HOT HOT HOT:

"Thịt bò giá rẻ là thịt heo nái" và "Thịt heo nái có giá cao như thịt bò"

20/03/2018 12:27 GMT+7
Khổ từ thằng bé chăn bò đến ông đầu bếp khách sạn 5 sao chuyên món bít tết, từ bà bán thịt bò ngoài chợ cho đến anh trông xe hàng phở. Thành thử cách đặt tít như vậy, dù giật gân, nhưng biết đâu, lại ảnh hưởng đến hàng loạt người chẳng mảy may liên quan.

Về hướng nào?
Bộ GTVT sắp trình lên trên các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó bộ nghiêng về hướng mở rộng về cả 2 hướng nam bắc. Còn nhóm các chuyên gia của TP. HCM thì lại quả quyết rằng phương án mở rộng về hướng bắc là phù hợp nhất. Kẻ đàm tiếu cho rằng phải mở cả 2 hướng thì không phải động đến sân golf (nằm cực bắc sân bay), các chuyên gia của TP. HCM “liều sống” đề xuất mở hẳn về hướng bắc để dẹp luôn cái sân golf cho nhẹ lòng. Thực ra, hướng nào mới là phù hợp? Chắc chỉ có nước hướng lên trời. Bởi, đã quá tải, thì mở hướng nào cũng là giật gấu vá vai. Nghĩ xem, cái áo đã không vừa, nay nới chỗ này, mai nới chỗ kia, thì cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Tốt nhất là tìm cái áo mới.


Lên rừng xuống biển
Việc UBND Quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đề xuất bồi đắp vịnh Đà Nẵng để phát triển kinh tế xã hội, trong bối cảnh địa phương này cũng đang xem xét nghiên cứu lấn vịnh để hình thành khu kinh tế ven biển, đang gây nhiều luồng dư luận. Nói trắng ra là Đà Nẵng có diện tích tự nhiên nhỏ hẹp, bấy lâu nay nhiều nhà phát triển nóng một phần là nhờ bán đất; không có vụ bán đất vô tội vạ thì Vũ “nhôm” đã không “chờ tù”. Giờ thì đất bán gần hết, mà chi tiêu thì vẫn phải đều đều, mà kính chiếu yêu đang soi thì còn cục cựa được gì? Nên phải tính chuyện phá rừng, lấn biển. Chuyện phá rừng thì đã có. Khai hỏa đầu tiên là vụ biệt phủ trên rừng cấm Hải Vân, đã phải dỡ bỏ. Tiếp đến là chuyện đòi cạo sạch bán đảo Sơn Trà để làm dự án, đã bị tuýt còi hồi năm ngoái. Chuyện lên rừng, coi như phá sản, đành phải hướng xuống biển, nên mới bày ra chuyện đòi lấn biển đây này. Nhưng e là cũng khó. Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng có vị trí chiến lược về nhiều mặt. Sơn Trà bị tuýt còi rồi, thì vụ lấp vịnh e rằng khó được thông qua. Thôi, lo kiếm chuyện làm để có tiền đi. Chứ lúc nào cũng chỉ mong vào bán đất, phá rừng, lấn chỗ nọ nhưng mất chỗ kia thì bao giờ mới khá nổi?


Thần kinh
An toàn hàng không phải luôn đảm bảo ở mức tuyệt đối, thậm chí là trên cả tuyệt đối. Ấy vậy mà, ở sân bay Vinh nảy chuyện khó lường. Đó là có ông ngố nào đấy đã trèo tường vào sân bay, thậm chí là đã tiếp cận máy bay. Phi hành đoàn phát hiện được chuyện này đã báo an ninh sân bay xử lý thanh niên trên, đồng thời tổng rà soát lại mọi thứ để chuyến bay được cất cánh an toàn. Bảo là xử lý thanh niên trên, nhưng có điều là lực bất tòng tâm, bởi theo giám định thì anh này bị bệnh tâm thần, coi như xí bùm bum. Cũng phải thôi, ối vị ra tòa hoặc ăn kỷ luật. vẫn phát hiện bị tâm thần. Nên chuyện thanh niên ngớ ngẩn lên nhầm máy bay cũng chẳng phải chuyện lạ. Sẵn việc này, nhớ lại hồi 2012, có chuyện có hẳn một con bò tót lọt vào sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế). Thành thử, bò này, thần kinh này, vào được sân bay, thì hẳn là an ninh sân bay chắc cũng phải thần kinh, cũng là bò nốt rồi mới để xảy cơ sự như thế. Đấy là còn may nhé, nhỡ có kẻ xấu lợi dụng súc vật, lợi dụng người thần kinh để mang linh tinh vào sân bay, thì hậu quả e rằng khó nói trước được.


Sự thật mất lòng
Có lẽ hiếm có bác sĩ nào như một bác sĩ đang công tác tại khoa lao – Bệnh viên Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Theo như một video clip được lưu truyền trên mạng, thì ông này đã nói thẳng với người nhà bệnh nhân rằng: “Mang về đi, trị cũng chết. Tôi bó tay rồi. Nằm đây mỗi ngày tốn chục triệu của xã hội, nhọc công bác sĩ, mang về đi”. Thế là bệnh viện lập tức xin lỗi này nọ, bảo là ông này vi phạm y đức, sẽ xử lý nghiêm. Vậy là xong. Nhưng nghĩ lại, bác sĩ này nói cũng có lý đó chứ - chỉ là nói thô thiển quá, đã trị không được, thì mang về, chứ để lại chỉ tốn tiền lẫn tốn công, lại kéo dài sự đau khổ của bệnh nhân và thân nhân. Nhìn từ góc độ nào đó, thì vẫn giữ được chữ y đức và tinh thần nhân ái đấy thôi?!


Ăn thua ở cái tâm
Mấy nay đi chợ, các bà nội trợ đều xôn xao và bất ngờ trước một loại thịt bò giá rẻ. Thịt bò thăn, bò đùi, bò bắp... gì mà có mỗi 60.000 đồng/kg. Liệu có vấn đề gì chăng? Thế là có người vào cuộc, điều tra này nọ. Và họ nhanh chóng phát hiện ra, đồng thời giật tít lớn là: Thịt bò giá rẻ là thịt heo nái. Chuyến này thì coi như bò lại bị ế dài ra. Mấy món như phở bò, bún bò, bò lá lốt, bò kho, bò bít tết, bò ragu, bò nấu xí muội, bò nhúng dấm, bò áp chảo, hủ tíu bò viên... bị ế theo. Bò bị ế thì sao? Thì cứ cái gì liên quan đến bò thì khổ cả. Khổ từ thằng bé chăn bò đến ông đầu bếp khách sạn 5 sao chuyên món bít tết, từ bà bán thịt bò ngoài chợ cho đến anh trông xe hàng phở. Thành thử cách đặt tít như vậy, dù giật gân, nhưng biết đâu, lại ảnh hưởng đến hàng loạt người chẳng mảy may liên quan. Bởi vậy, phải nói đường khác: Thịt heo nái có giá cao như thịt bò. Ấy thì người heo mới vui, mà người nuôi bò cũng không ảnh hưởng. Ăn thua là ở chỗ mình phải có tâm.

Trương Minh Hoàng