Ngày cá 1/4 ở Việt Nam có từ bao giờ?
22 năm ngày cá 1.4
Kể từ đó đến nay đã 58 năm, lời dạy của Bác vẫn luôn khắc sâu vào tâm khảm của toàn thể cán bộ công nhân viên và những người lao động nghề cá trong cả nước. Năm 1995, ngày 1.4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản.
Từ sau những năm 1950, xác định được vị trí ngày càng quan trọng và sự đóng góp mà nghề cá có thể mang lại lợi ích nhiều mặt cho nền kinh tế quốc dân, cùng với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm phát triển nghề cá và hình thành các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Việc thành lập Tổng cục Thủy sản năm 1960 và sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Hải sản được thành lập năm 1976 và tổ chức lại thành Bộ Thủy sản năm 1981 đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam trong nền kinh tế quốc dân. Ngành Thủy sản bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu thủy sản, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững nhịp độ tăng trưởng liên tục trong suốt chặng đường qua.
Sau khi Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và PTNT vào cuối năm 2007, ngày 15.3.2010, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 05/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngành thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm qua.
Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, cán bộ và ngư dân ngành thuỷ sản đã “vững tay lưới, chắc tay súng”, hăng hái thi đua lao động sản xuất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam”. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển có công sức lớn của ngư dân.
Bước vào giai đoạn xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất, phát huy các nguồn lực, ngành Thuỷ sản đã vận dụng sáng tạo, có hiệu quả cơ chế gắn sản xuất với thị trường, lấy xuất khẩu là động lực và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, tạo bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của kinh tế thuỷ sản trong thời kỳ mới. Các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thuỷ sản được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu và thành công trong chế biến, xuất khẩu lại trở thành động lực thúc đẩy khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển. Thế mạnh của nghề cá nhân dân được phát triển mạnh qua các mô hình kinh tế ngoài quốc doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển. Việc ngành thuỷ sản chú trọng đầu tư ngày một nhiều hơn và đúng hướng đã hình thành tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế thuỷ sản, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, từ đầu những năm 1990, đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận để đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này của các thị trường lớn, nhờ đó nhanh chóng thiết lập và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất thế giới. Trong cơ chế ấy, vai trò nòng cốt, xung kích của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các mối liên kết cộng đồng và sự hình thành các Hội, Hiệp hội như là sự tất yếu của quá trình hội nhập và là động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình tổ chức lại sản xuất của ngành. Các giải pháp đúng đắn đó đã giúp cho ngành, trong những năm cuối thế kỳ 20, những thập kỷ đầu thế kỷ 21, thu được những kết quả quan trọng trong sự phát triển của mình.
Từ một nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng gần bờ, khai thác hải sản đã chuyển dịch theo hướng trở thành một nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, khai thác các đối tượng có giá trị cao phục vụ xuất khẩu, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái. Nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển các đối tượng nuôi đa dạng ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt, lợ và biển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và hài hoà với các ngành kinh tế khác. Chế biến xuất khẩu thủy sản đã có bước phát triển rất nhanh, tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhờ đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cao nhất của các thị trường quan trọng, tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga… Hệ thống hậu cần dịch vụ tuyến khơi xa, tuyến đảo, tuyến ven bờ gắn với các trung tâm dịch vụ nghề cá đã bước đầu được hình thành.
Kể từ khi hình thành đến nay, trải qua 58 năm phát triển, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển, mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên. Sự hiện diện dân sự của hàng chục ngàn tàu thuyền trực tiếp khai thác hải sản trên biển đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Năm 1990, tổng sản lượng thủy sản đã vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn, đứng vào hàng ngũ những nước có sản lượng khai thác hải sản trên 1 triệu tấn kể từ năm 1997. Đến năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đã tăng hơn 6,5 lần so với năm 1990, đạt hơn 6,7 triệu tấn. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực. Năm 2007, lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng thủy sản vượt sản lượng khai thác thủy sản. Tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ hơn 23% năm 1990 lên gần 54% năm 2016. Từ mức kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD năm 1995, đến năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu đã vượt mức 7 tỷ USD. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng ổn định của ngành thủy sản trong thời gian qua khăng định được vị thế quan trọng trong cộng đồng nghề cá thế giới, đứng thứ 8 về sản lượng khai thác thủy sản, thứ 3 về sản lượng nuôi thủy sản và thứ 3 về giá trị xuất khẩu thủy sản (FAO 2014).
58 năm ngành thủy sản Việt Nam
Ghi nhận những thành quả của sự lao động cần cù, sáng tạo, dũng cảm vượt qua khó khăn thách thức của bà con ngư dân, lao động toàn ngành thủy sản cả nước qua các thời kỳ, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngành thuỷ sản đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1990 và Huân chương Sao vàng năm 2007.
Trong suốt quá trình 58 năm phát triển, ngành thủy sản đã và đang không chỉ khẳng định là một ngành kinh tế biển truyền thống, mà còn từng bước phát triển thành một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế và cũng là lĩnh vực kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo và gìn giữ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc.
Thành tựu chúng ta đạt được trong 58 năm qua là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, cùng với nhiều thuận lợi và cơ hội, ngành thủy sản cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả. Trong khai thác thủy sản, chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác nói chung vẫn thấp, hiệu quả khai thác của phần lớn các đội tàu không cao, thu nhập và đời sống của bà con ngư dân không ổn định, chậm được cải thiện. Sự gia tăng cường lực khai thác do số lượng tàu thuyền tăng dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị suy giảm. Tàu thuyền chưa đảm bảo an toàn và kỹ thuật khai thác còn lạc hậu. Rủi ro và an toàn khi tham gia sản xuất trên biển vẫn là mối lo thường trực của bà con ngư dân. Trong nuôi trồng thủy sản, công tác cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, quản lý con giống, vùng nuôi theo hướng tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều hạn chế. Sự liên kết và phân công sản xuất còn nhiều tồn tại, nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác dự báo thống kê chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý của ngành. Vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản vẫn đang trong quá trình tháo gỡ, khắc phục. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghề cá chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển.