Nông sản xuất khẩu liên tục giảm giá
Nhóm hàng nông sản tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt giá trị xuất khẩu hơn 10,4 tỷ USD, chiếm 19,6% tổng kim ngạch và đạt mức tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ 2011.
Dù vẫn đạt mức tăng trưởng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2012 nhưng thời gian qua, giá xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản liên tục giảm sâu, ảnh hưởng tới thu nhập cả doanh nghiệp (DN) và người nông dân. Trong đó, gạo là mặt hàng có mức giảm mạnh và kéo dài. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2012, giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm 6,6% so với 2011, giảm 8,5% so với 2010. Các mặt hàng khác trong nhóm hàng nông sản cũng liên tục giảm giá xuất khẩu như cao su giảm 31,3%, nhân điều giảm 10,4%, cà phê giảm 4,4%...
Giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà sụt giảm. |
Về thị trường xuất khẩu, theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Tiêu Việt Nam (VPA), hiện tại nông sản Việt Nam có nhiều thị trường ổn định như châu Âu, châu Phi, Trung Đông… Tuy nhiên, các thị trường châu Á như Trung Quốc, Đài Loan lại rất bấp bênh, nhiều DN quá kỳ vọng vào thị trường này dẫn tới tình trạng dễ dàng bị sập hố.
“Đơn cử như mặt hàng sắn lát. Năm 2011, khi Trung Quốc vào Việt Nam thu mua sắn lát, nhà nhà đổ xô trồng sắn, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai... chỗ nào còn đất trống là dân đầu tư trồng sắn. Từ đầu năm 2012 đến nay, Trung Quốc đóng cửa đối với mặt hàng này khiến các chủ vườn sắn dở sống dở chết. Nhiều nông dân phải bỏ sắn thối ngoài ruộng vì thu hoạch về cũng không biết bán cho ai” - ông Nam cho biết.
Cùng với những khó khăn về giá cả, thị trường, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2012 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 17.7 tại TP. HCM, các đại biểu còn phản ánh, lượng đơn hàng của các DN thời gian qua rất ít, hầu hết là các đơn hàng ngắn hạn, 3 tháng, thậm chí 1 tháng. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… liên tục đưa ra những rào cản kỹ thuật đối với hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam, gây bất lợi cho DN.
Thuận Hải