HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Cách phòng và điều trị hai căn bệnh truyền nhiễm cực kì nguy hiểm ở bò sữa

19/05/2023 06:28 GMT+7
Tụ huyết trùng và lở mồm long móng là những căn bệnh phổ biến ở bò sữa. Sổ tay Nhà nông hôm nay sẽ cùng bà con tìm hiểu các biện pháp xử lý kịp thời hai căn bệnh nguy hiểm này.

Cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu hai căn bệnh truyền nhiễm cực kì nguy hiểm ở bò sữa

Cũng như các loài vật nuôi khác, nuôi bò sữa cần đặc biệt chú ý đến công tác phòng bệnh để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tuần này, Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu về các bệnh thường gặp ở bò sữa và cách điều trị cơ bản. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Hai căn bệnh truyền nhiễm cực kì nguy hiểm ở bò sữa.

1. Bệnh tụ huyết trùng

Bệnh tụ huyết trùng xuất hiện bởi vi trùng Pasteurella multocida. Căn bệnh này thường xảy ra quanh năm nhưng tập trung vào lúc chuyển mùa, từ mùa nắng sang mùa mưa và ngược lại.

Biểu hiện: Sốt cao, lờ đờ, mệt mỏi, bỏ ăn,ngừng nhai lại, nước bọt chảy thành sợi quanh miệng, chướng hơi và hầu sưng to. Khi bệnh chuyển nặng, bò chết rất nhanh, toàn thân co giật. Ngoài ra, bụng bò trương to, mắt trợn ngược, lưỡi thè ra.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Hai căn bệnh truyền nhiễm cực kì nguy hiểm ở bò sữa - Ảnh 2.

Bệnh tụ huyết trùng ở bò sữa.

Cách phòng bệnh: Tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng bò sữa vào các thời điểm chuyển mùa (tháng 3-4 và tháng 9-10) vì vacxin có hiệu lực miễn dịch 5-6 tháng. Bên cạnh đó, bà con nên sử dụng các biện pháp vệ sinh, nuôi dưỡng, chăm sóc, chuồng trại.

2. Bệnh lở mồm long móng

Khi thấy bò có hiện tượng bỏ ăn, ủ rũ, sốt cao, đi đứng khó khăn, có khả năng bò đã mắc bệnh lở mồm long móng. Ngay khi thấy bò gặp tình trạng này, bà con cần nhanh chóng kiểm tra kĩ ở vùng niêm mạc miệng môi, lợi và các chỗ da mỏng (kẻ chân, bờ móng, vú…) để phát hiện bò có bị mọc mụn nước không. Do khi các mụn này vỡ ra và tạo nên những vết loét, tuột móng chân, bò bị đau nên đi lại khó khăn.

Lở mồm long móng có thể khiến bỏ bị sảy thai, làm giảm sản lượng sữa. Đối với bê khi mắc bệnh này thường dễ chết do không ăn được thức ăn, viêm ruột cấp tính, ỉa chảy nặng. Ngoài ra, có khả năng mắc xuất huyết đường tiêu hóa, viêm phổi, cơ tim viêm có hình vằn hổ và chết trong vòng 2-3 ngày.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Hai căn bệnh truyền nhiễm cực kì nguy hiểm ở bò sữa - Ảnh 3.

Bệnh lở mồm long móng ở bò sữa.

Đến nay, bà con vẫn chủ yếu chữa những vết lở loét do vỡ các mụn nước. Bởi vậy, cần phát hiện sớm và kịp thời chữa trị thì bệnh sẽ lành. Bên cạnh việc rửa sạch các vết thương hàng ngày bằng thuốc tím và bôi các thuốc kháng sinh. Đồng thời, bà con cũng cần cách ly các con bò bệnh để tránh lây lan.

Công tác phòng và chữa bệnh luôn là yếu tố cần thiết trong quá trình chăn nuôi. Hy vọng rằng qua chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này, bà con đã có thêm kinh nghiệm trong việc xử lý bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng ở bò sữa. Chúc bà con thành công với mô hình của mình.

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5, 6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com

Bích Ngọc - Phương Mai - Thu Hường