Sự thật phương pháp canh tác lúa bằng phương pháp mới (Bài 1)

Trần Quang - Nguyễn Chương Thứ bảy, ngày 04/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
Trong suốt 3 năm (từ 2022 đến 2024), nhóm PV Báo điện tử Dân Việt đã tìm hiểu về một giống lúa lạ được canh tác bằng phương pháp mới, kết hợp giữa sử dụng biện pháp hữu cơ với năng lượng "bề trên". Trên thực tế, cả giống lúa và phương pháp này đều chưa được cấp phép, công nhận theo quy trình, quy định của pháp luật.
Bình luận 0

LTS: Trong những năm qua, ngành sản xuất lúa nước ta đã liên tục tăng lên về sản lượng, chất lượng nhờ đưa vào sản xuất các giống lúa mới, cùng việc áp dụng và đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Theo các quy định của pháp luật, để đưa được những giống lúa mới, cùng các tiến bộ KHKT vào sản xuất đòi hỏi phải tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt, được cấp phép bởi các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài thâm nhập, tìm hiểu, nhóm PV Báo điện tử Dân Việt đã phát hiện, tại tỉnh Ninh Bình, nhiều nông dân đã được cán bộ địa phương vận động cấy một giống lúa chưa được cơ quan quản lý nhà nước công nhận theo phương pháp mới, đó là sử dụng năng lượng của "bề trên" để tác động vào quá trình chăm sóc cây lúa. Trên thực tế, nhiều người đã vỡ mộng bởi giống lúa này.

Suốt 3 năm (từ 2022 đến 2024), nhóm PV Báo điện tử Dân Việt đến thâm nhập, bóc gỡ dần ra sự thật về cái gọi là phương pháp chăm sóc lúa mới, kết hợp giữa biện pháp hữu cơ với "tâm linh", sử dụng năng lượng "bề trên". Việc tuyên truyền, quảng bá sai sự thật này đã diễn ra suốt một thời gian dài ở một số tỉnh miền Bắc. Đến nay, hiện tượng này vẫn chưa được chấm dứt, mà còn nở rộ ra trên nhiều địa phương với nhiều loại cây trồng khác nhau.

Sự thật về mô hình sản xuất lúa lạ bằng... tâm linh ở Ninh Bình.

Bài 1: Từ lời quảng cáo có cánh đến những điều phi khoa học, phi thực tế

Theo lời giới thiệu của một chuyên gia, từ cuối năm 2022, chúng tôi đã tình cờ biết được một mô hình chăm sóc lúa bằng cách sử dụng phương pháp hữu cơ, kết hợp với tâm linh để cho năng suất, chất lượng vượt trội. Suốt từ đó đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu thực hư về mô hình này.

Chuyến tham quan rầm rộ về cánh đồng lúa sử dụng năng lượng "bề trên"

Nhận lời mời từ một chuyên gia ở Hà Nội về việc tham quan, khảo sát giống lúa mới, có sử dụng phương pháp năng lượng của "bề trên", vào một ngày giữa tháng 10/2022, chúng tôi đã cùng một đoàn gồm nhiều thành phần khác nhau về Ninh Bình để mục sở thị. Chúng tôi được dẫn đến khu ruộng lúa đang chín vàng khá bắt mắt, nhìn qua cũng không khác mấy so với những ruộng lúa bình thường xung quanh.

Vừa đặt chân xuống bờ ruộng, chúng tôi đã được mấy cán bộ của xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh chỉ trỏ, giới thiệu không ngừng về giống lúa này. Theo lời của một trong những cán bộ "tháp tùng" cùng đoàn ra đồng tham quan, giống lúa mới hay được gọi là lúa "tiến vua", vừa mới được đưa về sản xuất thử nghiệm ở địa phương từ mấy năm nay. "Lúa có bộ lá cứng, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao hơn 20-30% so với các giống lúa đối chứng khác".

Thậm chí, một cán bộ chuyên môn ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong đoàn công tác còn dẫn kết quả kiểm nghiệm của viện nghiên cứu để khẳng định, giống lúa mới có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn gạo của Nhật. Các đại biểu, nhà báo trong đoàn ai cũng bất ngờ, tròn xoe mắt...

Kết thúc buổi tham quan, địa phương tặng cho mỗi đại biểu một hộp gạo 5kg (gạo đã hút chân không), trên bao bì được dán thương hiệu "hạt ngọc thiên hương" của Công ty TNHH Nông nghiệp và thương mại Thiên Phú. Món quà rất đẹp, ai cũng trầm trồ...

Sự thật về cách sản xuất lúa lạ bằng... tâm linh: Đuổi chuột, chống sâu bệnh bằng năng lượng

Ông Phạm Ngọc Duân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đi đầu dẫn các đại biểu tham quan cánh đồng lúa tiến vua tháng 10/2022. Ảnh: TQ

Giống lúa chưa được công nhận nhưng đã tự xây dựng quy trình canh tác "hoành tráng"

Lý giải về việc vì sao lại có tên loại gạo "hạt ngọc thiên hương" mà không làm quy trình công nhận giống, ông Đinh Xuân Quyết, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Yên Khánh (hiện là Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp và Thương mại Thiên Phú cho biết: "Do việc làm quy trình công nhận giống lúa mới tốn kém và khó khăn nên chúng tôi đã dừng lại không làm các thủ tục tiếp theo. Mỗi năm chúng tôi đưa ra thị trường khoảng trên dưới 50 tấn gạo. Công ty không buôn bán lúa giống. Nếu nông dân cần gieo cấy để ăn, thì chúng tôi đưa cho bà con với giá thóc giống khoảng 12.000 đồng/kg".

Dù giống lúa trên chưa được nhà nước công nhận nhưng Công ty Thiên Phú đã xây dựng quy trình canh tác, sản xuất giống lúa mới khá chi tiết. Chúng tôi xem thì đúng là những lời giới thiệu, quảng cáo rất hoành tráng.

Đơn cử như giống lúa thiên hương phải được trồng trên vùng đất đạt chuẩn, đã qua xử lý, không ô nhiễm, xa khu công nghiệp, bệnh viện, rác thải, không tồn dư hóa chất hay kim loại nặng... Nếu ruộng trước đó đã sử dụng phân bón hóa học thì cần được xử lý bằng cách bón phân hữu cơ vi sinh ít nhất 3 vụ liên tiếp.

Song song đó, nguồn đất cần đảm bảo giàu dinh dưỡng để cây lúa có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Hiện nay, công ty đã lựa chọn những vùng canh tác như xã Khánh Trung, Khánh Cường, Khánh Nhạc đáp ứng đầy đủ các yếu tố cần thiết để tạo ra loại gạo hữu cơ không chỉ an toàn mà còn thơm ngon khó cưỡng.

Về nguồn nước, đội ngũ kỹ sư của Công ty Thiên Phú thường xuyên đo đạc các chỉ số an toàn của nước trên cánh đồng và các khu vực lân cận, nguồn nước cung cấp đảm bảo sạch, đã qua xử lý.

Đơn vị này áp dụng các phương thức canh tác thuận tự nhiên, sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh để đảm bảo an toàn. Toàn bộ quy trình này sẽ được giám sát định kỳ để tránh xảy ra các sai sót.

Về quy trình thu hoạch, gạo hữu cơ sẽ được thu hoạch đúng vụ, 2 vụ mỗi năm gồm vụ xuân và vụ mùa, không làm trái vụ. Lúa sau khi thu hoạch được đưa vào silo sấy theo nhiệt độ phù hợp, sau đó sẽ tiến hành xay xát ra gạo thành phẩm; gạo không qua xử lý tẩy trắng, chất tạo màu, hương thơm, chất bảo quản.

Điều đáng nói hơn, Công ty Thiên Phú còn tự quảng cáo giống lúa thiên hương đã được canh tác vụ thứ 4 mang lại năng suất rất cao được bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng, Khánh Cường đạt năng suất 2,5 tạ/sào, Khánh Trung đạt năng suất 3 tạ/sào, Khánh Nhạc đạt năng suất 2,6 tạ/sào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, ghi nhận thực tế của phóng viên tại các địa phương, giống lúa thiên hương có năng suất rất thất thường, bấp bênh, có nơi chỉ đạt hơn 1 tạ/sào.

Cuộc trò chuyện với ông Bí thư Đảng ủy xã về phương pháp canh tác lúa bằng tâm linh đầy tính... phi khoa học

Để tìm hiểu sự thật về giống lúa mới được canh tác bằng phương pháp "lạ", chúng tôi đã hẹn gặp ông Phạm Ngọc Duân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh - người đưa giống lúa này về đây để canh tác. Trò chuyện với phóng viên Dân Việt tại phòng làm việc tại tầng 2 trụ sở UBND xã Khánh Trung, ông Duân cho biết: Khoảng tháng 5/2016, trong một chuyến về nhà một người quen ở Bắc Ninh chơi, tìm hiểu về giống lúa, ông đã xin 0,5kg giống lúa (không biết tên) đưa về gieo mạ, cấy thử nghiệm trên một diện tích nhỏ tại chính ruộng của gia đình mình. Sau khi kết thúc vụ mùa năm 2016, ông thu về khoảng 60kg thóc thịt và tiếp tục dùng số thóc này làm giống sản xuất tiếp các vụ tiếp theo.

Sự thật về cách sản xuất lúa lạ bằng... tâm linh: Đuổi chuột, chống sâu bệnh bằng năng lượng

Các đại biểu trao đổi, kiểm tra lúa tiến vua sắp cho thu hoạch vụ mùa 2022. Ảnh: TQ

"Đến khoảng tháng 12/2019, trong một bữa cơm với lãnh đạo huyện, tôi được anh Vọng (ông Đinh Văn Vọng - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh kể chuyện làm lúa theo phương pháp mới tâm linh rất hay và vị này có gợi ý muốn tôi làm thử nghiệm", ông Duân chia sẻ, rồi kể tiếp: Khi đó, anh Vọng có nói, giờ có loại tác động vào lúa để được gạo thơm như hoa hồng, chú cấy giống gì cũng được chỉ cần có sự tác động của thầy (theo tìm hiểu sau này của chúng tôi, thì biết được thầy có tên là H. - PV) sẽ giúp giống lúa thay đổi chất lượng hoàn toàn cả về năng suất, hương vị. Nếu làm không được, anh ấy sẽ đền bù cho tôi. Sau khi trao đổi, chúng tôi lựa chọn giống lúa tiến vua để áp dụng làm theo phương pháp mới.

"Nghe xong câu chuyện, tôi cũng bán tín, bán nghi, cũng sợ nói ra bà con không tin nên vụ xuân năm 2020, chúng tôi làm thử nghiệm tại 1,1 mẫu ruộng của gia đình.

Thời điểm khi gieo mạ bằng máy, chúng tôi có dùng cọc tre để đánh dấu 4 góc. Khi mạ lên xanh, đến khoảng mùng 6 Tết (2020), anh Vọng có mời thầy H. cùng đệ tử về.

Hôm ấy trời còn xuân se se lạnh, thầy H. cùng các đệ tử đi ô tô về. Nom từ xa, dáng vẻ của thầy khá bình thường, da hơi đen sạm. Khi đến tham quan khu gieo mạ, thầy H. đi nhanh ra mặt ruộng, rồi khua tay lẩm nhẩm như đọc thần chú gì đó xong nói to: Đưa giống tốt nhất xuống và cho vào đám mạ này. Một đệ tử đứng gần đáp lại: Người ta đưa giống xuống rồi! "Bảo với họ là thầy tặng cho họ một bông hoa sen".

Sự thật về cách sản xuất lúa lạ bằng... tâm linh: Đuổi chuột, chống sâu bệnh bằng năng lượng

Ông Phạm Ngọc Duân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) khoe lúa tiến vua do gia đình mình mới thu hoạch vụ 2022. Ảnh: TQ

Sau đó, thầy H. chỉ tay về khu ruộng hỏi: Đất này đã được làm sạch chưa? vị đệ tử đáp ngang: Đất vẫn còn nhiều tạp chất. Thầy nói như sai khiến: Chúa của các muôn loài xuống làm cho đất sạch. Vị đệ tử : "Đất đã sạch rồi!"

Thầy H. và các đệ tử làm việc rất nhanh, mỗi chỗ (khu gieo mạ, ruộng) chỉ làm khoảng vài phút là xong việc", ông Duân nhớ lại.

Ông kể tiếp: Vụ xuân năm 2020, thầy H. về xã khoảng 4 lần vào thời điểm gieo mạ, cấy lúa, lúa đẻ nhánh, thu hoạch. Thầy có dặn chúng tôi phải bón phân hữu cơ và không được dùng thuốc trừ sâu hóa học để trừ sâu.

"Điều lạ là khi phân hóa đòng, lá lúa ở ruộng đều bị co lại giống như bị sâu cuốn lá nhưng quá trình kiểm tra, theo dõi, chúng tôi thấy lúa không hề bị sâu bệnh... Có thời điểm, lúa mới bị chuột cắn phá, tôi có gọi điện thoại và được thầy giúp... đuổi hết chuột", ông Duân chia sẻ.

Thậm chí vị lãnh đạo xã này còn khoe: "Vụ chiêm năm 2021, thời tiết ấm nên bọ xít xuất hiện hại lúa rất nhiều, nhất là tại các ruộng cấy giống lúa mới. Tôi đã chụp ảnh lúa gửi cho anh nguyên lãnh đạo kia. Sau đó mấy ngày, tôi không biết thầy làm cách nào, quả thật ruộng của chúng tôi hết sạch bọ xít."

"Vụ mùa 2022, toàn xã có khoảng trên 10 hộ cấy giống lúa "tiến vua". Trong các vụ tiếp theo, chúng tôi nâng số hộ cấy giống mới lên khoảng gần 20 hộ với diện tích khoảng 40ha", ông Duân khẳng định.

Phóng viên trao đổi lại: Giống lúa "tiến vua" được gieo cấy tại xã Khánh Trung đã được nhà nước công nhận chưa? Ông Duân khẳng định: Giống vẫn chưa được công nhận, nên bà con chỉ cấy thử nghiệm.

Sự thật về cách sản xuất lúa lạ bằng... tâm linh: Đuổi chuột, chống sâu bệnh bằng năng lượng

Cận cảnh hạt lúa tiến vua được người dân ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh đang gieo cấy. Ảnh: TQ

Phóng viên chất vấn: Ngành nông nghiệp, khuyến nông luôn tuyên truyền, vận động bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, nhưng vì sao xã mình lại trồng lúa không giống ai theo phương pháp lạ, lệch lạc rất tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông nghĩ sao?

Trả lời câu hỏi này, ông Duân vô tư giải thích: Cơ bản chúng tôi vẫn sử dụng quy trình sản xuất như bình thường như sử dụng máy làm đất, máy cấy, phân bón, chỉ không sử dụng thuốc trừ sâu. Ở xã, chuyện làm lúa theo phương pháp mới rất ít người biết, bà con cũng chỉ hiểu là mọi người đang trồng lúa theo hướng hữu cơ thôi.

Xác nhận thêm với chúng tôi, ông Đinh Văn Vọng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho hay: Đến nay, người dân tại 3 xã Khánh Trung, Khánh Nhạc, Khánh Cường đang sản xuất giống lúa "tiến vua" với diện tích khoảng 200 đến 300ha.

"Mới đây, khoảng đầu tháng 2/2024, thầy từ Hải Dương về Khánh Trung kiểm tra ruộng vừa cấy thấy cạn kiệt "năng lượng" nên đã cùng với đệ tử "bổ sung" ngay. Tại các ruộng lúa này, thầy đã đặt khung "năng lượng" nhưng... bọn xấu ở bên trên nhìn thấy sáng nên xuống ăn trộm, chia sẻ nên năng lượng bị mất đi.

Hàng năm, bà con phải chụp ảnh ruộng gửi cho thầy và đệ tử để kiểm tra ruộng, nếu năng lượng bị giảm hoặc mất đi thì thầy sẽ bổ sung lại thì chất lượng gạo mới ngon được", ông Vọng nói.

Sự thật về cách sản xuất lúa lạ bằng... tâm linh: Đuổi chuột, chống sâu bệnh bằng năng lượng

Cận cảnh hộp gạo 5kg (gạo đã hút chân không) mang "thương hiệu" hạt ngọc thiên hương của Công ty TNHH Nông nghiệp và thương mại Thiên Phú tăng cho các đại biểu tham quan mô hình tháng 10/2022.

Theo ông Vọng, khi ruộng đã được thầy bổ sung năng lượng và xử lý ,thì sẽ xua đuổi được sâu bệnh, ốc bươu vàng, chuột... Riêng đối với chuột, thầy thả đàn đại bàng (dạng phi vật chất) xuống xua đuổi chuột nên loài gặm nhấm này sẽ không đến hại lúa được.

"6 vụ lúa vừa qua ở Yên Khánh, người dân được thầy giúp nên không phải dùng bất cứ một loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, diệt chuột mà lúa vẫn đạt năng suất, chất lượng cao, gạo thơm ngon hơn", ông Vọng nói và cho biết, trong vụ mùa năm 2023 vừa qua, gạo tiến vua sản xuất ra không có đủ để cung cấp cho khách hàng.

Quy trình công nhận giống cây trồng

Theo quy định của Luật Trồng trọt (luật số 18/2018/QH14 ngày 19/8/2018): Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng quy định tại Điều 15 của Luật này hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu.

Cụ thể, Điều 15 về "Cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng" quy định:

1. Điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bao gồm:

a) Có tên giống cây trồng;

b) Có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định;

c) Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng;

d) Có mẫu giống cây trồng được lưu theo quy định tại Điều 20 của Luật này;

đ) Có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.

2. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn.

3. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được cấp lại trong trường hợp sau đây:

a) Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng bị mất hoặc hư hỏng;

b) Thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

4. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được gia hạn khi đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Khi tổ chức, cá nhân yêu cầu;

b) Có kết quả khảo nghiệm có kiểm soát quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật này đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên, giống lúa được gọi là "hạt ngọc thiên hương" hoàn toàn chưa được và chưa đủ điều kiện công nhận nhưng Công ty Thiên Phú vẫn đưa vào sản xuất và quảng cáo là sai so với quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem