HOT HOT HOT:

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Tìm hiểu một số loại mốc trên cây nấm sò

25/04/2023 19:30 GMT+7
Thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa có thể gây ra nhiều bệnh trên cây trồng, trong đó có nấm sò. Tuần này, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng quý vị tìm hiểu cách nhận biết và phương pháp xử lý các loại mốc, nấm mốc, có thể xâm nhiễm vào cây nấm sò.

Cùng Sổ tay Nhà nông nhận biết một số loại mốc trên cây nấm sò và cách chữa trị

Khi thời tiết thay đổi đột ngột, cây nấm sò khó thích nghi với môi trường sống, từ đó sản sinh ra nhiều nấm mốc hại cho cây nấm. Một số loại mốc có thể xuất hiện ở cây nấm sò trong mùa như: mốc đen, mốc nâu, mốc vàng,…

Sổ tay Nhà nông: Tìm hiểu một số loại mốc trên cây nấm sò.

1. Các loại mốc thường gặp: Mốc xanh, mốc đen, mốc nâu

Các loại mốc này đều có bào tử xâm nhập vào túi cơ chất, sợi nấm lúc đầu có màu trắng nhưng sau khi cấy giống từ 7-10 ngày, các khuẩn ty của loại nấm mốc này chuyển sang màu xanh lục, xanh lam, màu đen, nâu. Ở các bịch nấm sò nhiễm mốc xanh ở trong, nhìn sợi bên ngoài trắng kín, khi đem treo sau 7 - 10 ngày sợi bị vàng lại và chết. 

Các loại bào tử nấm mốc xanh, đen đều có rất nhiều trong không khí, nhiễm vào cơ chất, chúng nảy mầm thành hệ sợi cạnh tranh dinh dưỡng, tiết ra độc tố ức chế tiêu diệt hệ sợi nấm.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Tìm hiểu một số loại mốc trên cây nấm - Ảnh 2.

Tìm hiểu một số loại mốc trên cây nấm sò.

2. Nguyên nhân gây mốc 

Tình trạng mốc xảy ra do quá trình hấp khử trùng chưa đạt yêu cầu, môi trường cơ chất quá ướt. Quá trình cấy giống bị nhiễm từ giống hoặc bào tử nấm dại từ không khí. Có khả năng phòng ươm nuôi bịch nấm có nhiệt độ cao, ẩm ướt, vệ sinh chưa đạt yêu cầu hoặc nơi gần khu vực cấy giống bị ô nhiễm không khí. 

Phương pháp điều trị: Đối với những bịch phôi vừa xuất hiện nhiễm mốc xanh, mốc cam bà con cần cách ly chúng, cạo bỏ phần bị mốc, ngừng tưới nước và đem phơi nắng chúng từ 8-10 giờ.

Mốc trắng trên cây nấm sò

Loại mốc trắng thường xuất hiện trên bề mặt cơ chất luống nấm mỡ, sau khi vào luống, sau khi cấy giống đậy báo hoặc sau khi phủ đất. Toàn bộ mặt luống có màng sợi màu trắng, sau 7-10 ngày chuyển sang màu vàng bột, chỉ có trên bề mặt không xâm nhiễm sâu vào luống cơ chất. 

Do cơ chất rơm rạ vào luống có độ ẩm cao nên khi đậy báo hoặc phủ đất sẽ bị hấp hơi nước ở mặt luống, độ ẩm cao hơn sẽ có thể gây mốc, lớp mốc trắng cản trở trao đổi oxy làm giống nấm phát triển chậm hơn. 

Theo Sổ tay Nhà nông, bà con nên dừng tưới ẩm, không đậy báo/nilon, mở cửa để thông thoáng. Đặc biệt phải điều chỉnh đúng độ ẩm trong quá trình đảo ủ rơm rạ và khi vào luống.

Mốc vàng trên cây nấm sò

Mốc vàng thường có đường gân như rễ tre màu vàng chanh hoặc trắng. Thường mọc trên thân các khúc gỗ trồng. Do khu vực nuôi trồng quá nóng, ẩm, nuôi trồng lưu cữu trong thời gian dài, chế độ thông thoáng kém.

Bà con nên khử trùng nhà lán bằng cách rắc vôi bột hoặc tưới nước vôi đặc toàn bộ nền nhà, lán. Phòng trồng nấm cần vệ sinh thường xuyên, quét dọn nước đọng ở nền nhà. Bên cạnh đó là cách ly các bịch nấm hoặc khúc gỗ bị nhiễm bệnh, để khô, có thể quét thuốc tím lên các điểm bị nhiễm bệnh.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Tìm hiểu một số loại mốc trên cây nấm - Ảnh 4.

Các loại mốc xâm nhiễm vào cây nấm sò là nỗi ám ảnh của người nông dân trong vụ mùa. Để dễ dàng thích nghi, ứng phó kịp thời, nông dân cần quan tâm, chuyển đổi sang những mô hình sản xuất, ứng dụng giống mới ít bị tác động bởi thời tiết. Ngoài ra, nông dân phải trang bị kiến thức khoa học, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất để khắc phục, hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra.

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2,3,5,6 trên trang web Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin hãy gửi về Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com



Thu Hà - Bích Ngọc - Phan Hương - Thu Hường