Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Sắp có trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại TP.HCM
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội tháng 9/2023, hai nước đã công bố Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hợp tác trong ngành chip bán dẫn là chủ đề nóng nhất trong chương trình nghị sự.
Thiết kế chip hiện đại ngay tại TP.HCM
Theo Tập đoàn Marvell Technology, Trung tâm của Marvell tại TP.HCM sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ chip tiên tiến nhất. Tiến sĩ Lợi Nguyễn (người Mỹ gốc Việt), Phó Chủ tịch cấp cao Marvell toàn cầu, và TS. Lê Quang Đạm, CEO Marvell Việt Nam, là hai nhân vật chính làm nền tảng cho trung tâm này.
Với việc thiết lập trung tâm R&D mới này, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell, cùng với ba trung tâm ở Mỹ, Ấn Độ và Israel. Tất nhiên, bốn trung tâm này sẽ hỗ trợ nhau vì thuộc hệ sinh thái của Marvell.
TS. Lợi Nguyễn sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, từng học 2 năm tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM trước khi sang Mỹ học tập và sinh sống. Tại đó, ông làm việc tại Trung tâm Khoa học vật lý Honeywell từ 1984 đến 1988. Ông học tiến sĩ kỹ thuật điện của Đại học Cornell nổi tiếng năm 1989 và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học California tại Los Angeles (UCLA) năm 1997.
Với kiến thức sâu về ngành điện tử, TS. Lợi Nguyễn cùng hai người bạn quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Inphi năm 2000, để cung cấp các giải pháp bán dẫn quang và dịch vụ viễn thông tốc độ cao. Thời điểm được Marvell mua lại năm 2021, Inphi đã có hơn 10 năm phát triển mạnh mẽ, với doanh thu tăng hơn 20 lần từ 30 triệu USD năm 2010 lên 680 triệu USD năm 2020.
Chính ông là người quyết định bán Inphi cho Marvell với giá hơn 10 tỷ USD – cái giá chấn động trong ngành bán dẫn thế giới năm 2021. Và TS. Lợi giữ cương vị Phó chủ tịch Điều hành tại Marvell, cùng TS. Đạm tập trung phát triển tại Việt Nam.
Cả hai ông đều mong muốn giúp các trường đại học tại Việt Nam đào tạo được nhiều hơn kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong chuyến trở về giữa tháng 1/2024, ông đã gặp gỡ lãnh đạo các trường đại học tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và giúp các trường đào tạo thêm nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch. Các mối liên kết ngày càng mở rộng và vững chắc hơn.
Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở TP.HCM đặt tại Etown (quận Tân Bình) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Theo đánh giá của Marvell, trong 10 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án.
Thế giới thu gọn trong con chip
Ngành công nghiệp bán dẫn rất phức tạp và là một hệ sinh thái toàn cầu. Theo nghiên cứu của công ty cung cấp dịch vụ và tư vấn công nghệ Accenture, mỗi khâu trong chuỗi giá trị bán dẫn trung bình có 25 quốc gia tham gia trực tiếp vào hoạt động của chuỗi cung ứng, 23 quốc gia cung cấp hỗ trợ thị trường, và chất bán dẫn sẽ đi vòng hơn 70 lần giữa các nước trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Điểm qua như vậy cũng đủ thấy nhiều liên kết như thế nào trong sản phẩm công nghệ cao nhưng tí hon này. Trong chuỗi liên kết và cung ứng toàn cầu này, có những tập đoàn lớn như Marvell được gọi là "Fabless" (nghĩa đen: không nhà máy), nghĩa là họ thiết kế chip và sau đó thuê các công ty khác sản xuất cho họ. Marvell không có nhà máy nào trên toàn cầu, và sản xuất chip được các bên thứ 3 đảm nhiệm, như các công ty sản xuất đình đám TSMC của Đài Loan, Samsung, UMC hay những doanh nghiệp Hà Lan.
Trong quá trình toàn cầu hóa của thế giới, các cường quốc chip bán dẫn đã thiết lập lợi thế cạnh tranh cốt lõi của họ, ví dụ thiết kế chip và thiết bị bán dẫn của Mỹ, vật liệu bán dẫn và linh kiện thiết bị của Nhật Bản, máy in thạch bản và sản xuất theo đơn đặt hàng của Hà Lan, vật liệu thô và kiểm tra đóng gói của Trung Quốc… Không một nước nào nào có thể hoàn toàn độc lập xây dựng hệ sinh thái chip bán dẫn hoàn chỉnh 100% mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuộc chạy đua công nghệ cao của thế giới, đặc biệt trong ngành chip bán dẫn, đã cho thấy hợp tác toàn cầu sẽ cùng nhau có lợi.
- Tham khảo thêm