Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 29/12/2023 18:46 PM (GMT+7)
Trong năm 2023, Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng thành công Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” năm 2023 tại 3 tỉnh: Sơn La, Quảng Nam và Đắk Lắk.
Bình luận 0

Xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở 3 tỉnh Sơn La, Quảng Nam và Đắk Lắk

Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Văn Thiện cho biết: Nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, trong năm 2023 Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai xây dựng Dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" ở 3 tỉnh: Sơn La, Quảng Nam và Đắk Lắk

Dự án được triển khai đã góp phần giải quyết vấn đề về rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày ở nông thôn, xây dựng môi trường nông thôn trong sạch nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, qua đó khẳng định, nâng cao vai trò của tổ chức Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn - Ảnh 1.

Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội ND tỉnh Đắk Lắk thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2023 trên địa bàn huyện Ea Kar.

Hoạt động của Dự án đã góp phần thúc đẩy cộng đồng dân cư vùng nông thôn có ý thức và thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt trong cuộc sống, tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn của Hội.

Theo ông Phạm Văn Thiện để triển khai dự án hiệu quả, Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các tỉnh tổ chức khảo sát, tổ chức triển khai, kiểm tra việc xây dựng mô hình điểm tại các địa bàn hỗ trợ xây dựng mô hình điểm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay để tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; tuyên truyền các nội dung, hoạt động của dự án đến cán bộ, hội viên nông dân.

Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia biên soạn và in ấn tờ rơi, tờ gấp tài liệu tuyền truyền, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại các hộ gia đình để cấp cho các tuyên truyền viên, Tổ tự quản về bảo vệ môi trường, cán bộ, hội viên, nông dân của 3 tỉnh Sơn La, Quảng Nam và Đắk Lắk làm tài liệu học tập, nghiên cứu, tuyên truyền.

Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn - Ảnh 2.

Đại diện Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Sơn La bàn giao thùng ủ rác hữu cơ, nắp đậy hố rác cho các hộ nông dân xã Chiềng Cọ

Trung tâm môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 6 lớp tập huấn (mỗi tỉnh 2 lớp) để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông về bảo vệ môi trường nông thôn; hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại nguồn cho tuyên truyền viên cấp tỉnh.

Mỗi lớp 130 người tuyên truyền viên cấp tỉnh gồm: cán bộ Hội các cấp, các tuyên truyền viên, Tổ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, hội viên nông dân tiêu biểu.

Tại các lớp tập huấn, các đại biểu đã chuyên gia nông nghiệp truyền đạt những kiến thức chung về các văn bản pháp quy của Đảng và Nhà nước; các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình phối hợp của Hội Nông dân Việt Nam về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực trạng và các giải pháp, cũng như vai trò của Hội Nông dân và hội viên nông dân trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tại lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn kỹ thuật về phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình; kỹ năng về tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên nông dân về thu gom, phân loại và xử lý rác thải bảo vệ môi trường nông thôn.

Việc tổ chức lớp tập huấn đã giúp các hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động bà con nông dân tích cực thu gom và xử lý rác thải; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm môi trường nông thôn Trung ương Hội đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình điểm của Hội nông dân tham gia phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ ở nông thôn tại 3 tỉnh Sơn La, Quảng Nam và Đắk Lắk. Hỗ trợ phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại nguồn. Hỗ trợ trang bị mỗi hộ hội viên nông dân tham gia gia mô hình 1 thùng xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ có dung tích 120 lít hoặc 1 nắp đậy hố xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ hoặc 01 thùng đựng rác 2 ngăn 40 lít đảm bảo bền đẹp và không độc hại với môi trường.

Đối với các xã thực hiện mô hình điểm, Trung ương Hội đã hỗ trợ hệ thống thùng rác 240 lít dọc các tuyến đường nông thôn gần các khu vực dân cư; trang bị các xe gom rác 500 lít để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt vô cơ từ các thùng rác về điểm lưu giữ để đưa đi xử lý. Cụ thể, Hội hỗ trợ mỗi mô hình từ 10- 12 xe gom rác loại 500 lít.

Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn - Ảnh 3.

Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tập huấn thực hiện dự án xây dựng mô hình điểm về nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh.

Để chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hưu cơ tại hộ gia đình, Trung tâm môi trường nông thôn Trung ương Hội đã tổ chức 12 lớp (mỗi tỉnh 4 lớp) tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn cho các hội viên nông dân. Mỗi lớp 150 người, gồm cán bộ Hội, Tổ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, hội viên nông dân tham gia xây dựng mô hình.

Cán bộ hội viên nông dân mong muốn nhân rộng mô hình điểm

Tại các địa phương được xây dựng mô hình điểm, cán bộ, hội viên Hội Nông dân các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, Quảng Nam đều rất phấn khởi và đánh giá cao các hoạt động thiết thực của Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ thành công của mô hình điểm, các cấp Hội Nông dân sẽ nhân rộng mô hình điểm trong thời gian tới. 

Anh Lò Văn Hưng, bản Hùn, xã Chiềng Cọ (TP. Sơn La, Sơn La) chia sẻ: Tham gia các lớp tập huấn tôi đã nắm bắt được các văn bản của Nhà nước về bảo vệ môi trường; cách phân loại rác thải sinh hoạt; tận dụng rác thải ủ thành phân bón hữu cơ bón cho cây. Sau lớp tập huấn, chúng tôi đã về áp dụng cho gia đình và tuyên truyền đến gia đình, đến xóm, bản cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng sẽ quyết tâm xây dựng xóm làng luôn xanh, sạch đẹp".

Ông Lò Văn Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Hội viên nông dân xã Chiềng Cọ rất phấn khởi khi được tham gia mô hình điểm của Trung ương Hội Nông dân về tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn.

"Với những kiến thức và kỹ năng truyền thông được trang bị tại lớp tập huấn, chúng tôi tin tưởng, cán bộ, hội viên nông dân xã Chiềng Cọ sẽ có những đóng góp tích cực vào việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý các vấn đề tồn tại đối với rác thải sinh hoạt nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân cư nông thôn. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo vệ môi trường, duy trì và giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp. Từ thành công của mô hình điểm, chúng tôi mong muốn các cấp Hội Nông dân sẽ nhân rộng mô hình điểm trong thời gian tới"-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem