HOT HOT HOT:

Người dân tộc Mông: Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao

15/04/2021 09:13 GMT+7
Đục gốc cây mục, khoét hầm trên vách đá, dụ 2 nghìn đàn ong tự nhiên về làm tổ, hàng năm thu về 20 tấn mật. Nhờ vậy người dân vùng cao xã Chiềng Lao, huyện Mường La (Sơn La) có thu nhập ổn định, mua được xe máy, ti vi... Không chỉ vậy, nghề này còn góp phần bảo vệ rừng, hạn chế người dân phá rừng làm nương. 

Người dân tộc Mông: Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao

Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao

Tại các xã, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường có đặc thù khí hậu mát mẻ, trong điều kiện sống ven các khu rừng tự nhiên cùng với thảm thực vật rừng đa dạng, nhất là vào mùa xuân, trăm hoa trên các cánh rừng đua nở, đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi ong rừng lấy mật. Mặt khác, mặc dù kinh nghiệm nuôi ong rừng lấy mật trong đồng bào dân tộc được cha ông truyền lại từ rất lâu đời, tuy nhiên việc nuôi ong chủ yếu vẫn thực hiện đơn lẻ, chứ chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Những năm trở lại đây, nắm bắt được thị hiếu cũng như giá trị kinh tế của mật ong rừng nguyên chất, tại một số bản vùng cao, người dân đã bắt đầu hình thành và phát triển nghề nuôi ong rừng, nhưng theo một cách rất riêng và độc đáo.

Người dân tộc Mông: Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao - Ảnh 2.

Với đồng bào dân tộc vùng cao, trước đây, mật ong rừng đối với họ luôn được coi là một vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh, nó cũng được xem là một trong những thứ lộc rừng mà bất cứ ai nào cũng mong tìm được. Cứ vào mùa hoa dẻ, hoa ban nở, người dân lại vào rừng tìm ong, may mắn lắm mới tìm được một tổ, vắt lấy mật để dùng quanh năm chứ chẳng nghĩ đến việc mua bán.

Người dân tộc Mông: Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao - Ảnh 3.

Anh Mùa A Nhịa, là một trong những người có kinh nghiệm nuôi ong rừng lấy mật của bản Pá Sóng, bản Pá Sóng xã Chiềng Lao, Mường La, tỉnh Sơn La. Trong khu rừng rộng gần chục ha được UBND xã bàn giao khoanh nuôi, bảo vệ hơn chục năm nay, có hơn 200 tổ ong được bố trí rải rác. Theo anh Nhịa, nuôi ong rừng không khó, chỉ cần làm tổ để dụ chúng về, đến vụ là chỉ việc đến thu hoạch mỗi tổ khoảng từ 7 đến 10kg mật. Mấy năm về trước, khi thấy một số người dân trong bản đục thùng gỗ dụ ong về làm tổ, mỗi nhà cùng lắm cũng được vài tổ để ở trái nhà hay ngoài sân vườn, nhiều khi ong đến làm tổ chỉ được một vụ, chúng lại kéo nhau đi. Qua nắm bắt được những đặc tính của loài ong ở đây, anh Nhịa cùng người dân nhận thấy rằng, mùa ong về làm tổ thường là sau mùa đông, chúng hay chọn những địa điểm gần các khe suối bởi mùa nắng, ong cần lấy nước để giữ ẩm cho tổ và làm mát ong con.

Người dân tộc Mông: Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao - Ảnh 4.

Có một nguyên tắc bất di bất dịch khi làm nghề nuôi ong ở đây, đó là mỗi khi khai thác, chỉ lấy mật và không bắt ong chúa, ong thợ để chúng còn duy trì đàn làm tổ và sản xuất mật cho những mùa sau. Và từ khi có nghề nuôi ong xuất hiện, người dân cũng đã dần nhận thúc được một điều rằng phải yêu rừng, gắn bó với rừng, góp sức bảo vệ, canh gác cho những cánh rừng già thêm bình yên, có như vậy rừng mới cho mật ngọt.

Người dân tộc Mông: Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao - Ảnh 5.

Theo đánh giá của ngành chức năng của huyện Mường La, khu vực xã Chiềng Lao có diện tích rừng tự nhiên lớn là điều kiện lý tưởng để nuôi ong rừng lấy mật. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ nuôi ong rừng tự nhiên với tổng số hơn 2.100 tổ, tổng sản lượng mật hàng năm lên tới gần 20 tấn mật mỗi năm, nghề nuôi ong rừng chủ yếu ở phát triển các bản đồng bào dân tộc Mông là Pá Sóng, Huổi Hậu, Phiêng Phà và Đán Én. Mặc dù nghề nuôi ong rừng lấy mật cũng đã có từ khá lâu ở địa phương này, tuy nhiên đến nay, nghề này chưa được phổ biến, một phần là người dân chưa có nhiều kinh nghiệm mở rộng, mặt khác đến vụ sản xuất yếu tố đầu ra của sản phẩm không ổn định, luôn được tư thương ép giá. Nắm bắt được những lợi thế về kinh tế của sản phẩm mật ong rừng vốn được người tiêu dùng rất ưa chuộng, thời gian gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã quan tâm tuyên truyền, tạo điều kiện, khuyến khích người dân mở rộng mô hình, hướng tới xây dựng sản phẩm mật ong rừng trở thành sản phẩm OCOP.


 

Văn Ngọc - Quốc Hưng