Thông Tấn Thôn: 90.000 đồng/ hecta rừng/ năm
Con số khó tin
90.000 đồng/ hecta rừng/ năm
Theo thống kê gần đây, thì mỗi hecta rừng chỉ cho lợi được tầm 90.000 đồng/năm. Rõ là vớ vẩn, thống kê theo kiểu bàn giấy, xa-lông... Không tin đi hỏi lâm tặc, kiểm lâm xem mỗi hecta kiếm được bao nhiêu tiền? Sao lại ít vậy được?!
Những câu nói ấn tượng
- TP. HCM không có ùn tắc, vì xe vẫn còn cựa quậy được.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM bình luận. Thế mới là khí độ của quan đầu ngành, luôn tỉnh táo trước mọi khó khăn thách thức, luôn giữ cái nhìn lạc quan trước các tình huống phức tạp dù chỉ là lạc quan tếu.
- Tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư quá thấp. Có được bao nhiêu bổ nhiệm tất.
Ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo trần tình về vấn đề bổ nhiệm, phong hàm giáo sư. Chắc có lẽ ai đó cũng đang mơ được phong Giáo sư chăng?
Thầy chạy
Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang xem xét kỷ luật đối với 2 thầy giáo đang công tác tại Trường tiểu học Hương Khê. Thầy giáo tiểu học, khó có chuyện đổi tình lấy điểm hay gạ gẫm nữ sinh gì rồi, vì nếu có hành vi gì đồi bại, chắc chắn sẽ bị công an bắt vì học sinh tiểu học đều là trẻ em, khỏi phải nhọc lòng phòng GD-ĐT huyện xem xét kỷ luật. Theo đó, 2 thầy giáo này bị ăn kỷ luật vì sau khi ăn nhậu (ở Hà Tĩnh, chắc là uống bia Sài Gòn), hai thầy này phát sinh mâu thuẫn, dẫn đánh nhau, thầy này dùng một khúc cây nện vào đầu thầy kia, thầy kia bị thương, phải nhập viện. Rồi, hết đường chạy, thể nào cũng ăn kỷ luật nặng. Nếu có bị cho ra khỏi ngành, thì tuy không thể làm thầy dạy chữ cũng có thể làm thầy dạy võ múa gậy với tuyệt chiêu “nện phát chết luôn”. Một chữ là thầy, nửa gậy cũng là thầy.
Chớ nên cố thủ
Vừa qua, tại Hà Nội, đã sập một căn biệt thự xây từ thời Pháp tại số 107 phố Trần Hưng Đạo khiến có thiệt hại cả về người và của. Dĩ nhiên trước hết là phải rà soát lại toàn bộ hệ thống những công trình có từ thời Pháp, vốn được xây dựng trên dưới cả trăm năm, để xem xét lại xem những cụ nhà này còn trụ vững nữa không, hay lại là lung lay sắp sập. Qua đó, có những biện pháp như tôn tạo hoặc cảnh báo người dân trú ngụ trong những ngôi biệt thự này. Sau khi rà soát xong, việc tiếp theo là mời những vị vốn đã về hưu nhưng cứ giữ rịt nhà công vụ, hoặc đòi hỏi có nhà ở theo chế độ này nọ... vào những ngôi biệt thự này mà ở. Muốn biệt thự có biệt thự, muốn trung tâm có trung tâm. Có điều không biết sụm lúc nào mà thôi. Để xem các vị còn tử thủ, cố thủ đến chừng nào hay là khảng khái xin không nhận nhà công vụ, cúp đuôi về quê cắm câu, vui thú điền viên để còn bảo toàn cái mạng già?
Ga xếp
Khánh thành cách đây khoảng một năm, ga Hạ Long (Quảng Ninh) trông bề thế và hoành tráng nhưng một ngày chỉ đưa đón được vài chục hành khách và chút ít hàng hóa. Những bất cập về quy hoạch đường sắt và bùng nổ giao thông đường không, thủy, bộ với nhiều thuận tiện, giá cả rẻ hơn đã khiến ga Hạ Long được đầu tư với số vốn khổng lồ lên đến hàng trăm tỉ đồng hiện đang trở tành lãng phí. Phía ngoài, với sân ga hiện đại đủ năng lực đón nhiều đoàn tàu cùng lúc chỉ có đàn bỏ nhẩn nha gặm cỏ. Cho nên, mặc dù thất bại trong kinh doanh đường sắt, nhưng ga Hạ Long lại để lại nhiều ấn tượng cho nhửng người hoài cổ với một bức tranh đậm màu thời gian: đàn bò gặm cỏ trong sân ga. Liệu còn tìm được nơi đâu có hình ảnh như thế?
Không chấp nhận được
Huyện Nam Đông là huyện miền núi nghèo của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hồi 2010, tỉnh có phê duyệt cho xây dựng một bãi rác quy mô lớn với số vốn gần 9 tỉ đồng nhằm phục vụ chuyện xử lý rác thải trong địa bàn và khu vực. Tới 2013, chuẩn bị đưa vào sử dụng, thì phát hiện hồ chứa rác có sai sót về kỹ thuật phải ngưng sử dụng, vì e ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Thành ra là bỏ hoang đến hiện tại. Như thế là không thể chấp nhận được? Biết bao nhiêu dự án như thế mà có sao đâu? Tại sao lại chỉ vì ảnh hưởng đến mạch nước ngầm mà lại ngưng sử dụng? Nhiều chỗ người ta chẳng cần biết đến môi trường, nguồn nước, không khí, có ô nhiễm hay là không, người ta cứ làm ào ào, làm ầm ầm, xả thải thoải mái. Có nơi người ta còn lấp sông, hoặc làm dự án bất kể nguy hiểm tính mạng tài sản của nhân dân mà người ta vẫn làm. Đằng này chỉ vì e ngại ảnh hưởng mạch nước ngầm mà bỏ hoang công trình 9 tỉ đồng là không thể chấp nhận được. À mà cái lỗi kỹ thuật nói ở trên là do ai đấy nhỉ? Kiểm điểm rút kinh nghiệm chưa các bác?
Thuốc chắc
Việc đấu thầu thuốc hiện nay có rất nhiều lỗ hổng, đơn giản là các thông tư về đấu thầu thuốc ra đời xoành xoạch nhưng chẳng bịt kín được lỗ hổng. Có lỗ hổng, nhiều đơn vị cứ thọc vào lỗ để bòn rút trên nỗi đau người bệnh. Thành ra cái lỗ hổng là phải bịt lại thôi, không để người ta thọc vào mãi được. Đơn giản, Bộ Y tế và Tài chính quy định giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và không được cao hơn giá mà Bộ Y tế đã quy định. Nói lòng vòng, tức bảo rằng cứ thuốc nào rẻ là dùng. Muốn rẻ có rẻ, các doanh nghiệp dùng đủ thứ chiêu trò để có giá thuốc rẻ, kể cả làm thuốc rởm, kém chất lượng. Nói gì thì nói, ham rẻ là chết, lượng đổi thì chất đổi vậy thôi. Thành ra ra thông tư về thuốc, chứ bản thân bị thuốc là cái chắc rồi.
Não có vấn đề
Một thanh niên tại Đắk Lắk bị ngã đập đầu, chuyển vào bệnh viện tỉnh, được chẩn đoán 5 lần 7 lượt là chấn thương sọ não. Chấn thương sọ não, đương nhiên là phải ở khoa thần kinh, nhưng chẳng hiểu sao lại được trưởng khoa thần kinh chuyển qua khoa tim mạch. Trước khi chuyển sang khoa tim mạch, trưởng khoa thần kinh còn phán “đồ yêu, bệnh này tôi điều trị 3 ngày là dứt”. Sang khoa tim mạch, bác sĩ tim mạch bảo tim lẫn mạch không có vấn đề gì, còn chấn thương sọ não họ không biết trị. Nhây qua nhây lại một lúc, bệnh trở nặng, chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) thì đã quá muộn, bệnh nhân qua đời. Ô hay, chấn thương sọ não mà điều trị tim mạch là thế nào? Ông trưởng khoa thần kinh giải thích ra sao? Chắc chắn ông này não có vấn đề. Và chắc chắc thần kinh của ông cũng không bình thường. Thầy lang vườn là thế. Hỏi sao bệnh nhân lại cứ ùn ùn lên tuyến trên.
Sai quy trình
Hiệp hội Dừa VN vừa mới đề nghị UBND và HĐND TP. HCM phương án trồng dừa làm cây xanh trên các tuyến đường mới và tuyến đường dọc kênh rạch tại TP này. Nói chứ, muốn trồng đâu phải dễ? Phải gì gì mới trồng dừa chứ. Nhưng ngẫm lại, trồng dừa thấy cũng có cái hay, cây cao, bóng mát, lại có nước dừa để uống, cơm dừa để ăn. Có điều quả dừa mà rơi xuống phải người thì gặp vạ to. Cho nên, Hiệp hội Dừa trước khi muốn trồng dừa trên các tuyến phố, cần vận động hàng lang, lốp bi này nọ để thông qua chuyện tất cả mọi người khi tham gia giao thông đều phải đội mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm hiện chỉ bắt buộc với người ngồi trên xe máy, xe điện thôi. Giờ bắt tất cả khi tham gia giao thông đều đội mũ bảo hiểm, tức là từ người đi bộ cho đến người đi xe đạp cũng phải đội mũ, thì mới yên tâm mà trồng dừa vậy, không đội ăn dừa phải đầu ráng chịu. Cho nên, Hiệp hội Dừa làm sai quy trình rồi. Về xóa bài làm lại đi.
Tập cho quen
Hồi 2009, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 32 quy định một số vấn đề về kiểm dịch thực vật có nêu vấn đề kiểm tra hàm lượng formaldehyde, các admin thơm trên các sản phẩm dệt may. Thông tư chỉ ban hành tạm thời, nhưng kéo dài đến những 6 năm. Hậu quả là bất kỳ lô hàng nào xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đều phải tốn thêm tiền cho chi phí kiểm dịch, và đến nay các doanh nghiệp đã tốn tiền tỷ cho chi phí vô lý này. Thôi, có gì đâu mà vô lý, có vô lý cũng phải chấp nhận. Ở đời này, còn nhiều chi phí vô lý lắm, nói mãi có ai nghe đâu? Ví dụ như mua xăng dầu là phải chịu chi phí bảo trì đường bộ, trong khi mua xăng dầu có khi để sử dụng vào những việc chẳng liên quan gì đến đường bộ như chạy máy, chạy ghe, chạy tàu, đốt nhà, đốt xe, nướng khô mực... Hoặc trả tiền điện phải trả cả vào các chi phí xây sân golf, xây trụ sợ, khấu hao cho EVN... Thế nên, kêu làm gì. Tập dần cho quen.
Mối tình kỳ lạ
Chàng là chàng trai phương nam, đến vùng đất đèo heo hút gió làm ăn kinh doanh. Chẳng biết rù rì thế nào mà được cô gái địa phương cho cắm dùi, được mọi người trong địa phương yêu thương yêu quý. Đã yêu thì chiều, cả địa phương cùng nhau vận động chỉ sử dụng những sản phẩm do chàng cung cấp mà thôi, ra khuyến cáo từ trên xuống dưới, tuyệt đối không được dùng hàng của thằng khác. Thân phận tha hương cầu thực như vậy phải nói là viên mãn. Mối tình này, không đâu xa lạ, đó chính là mối tình giữa bia Sài Gòn – chàng trai phương nam và tỉnh Hà Tĩnh. Quả là men tình cũng say như men bia. Hay là TP. HCM kết nghĩa với Hà Tĩnh đi. Trước nước ta cũng có những địa phương kết nghĩa, giúp đỡ nhau hết sức trong sáng. Nay có thêm một cặp kết nghĩa nữa thì còn gì bằng. Hà Tĩnh cứ nhè bia Sài Gòn mà xài, còn TP. HCM cứ ra rả bài “đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”, quả là không có gì đẹp hơn thế.
Dự cho có
Dự Luật dân số đang gây ra nhiều tranh cãi với những quy định mới như cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, cấm lựa chọn giới tính thai nhi hay hỗ trợ các cặp sinh toàn con gái... Về hạn chế phá thai, thì có lẽ là đúng là nên làm. Chuyện hỗ trợ các cặp sinh toàn con gái thì cần xem lại? Tại sao chỉ là toàn con gái mà không phải là toàn con trai? Bình đẳng giới rồi mà? Nhiều vùng miền vẫn theo mẫu hệ đấy thôi. Rồi chuyện trước hỗ trợ cho họ vì họ sinh toàn con gái nhưng khi con gái của họ lớn lại biến thành con trai thì sao? Ở đây không kỳ thị gì cả nhưng có những trường hợp ấy thật, có thể do bẩm sinh, tới lớn mới chìa ra, hoặc do y học can thiệp. Luật có lường trước được chưa? Còn vấn đề giới tính thai nhi, thì quá khó. Dù có cấm thông báo giới tính, nhưng thiếu gì cách truyền tin nhau. Giả sử như muốn báo con trai hay con gái chỉ cần dùng vài câu ám chỉ là bác sĩ báo được ngay, khó bắt bẻ lắm. Dự luật này hãy còn mông lung lắm.
Tính trước cho chắc
Sau khi mở tung cửa cho thành lập hàng loạt trường đại học – cao đẳng trong cả nước, nay Bộ GD-ĐT lại phát biểu một câu xanh rờn rằng sẽ hạn chế thành lập các trường ĐH-CĐ. Có lẽ Bộ đã nhận thức được vấn đề trong chuyện bùng nổ đại học - cao đẳng. Trước nhất là trường càng nhiều thì chất lượng lại càng giảm. Cử nhân ra trường đông, nhưng có việc làm, và làm được việc đúng chuyên môn, chuyên ngành chẳng bao nhiêu. Tiếp theo là chuyện làm ăn chụp giựt, giành mối giữa các trường, vơ vét thí sinh để đảm bảo doanh thu... khiến giáo dục đại học thành như cái chợ, hay gọi một cách hàn lâm chút xíu là thị trường giáo dục bậc cao. Ở đâu chứ môi trường giáo dục sao có thể chấp nhận được chuyện chạy theo lợi nhuận, vơ vét, làm giàu từ người học. Thôi thì cứ rút kinh nghiệm. Nhưng phải dự đoán được trước nhu cầu của thị trường. Sau đợt bùng nổ trường đại học với hàng loạt cử nhân thất nghiệp, và do thất nghiệp chắc chắn sẽ lại tiếp tục có đợt bùng nổ nhu cầu học thạc sĩ, tiến sĩ, các trường lại chuẩn bị vơ vét các thí sinh này cho xem. Và sau đó, sẽ tiếp tục là bùng nổ Giáo sư, Phó Giáo sư... Bộ tính trước đi, để khỏi bỡ ngỡ.