Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Nhiều nhà băng khát vốn mới
Vietcombank trong nhóm 4 ngân hàng dẫn đầu "Big 4" vừa cho biết sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2022. Hội đồng Quản trị Vietcombank đã phê duyệt phương án này với kế hoạch dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo luật, phương án phải được trình lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến. Nếu được cho phép thực hiện, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ cao hơn 77.500 tỷ đồng.
Các ngân hàng trong nước cần thêm vốn để nâng cao năng lực tài chính. Ảnh: H. Trọng.
Cũng trong nhóm "Big 4", VietinBank muốn tiếp tục tăng vốn điều lệ. VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Từ cơ sở này, VietinBank đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; xin phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính.
Thống kê cho thấy 2023 chứng kiến hệ thống ngân hàng trong nước tăng vốn điều lệ kỷ lục. Trong số 27 ngân hàng nội đang niêm yết trên sàn chứng khoán, đến 20 nhà băng đã tăng vốn.
VPBank, nơi "ông lớn" ngân hàng SMBC từ Nhật đang là cổ đông chiến lược, là nhà băng Việt Nam có vốn điều lệ tăng mạnh nhất trong năm 2023. Sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cổ phần cho SMBC với giá gần 1,5 tỷ USD, VPBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 67.400 tỷ đồng lên hơn 79.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống, cao hơn cả mức 77.500 tỷ đồng mà Vietcombank đang nhắm tới.
Thỏa thuận bán 15% cho SMBC nằm trong kế hoạch tăng vốn được VPBank triển khai từ năm 2022 nhằm củng cố năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 3 (2022-2026).
Nam Á Bank, một ngân hàng cổ phần tư nhân khác, sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 29/3, gồm trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2024 và kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn. Nam Á đặt mục tiêu tăng vốn lên trên 13.700 tỷ đồng trong năm nay và đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.
Riêng năm nay, Nam Á muốn thêm hơn 3.145 tỷ đồng, gồm tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (là lợi nhuận chưa phân phối) với hơn 2.645 tỷ đồng (tương ứng với hơn 264,5 triệu cổ phần); và tăng vốn từ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) là 500 tỷ đồng, nghĩa là sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP.
Ngày 27/4, ngân hàng LPBank sẽ làm Đại hội đồng cổ đông. Sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, LPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024 nhưng chưa tiết lộ mức tăng.
Hiện nay, LPBank với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng đang đứng 10 trong hệ thống về con số này.
Tương tự, ngân hàng MB cũng dự kiến trình phương án tăng vốn điều lệ tại Đại hội đồng cổ đông vào ngày 19/4. Ngoài việc tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng dự tính tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
MB (tên trước đây là Ngân hàng TMCP Quân Đội) đã tăng vốn lên hơn 52.100 tỷ trong năm 2023 bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu mới.
Các ngân hàng thương mại cổ phần khác như SHB của doanh nhân Đỗ Quang Hiển, HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, SeABank trong hệ sinh thái tập đoàn BRG (Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Nga) cũng có kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục tăng vốn và nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm nhà đầu tư ngoại này vẫn chưa được chốt hạ.