Tại các xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La) như: Háng Đồng, Hang Chú, Tà Xùa, Làng Chếu,…thời điểm này là lúc bà con đồng bào dân tộc nơi đây bước vào mùa thu hoạch táo sơn tra. Vốn mọc tự nhiên, thế nhưng loại cây này đang trở thành cây trồng chủ lực, giúp đồng bào dân tộc nơi đây thoát nghèo.
Clip: Sơn La rộn ràng mùa táo sơn tra
Cây táo sơn tra ở đây mọc thành rừng, phủ kín trên những ngọn núi, ít ai biết chính xác cây sơn tra gắn bó với người dân Bắc Yên từ khi nào, chỉ biết là có nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã trồng, chăm sóc loại cây này. Trước đây, người dân địa phương thường lấy quả sơn tra giã lấy nước uống, ngâm rượu, làm thuốc và làm thức ăn cho trâu, bò. Bây giờ, thị trường tiêu thụ đang mở rộng nên giá trị kinh tế của cây sơn tra cũng được nâng lên. Ảnh: Văn Ngọc
Là một trong những hộ có diện tích trồng sơn tra lớn ở bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên (Sơn La), ông Sồng A Mang chia sẻ: Trước đây, gia đình ông Mang nghèo và đông con, dù bươn chải làm thuê, cuốc mướn khắp nơi, song vẫn không thoát khỏi cảnh túng thiếu. Đến năm 2000, được cán bộ khuyến nông vận động bà con chuyển đổi cây trồng, hướng dẫn cách ươm giống và trồng táo sơn tra. Gia đình ông đã tiên phong chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng cây sơn tra, sau 4 năm chăm bón, gần 2 ha sơn tra cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, đem lại thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc
"Ở huyện Bắc Yên, cây sơn tra được trồng tập trung chủ yếu tại 5 xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng. So với vùng khác, sơn tra ở Làng Chếu quả nhỏ, khi chín có màu vàng, 2 má hồng, chua nhẹ, ít chát, thơm, ngon, cây càng lâu năm quả cho thu hoạch càng nhiều, quả sơn tra cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11" ông Mang nói. Ảnh: Văn Ngọc
Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã trồng mới 500 ha sơn tra, nâng tổng số diện tích sơn tra hiện có gần 2.600 ha. Trong đó, 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các xã: Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Ảnh: Văn Ngọc
Quả Sơn Tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) thu mua để chế biến thành rượu vang Sơn Tra và chế biến khô để đem đi tiêu thụ tại các tỉnh, mang lại nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân các xã vùng cao. Ảnh: Văn Ngọc
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tiến hành đã rà soát, tuyển chọn, khai thác cây giống tốt để áp dụng công nghệ cao trong việc ghép, cải tạo hơn 18 ha cây sơn tra; trồng mới 200 ha cây sơn tra ghép, tập trung chủ yếu tại 5 xã vùng cao. Ảnh: Văn Ngọc
Có thể thấy, cây sơn tra đã dần khẳng định giá trị kinh tế; góp phần mang lại nguồn thu ổn định cho người dân Bắc Yên. Ảnh: Văn Ngọc
Trong thời gian tới huyện Bắc Yên (Sơn La) hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh; đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng sơn tra; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng dây chuyền bảo quản, chế biến sơn tra ngay tại địa phương. Ảnh: Văn Ngọc
Một mùa thu hoạch quả sơn tra nữa lại về với đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La). Với sự quan tâm chỉ đạo của huyện Bắc Yên và sự nỗ lực của người dân, cây sơn tra sẽ tiếp tục giữ vai trò cây trồng chủ lực giúp đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn. Ảnh: Văn Ngọc
Văn Ngọc - Nguyễn Vinh