Nhờ độc quyền SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục hưởng lương "khủng" thế nào?
Năm học mới 2018 vừa bắt đầu, câu chuyện độc quyền sách giáo khoa (SGK) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) lại được nhắc tới.
Thành lập từ năm 1957, trải qua hơn 60 năm hoạt động, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) đã trở thành một đơn vị mạnh trong ngành xuất bản. Năm 2010, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB), công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
NXB Giáo dục Việt Nam hiện có 8 đơn vị trực thuộc gồm 4 nhà xuất bản tại 4 thành phố lớn ở các khu vực trên cả nước Nhà Xuất bản Giáo dục tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Đà Nẵng, Nhà Xuất bản Giáo dục tại TP. Cần Thơ; và Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Tạp chí Toán tuổi thơ, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, Viện nghiên cứu Sách và Học liệu Giáo dục. Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam còn có 10 công ty con và nhiều công ty liên kết khác.
Sau khi Luật giáo dục 2005 được ban hành và có hiệu lực, với phương thức “một chương trình, một bộ sách giáo khoa” dẫn tới chỉ còn chương trình (hiện hành) của Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng trong hoạt động dạy và học, NXB Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đã trở thành đơn vị độc quyền phát hành sách giáo khoa kể từ đó.
Có lẽ nhờ lợi thế này, NXB Giáo dục Việt Nam đã vươn lên vị trí nhà xuất bản lớn nhất, chiếm đến 80% thị phần phát hành sách trong cả nước. Trong một thị trường mà NXB Giáo dục Việt Nam hưởng thế độc quyền in ấn, phát hành SGK như vậy, đơn vị này đã kinh doanh ra sao trong những năm qua?
Doanh thu và giá vốn không được đề cập trong BCTC
Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là NXB Giáo dục Việt Nam) cho thấy, sản lượng sản xuất sách giáo khoa đã tăng mạnh trong các năm gần đây.
Nếu như năm 2015, lượng sản xuất chỉ có hơn 101 triệu bản thì đến năm 2016 đã tăng lên 108,83 triệu bản và năm 2017 là 107,8 triệu bản.
Về doanh thu, báo cáo tài chính năm 2016 (công ty mẹ) của NXB Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 1.080 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ sách giáo khoa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 735 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của riêng sản phẩm này xấp xỉ 130 tỷ đồng. Nguồn thu còn lại đến từ sách tham khảo, sách bổ trợ, buôn bán vật tư...
Doanh thu thuần năm 2017 nhích nhẹ lên hơn 1.110 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần thuyết minh về doanh thu và giá vốn hàng bán theo từng sản phẩm lại không được NXB Giáo dục Việt Nam đề cập tới trong BCTC riêng đã được kiểm toán của công ty mẹ dù bản thuyết minh báo cáo tài chính riêng phải là một bộ phận không tách rời với báo cáo này.
Đáng chú ý là trong khi doanh thu chỉ tăng nhẹ lợi nhuận trước thuế của NXB Giáo dục lại tăng vọt: từ 32 tỷ năm 2015 lên 72,1 tỷ năm 2016 và 150,8 tỷ đồng năm 2017.
Tuy vậy, nguyên nhân giúp lợi nhuận 2017 tăng vọt không phải đến từ hoạt động kinh doanh mà chủ yếu là do giảm chi phí lãi vay cũng như được hoàn nhập 27 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính dẫn đến chi phí tài chính năm 2017 là -3,6 tỷ trong khi chi phí tài chính năm 2016 là 51,6 tỷ đồng. Ngoài ra, là thu nhập tới từ hoạt động bán tài sản cố định và cho thuê bất động sản.
Tính đến cuối năm 2017, NXB Giáo dục có 1.122,5 tỷ đồng tổng tài sản, giảm nhẹ 78 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn 390,6 tỷ đồng và dài hạn là 731,9 tỷ đồng (cả hai chỉ tiêu này đều thấp hơn năm 2016).
Tổng nợ phải trả ở mức 374,4 tỷ đồng, giảm tới gần 32%. Trong đó, nợ ngắn hạn đã chiếm tới 80,5% tổng nợ với con số 301,5 tỷ đồng.
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn kiến nghị tăng giá bán sách giáo khoa tối thiểu thêm 10% theo giá bìa hiện hành vì lĩnh vực kinh doanh này là "đang thua lỗ” do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí in ấn tăng từ 12 - 15%.
Vướng chân ở công ty con
Về hoạt động của các công ty con cùng ngành. Tính đến cuối năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam có 10 công ty con hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại sách giáo khoa và thiết bị trường học.
Trong đó, Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hà Nội là doanh nghiệp chịu trách nhiệm gia công in theo đơn đặt hàng sách cung cấp cho khu vực phía Bắc nhưng kết quả kinh doanh lại rất khiêm tốn. Nguồn thu chính của công ty đến từ quá trình hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội. Đây cũng là một đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Năm 2017, công ty in hoàn thiện hơn 1,1 tỷ trang sách và ghi nhận doanh thu hơn 20 tỷ đồng. Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, giá vật tư, nguyên nhiên vật liệu, chi phí bảo hiểm cho người lao động... đồng loạt tăng khiến hoạt động ngày càng khó khăn, lợi nhuận chỉ còn xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Hoạt động tương tự, nhưng doanh nghiệp phụ trách khu vực phía Nam là Công ty cổ phần In sách giáo khoa TP.HCM (mã chứng khoán: SAP - HOSE) còn kinh doanh bết bát hơn.
Cuối tháng 4.2018, cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội do thua lỗ ba năm liên tiếp với lũy kế hơn 5 tỷ đồng. Doanh thu mỗi năm của công ty cũng chỉ dao động khoảng từ 8 - 12 tỷ đồng.
Trước đó, quý IV.2017, công ty này tiếp tục báo lỗ gấp hai lần so với quý II.2016. Trước đó, trong hai năm tài chính 2015 và 2016, SAP cũng báo lỗ tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo vẫn thu nhập “khủng”
Theo báo cáo lương thưởng, mức lương bình quân theo kế hoạch của người lao động tại NXB Giáo dục trong năm 2017 lên tới 20,15 triệu đồng/người/tháng và mức thu nhập bình quân hàng tháng là 21 triệu đồng/người/tháng. Các con số này trong năm 2016 là 20,2 triệu đồng và 20,9 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập bình quân của viên chức quản lý theo kế hoạch ở mức 45,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017 sau khi đã đạt con số thực tế 53,2 triệu đồng/người/tháng trong năm 2016.