Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai
Thế giới thiệt hại 72 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022
Thiên tai đã gây ảnh hưởng tiêu cực không biên giới đến mọi quốc gia, mọi người dân ở mọi địa hình, khu vực và không báo trước cho bất cứ ai. Thời gian qua, thế giới đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng, bão lũ, động đất với cường độ và mức ảnh hưởng hiếm có trong lịch sử làm gia tăng nỗi lo ngại về thời tiết cực đoan.
Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re mới đây công bố, thiên tai trên thế giới gây thiệt hại kinh tế ước tính tổng cộng 72 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Hệ thống thông tin về cháy rừng của Châu Âu (EFFIS) thông báo tính đến thời điểm giữa tháng 8/2022, mặc dù mùa hè ở Châu Âu chưa kết thúc nhưng hiện kỷ lục về các vụ cháy rừng ở khu vực này đã phá vỡ kỷ lục về số vụ cháy rừng với gần 660.000ha rừng bị phá hủy kể từ tháng 1/2022.
Tại Châu Á, Hàn Quốc mới đây đã phải đối mặt với trận mưa to lịch sử trong suốt 115 năm qua gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân Hàn Quốc nói chung và đối với Thủ đô Seoul nói riêng. Ngày 14/8/2022, Trung Quốc tiếp tục phát tin cảnh báo đỏ về nắng nóng, đây được coi là mức cảnh báo nghiêm trọng nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp độ theo màu của nước này. Tại Việt Nam, năm 2017 và 2020 ghi nhận nhiều đợt thiên tai và thiệt hại lớn về người và tài sản. Năm 2017 có 386 người chết và mất tích, thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng; năm 2020 có 357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.
Theo Ông Lê Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục PCTT), tổng hợp phân tích của các nhà khoa học cho thấy, mặc dù đã áp dụng các hệ thống cảnh báo tiên tiến hơn giúp giảm bớt thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế vẫn rất lớn. Bão, hạn hán, lũ lụt, sạt lở, động đất, sóng thần, cháy rừng và các hiện tượng nhiệt độ khắc nghiệt ngày càng gia tăng, gây ra thiệt hại lớn sẽ là thách thức lớn nhất đối với con người trong 10 năm tới, đặc biệt tại những nước kém phát triển.
Khung hành động Sendai khuyến khích sự vào cuộc của các bên liên cùng tham gia trong công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa. Sau khi Khung Sendai được công bố vào năm 2015 tại Nhật Bản, nhiều diễn đàn toàn cầu, cấp vùng trong nhiều khối hợp tác liên quan đến phòng, chống thiên tai đã thúc đẩy các hoạt động ứng dụng công nghệ để giảm thiểu ảnh hưởng đến cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Tại Việt Nam, từ khối các cơ quan quản lý nhà nước về thiên tai, thảm họa đến khối các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, khối các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học đến khối doanh nghiệp và cả các cộng đồng dễ bị tổn thương do thiên tai đều có những hoạt động thúc đẩy hợp tác nhằm tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học để tăng năng lực chống chịu cho cộng đồng.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Trong hợp tác ASEAN, Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đầu mối quốc gia, tham gia vị trí Phó chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) năm 2022. Tổng cục Phòng chống thiên tai là đầu mối quốc gia trong việc đồng quyết định với đại diện các nước thành viên trong tất cả các chương trình, hành động, dự án, nhiệm vụ quan trọng của ACDM, trong đó có hợp tác chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác đánh giá nhanh thảm họa trong ASEAN, chương trình đào tạo giảng viên về tiêu chuẩn và chứng nhận chuyên gia khu vực ASEAN về quản lý thiên tai (ASCEND), Chương trình công nghệ thông tin và truyền thông, cử đại diện tham gia Đồng chủ trì Nhóm công tác Lãnh đạo toàn cầu của ACDM cùng với Indonesia và Singapore.
Năm 2017, với vai trò nền kinh tế chủ nhà Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC, tại Hội nghị các quan chức cấp cao về quản lý thiên tai ở Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, Việt Nam đã cùng đại diện các nền kinh tế thành viên xây dựng, thống nhất thông qua "Khuyến nghị chung Vinh về tăng cường các hoạt động hợp tác để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong giảm thiểu rủi ro thiên tai", được Lãnh đạo các nền kinh tế APEC ghi nhận và đánh giá cao và chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ Khuyến nghị để lồng ghép thực hiện.
Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tái thành lập từ năm 2019 là một trong những hoạt động được các nhà tài trợ đánh giá cao. Thông qua các hoạt động chung như tổ chức các Đoàn đánh giá rủi ro và xác định nhu cầu sau mỗi đợt thiên tai để thực hiện các hỗ trợ, cứu trợ khẩn cấp. Văn phòng Đối tác thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thống nhất các hoạt động hỗ trợ tại các địa phương. Năm 2020, thông qua sự điều phối của Văn phòng đối tác, các tổ chức thành viên đã vận động, hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai bão, lũ với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 25 triệu USD.
Trong hơn 5 năm qua, đã có 8 dự án hỗ trợ kỹ thuật song phương, đa phương được các đối tác phối hợp với Tổng cục Phòng, chống thiên tai triển khai thực hiện, trong đó nhiều dự án hỗ trợ thúc đẩy khoa học công nghệ và các công cụ hỗ trợ kỹ thuật, ra quyết định như hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thiệt hại thiên tai, hỗ trợ cơ sở dữ liệu dân sinh kinh tế, lồng ghép giới trong phòng, chống thiên tai, hỗ trợ dựa trên cảnh báo sớm, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu tập trung vào trẻ em, hỗ trợ dựa trên cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro khu vực đô thị… của các đối tác từ Liên hợp quốc (UNDP, UNICEF, UNWOMEN, FAO, UNFPA…).
"Đặc biệt gần đây, Jica đã phối hợp với Tổng cục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao công nghệ đập Sabo nhằm giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi. Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục vận động, quản lý và triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác như: GCF, GIZ, APDC, UNPFA, CRS để thúc đẩy nhiều hợp tác hỗ trợ kỹ thuật khác trong công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam", Ông Lê Quang Tuấn nhấn mạnh.
Trận lũ lịch sử xảy ra vào đầu năm học 2020 - 2021 tại trường THCS Điện Quan, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã ký kết Biên bản hợp nhằm thúc đẩy ứng dụng thực tiễn từ sản phẩm, kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ/Nhà nước do các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chủ trì thực hiện. Đến nay, Tổng cục đang phối hợp với các Viện, Trường và các đơn vị chức năng của Bộ quản lý triển khai 15 đề tài cấp Bộ trên 5 nhóm chuyên môn sâu gồm: Chính sách, các tiêu chí đảm bảo an toàn thiên tai; An toàn công trình đê điều; Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; Giải pháp phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; Công cụ đánh giá thiệt hại do thiên tai. Quá trình nghiên cứu đã luôn bám sát, hỗ trợ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Tổng cục trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Đồng thời, quản lý xây dựng 14 tiêu chuẩn kỹ thuật và chủ trì xây dựng các định mức KTKT có liên quan đến hoạt động PCTT.
Với định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trên toàn quốc. Từ năm 2018 Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã đôn đốc, dồn mọi nguồn lực và quyết tâm xây dựng Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam (gọi tắt là VNDMS). Đây là hệ thống giám sát thiên tai và truy xuất kịp thời các thông tin theo nhu cầu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai, hỗ trợ ra quyết định của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai trên cơ sở tích hợp, phân tích dữ liệu và theo dõi trực tuyến theo thời gian thực với nhiều nhóm dữ liệu chuyên ngành - Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và kỹ thuật PCTT cho biết.
Hiện tại, VNDMS đã được phát triển trên giao diện Web và Apps sử dụng trên điện thoại thông minh, cảnh báo cho cộng đồng, kết nối tự động dữ liệu Bão, ATNĐ từ Trung tâm dự báo KTTV Trung ương; xây dựng giao diện đăng nhập cho các cơ quan PCTT, hỗ trợ hiệu quả công tác trực ban, giám sát thiên tai. Thay vì sử dụng các công cụ giao tiếp truyền thống, việc chia sẻ thông tin giữa cán bộ trực ban, cán bộ thuộc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp của tỉnh đã trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
Ngoài hệ thống VNDMS được hoạt động trên cơ sở trực tuyến, các công cụ hỗ trợ ra quyết định cũng đã được Tổng cục quan tâm, xây dựng, từng bước áp dụng và điều chỉnh phù hợp để phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trên toàn quốc như: Công cụ hỗ trợ điều hành liên hồ chứa kết nối với dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực của các hồ chứa đã được xây dựng trên nền tảng webgis, cùng với số liệu tính toán của 6 đơn vị tư vấn đã hỗ trợ hiệu quả vận hành liên hồ chứa theo quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công cụ quản lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển để hỗ trợ công tác đầu tư công trình phòng chống sạt lở, các bản đồ và camera trực tuyến theo dõi điểm xung yếu trên các tuyến đê trên toàn quốc.
Xác định ứng dụng công nghệ cảnh báo thiên tai là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, năm 2019, thông qua sự phối hợp giữa Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản và Đại học Feng Chia (Đài Loan), Tổng cục đã phối hợp, chỉ đạo cơ quan điều hành phòng, chống thiên tai tỉnh Lào Cai phối hợp triển khai lắp đặt Hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực được lắp đặt tại xã Bản Khoang, huyện Sapa. Hiện hệ thống vẫn đang hoạt động và phát huy tốt tác dụng cảnh báo cho cộng đồng dân cư xã bản Khoang.
Theo Ông Lê Quang Tuấn, hàng năm, Tổng cục thường xuyên tổ chức trao đổi chuyên môn về các giải pháp cảnh báo lũ quét và sạt lở đất với Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản để cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới, đồng thời chia sẻ với các đối tác của Việt Nam. Thông qua tổ chức Jica, Nhật Bản cũng đã chuyển giao 2 tiêu chuẩn của Nhật Bản về Quy hoạch và thiết kế công trình phòng, chống lũ bùn đá, gỗ trôi. Ngày 18/4/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1261/QĐ-BNN-PCTT về việc chấp thuận 2 tiêu chuẩn nêu trên trong các Dự án thí điểm xây dựng đập ngăn dòng bùn đá tại Việt Nam trong thời gian thí điểm là 6 năm (từ 2019-2024)./.