Tòa thành cổ bí ẩn "lẩn khuất bí ẩn" trong mênh mông một khu rừng già đẹp như phim ở Bình Định

Thứ ba, ngày 31/10/2023 18:50 PM (GMT+7)
Tồn tại giữa mênh mông rừng già, thành cổ Tà Kơn hội tụ những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định).
Bình luận 0

“Dấu tích” kỳ bí của đại ngàn

Theo già làng Đinh Chương (ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), Tà Kơn trong ngôn ngữ Ba Na có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau một cách rất lạ. 

Tòa thành cổ bí ẩn "lẩn khuất bí ẩn" trong mênh mông một khu rừng già đẹp như phim ở Bình Định - Ảnh 1.

Vẻ đẹp tuyệt mỹ của tòa thành cổ Tà Kơn mà thiên nhiên ban tặng cho đại ngàn huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định).

Quá trình xây thành, giữ thành Tà Kơn được kể lại bằng Hơ Mon (hát kể sử thi Ba Na) đắm màu huyền thoại. 

Một truyền thuyết cho rằng Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của 3 anh em, gồm 2 vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.

Một truyền thuyết khác về nguồn gốc của thành Tà Kơn gắn liền với nàng Hơ Bia xinh đẹp. Thần núi muốn cưới Hơ Bia làm vợ.

Nhưng thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái trông rất xấu xí nên Hơ Bia không hài lòng, yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lời cầu hôn. 

Thần núi đều vượt qua tất cả những lần thử tài nên hai người thành vợ chồng, cùng nhau xây dựng thành Tà Kơn.

Bên cạnh truyền thuyết của người Ba Na, có ý kiến cho rằng thành Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng nên. Khi 3 anh em nhà Tây Sơn chiêu binh mãi mã, người Ba Na hưởng ứng rất mạnh mẽ và họ đã cùng nhau dựng nên thành Tà Kơn làm cứ điểm bí mật…

Xưa, thành Tà Kơn là nơi cư trú và đã chứng kiến những trận chiến oai hùng chống lại các thế lực bên ngoài của dân làng. 

Thời kỳ lịch sử hiện đại, 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực thành Tà Kơn từng là hậu cứ của du kích và quân chủ lực huyện cho đến năm 1975. 

Vì những ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng, thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào ngày 25/12/2013.

Cũng theo già làng Đinh Chương, thành Tà Kơn là dãy núi đá được hình thành do quá trình phun trào của núi lửa vào thời kỳ Đệ tứ kỷ cách nay hàng triệu năm, quá trình nâng lên của bề mặt trái đất, đã tạo nên những cột đá có dáng hình học xếp liền kề nhau thành một bức tường dài 500 - 600m, cao 30 - 40m. 

Do bức tường đá chạy thành một vệt dài theo sườn núi giữa núi rừng núi đại ngàn hùng vĩ của Vĩnh Sơn nên ngày xưa gọi là thành, con người đã thổi vào những khối đá kỳ vĩ này sinh khí. 

Một sức sống nhân văn, một văn hóa cự thạch để đề cao tinh thần bất khuất chống xâm lược.

Tòa thành cổ bí ẩn "lẩn khuất bí ẩn" trong mênh mông một khu rừng già đẹp như phim ở Bình Định - Ảnh 3.

Tác giả giữa thành cổ Tà Kơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Phát triển tiềm năng du lịch vùng cao

Theo chân anh Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, chúng tôi tìm đến thành Tà Kơn.

Để đến được thành Tà Kơn là không dễ, do nó nằm trên núi cao gần 1.000m so với mặt nước biển, lại phải lặn lội vào tận rừng sâu.

Đường đến thành Tà Kơn là một lối mòn nhỏ, luồn lách trong những cánh rừng nguyên sinh thâm u, huyền bí. Có những đoạn bị cây rừng che kín phía trên khiến người ta có cảm giác như đang đi trong hang động nằm dưới đất sâu. 

Càng men vào rừng sâu, ánh sáng mặt trời tắt dần do lá cây âm u rậm rạp. Núi cao, mây thấp, núi đá, rừng cây càng khiến không gian như thu hẹp lại, con đường bê tông vừa nhỏ vừa đầy những ổ gà chạy ngoằn ngoèo giữa hai bên là cây rừng phủ kín.

Ấn tượng đầu tiên hiện ra trước mắt là bức tường thành cao gần 20m, dài hàng trăm mét gồm những phiến đá to bằng mặt bàn, có hình lục lăng, hình trụ chữ nhật... xếp chồng lên nhau theo một hàng thẳng đứng. 

Gần tường thành có những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ. 

Có một đoạn thành bị sập, đá đổ xuống ngổn ngang trên mặt đất. Ngay đầu tường thành có một hang đá sâu thẳm, tối om.

Nghỉ một lát, đứng ở nơi dừng chân, chỉ vào vách núi, anh Khánh bảo đó là thành Tà Kơn. 

Nhìn xuống, tôi chỉ thấy một phần của bức tường thành với những phiến đá phẳng, to bằng mặt bàn cỡ đại nằm chồng lên lên nhau thẳng tăm tắp như có ai xếp lên.

Thành Tà Kơn có mặt giữa đại ngàn Vĩnh Sơn. Từ nơi đặt tấm bia di tích, đôi chân chúng tôi bước xuống những bậc tam cấp được xây dựng kiên cố, rộng khoảng 2m, hai bên có 2 sợi dây to làm tay vịn, dẫn xuống tận chân thành. 

Đứng dưới chân thành, ngước mắt nhìn lên, bức tường thành kỳ vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi với những phiến đá xếp lên nhau sừng sững với thời gian.

Theo anh Đinh Khánh, việc thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích đã góp phần quan trọng trong việc nối kết chuỗi du lịch lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên tuyến hành lang dọc Quốc lộ 19 từ hệ thống tháp Chăm Quy Nhơn, Tuy Phước, Bảo tàng Quang Trung, khu du lịch sinh thái Hầm Hô, Bảo sơn Thiên ấn và lên thủy điện Định Bình, Vĩnh Sơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ rừng đầu nguồn xung yếu.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành cho biết: “Đường vào thành Tà Kơn giờ đã được bê tông hóa, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, đây là lợi thế để Vĩnh Thạnh phát triển du lịch sinh thái. 

Ngoài điểm nhấn là thành Tà Kơn ở làng K8, Vĩnh Thạnh còn có vườn cam Nguyễn Huệ ở làng K2 xã Vĩnh Sơn; động Hang Dơi, suối Tà Má, công trình thủy điện Vĩnh Sơn, hồ chứa nước Định Bình… mỗi nơi có vẻ đẹp hoang sơ riêng. 

Ngoài ra, Vĩnh Thạnh còn có những lễ hội, những bài hát Hơ Mon, nhạc cụ dân tộc, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, có vườn hoa anh đào và những lễ hội, những bài hát Hơ Mon, nhạc cụ dân tộc, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, có vườn hoa anh đào và những vườn rau ôn đới. Đó là những “món ăn” tinh thần độc đáo của núi rừng mà người miền xuôi không có…”.

Thiên Trúc (Báo Dân tộc và Phát triển)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem