nhà hàng xóm”. Xuân Bắc chia sẻ, anh “sợ” vợ bởi người phụ nữ ấy đã hy sinh cho anh rất nhiều, đã giúp anh lo chu toàn gia đình nội, ngoại để anh có thể toàn tâm toàn ý với sự nghiệp và cũng vì thế mới có danh hài Xuân Bắc hôm nay.
Khi nói về cu Bi và những điều thú vị hai bố con được trải nghiệm cùng nhau, anh lại nghiêm túc đến lạ. Anh kể, đã từng phải đấu tranh rất nhiều giữa tiếng nói của người nghệ sĩ và tiếng nói của một người cha trong việc có đưa con lên “sóng”, cuối cùng tiếng nói của người cha đã thắng. Và anh không hề hối hận bởi hơn ai hết anh hiểu, đây là cơ hội tốt cho con trải nghiệm và lưu lại những ký ức đẹp thời thơ ấu.
Có một cảm giác rất thú vị mà chỉ đến khi trò chuyện cùng Xuân Bắc tôi mới thấylà cảm giác “thót tim”. Có những lúc nghe xong câu hỏi, anh nghiêm mặt lại như thể tôi đã vi phạm vào “điều cấm” (đã thỏa thuận trước đó) nhưng rồi ngay lập tức lại “phát ngôn” điều gì đó khiến tôi cười phá lên. Sự hài hước ấy, không ít lần tôi được thấy khi xem anh diễn trên truyền hình nhưng hôm nay mới có cơ hội “chứng kiến”. Một cảm giác thật... Yomost!
*
Xuân Hinh: Dí dỏm và chua ngoa
Trong các danh hài từng phỏng vấn, Xuân Hinh là người tôi có ít thời gian trò chuyện nhất. Vì bận việc cá nhân, lại đang ở xa nhà nên chú chỉ cho tôi 30 phút trò chuyện qua điện thoại. Ấy vậy mà chỉ qua 30 phút ngắn ngủi đó , tôi đã có thể hình dung rõ nét về danh hài mình hâm mộ từ tấm bé. Xuân Hinh “đặc trưng” quá, “đậm mùi quá”, đến độ vừa cúp điện thoại tôi phải đánh đùi cái đét: Chỉ có thể là Xuân Hinh!
Tôi không hỏi chú về đường đời, sự nghiệp vì với một nghệ sĩ hài “gạo cội” như chú thì cái đó bao la, rộng lớn quá, kể bao giờ cho hết. Tôi chỉ xin chú một vài đánh giá về sự khác biệt giữa phụ nữ xưa và nay. Sau mỗi câu hỏi chú trả lời một cách liến thoắng, giọng nói lưu loát, âm sắc trầm bổng, lên xuống nghe rất… vui tai.
Đôi khi chú còn vừa trả lời vừa cười, điệu cười “hà hà” quen thuộc cùng những từ kết “đặc trưng” như “nhá”, “nhớ”, “đấy”, “đó”, “cháu thấy đúng chưa”… Cách nói ấy tạo ra sự gần gũi, quen thuộc khiến tôi có cảm giác như mình đang cùng một vị tiền bối đàm đạo, ngẫm nghĩ sự đời vậy.
Nếu để ý một chút có thể nhận ra, Xuân Hinh rất hay đưa ca dao, tục ngữ vào lời thoại trong các tiểu phẩm hài. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên “thương hiệu hài Xuân Hinh”: chân thực, dễ gần và rất… thơ.
Trong cuộc trò chuyện này cũng vậy, chú vừa nói vừa áp dụng ca, vè, tục ngữ “nhanh như chớp chảo”. Những câu nói như: “súc miệng nước lọc, nhổ ra nước chè”, “kín cổng cao tường”, “phụ nữ mặc kín quá thì lấy gì cho người ta nhìn, mặc hở quá thì lấy gì cho người ta tò mò, thắc mắc… cứ mặc kiểu ‘lấp lánh yếm đào’ cho người ta thòm thèm”… ngoài Xuân Hinh ai có thể nghĩ ra được chứ?
*
Làm nghề “mua bán tiếng cười”, ngoài tài năng các nghệ sĩ hài còn cần có cái “duyên”. Họ phải duyên từ hình thức cho tới tâm hồn thì mới có thể khiến khán giả cười sảng khoái chỉ bằng cái liếc mắt, cái nhoẻn miệng và một vài lời thoại đơn giản. Trong đời sống thường ngày, mỗi người chọn cho mình một lối sống riêng, người thì trầm lặng, kẻ lại dí dỏm như khi lên hình. Nhưng ở bất cứ đâu, họ cũng đã và đang xây dựng thành công cho mình một màu sắc riêng biệt để khán giả hình dung ra ngay mỗi khi nhắc đến.