Truyện dự thi: Kẻ ngụ cư

Trần Thanh Cảnh Chủ nhật, ngày 26/04/2020 07:00 AM (GMT+7)
Đấy là lời người làng Ma nói. Về Tuấn. Nguyên do Tuấn dạo này lại sinh chuyện muốn đi làm trang trại ở dưới cánh đồng Năm Cây.
Bình luận 0

Sướng quá hóa rồ!

Đấy là lời người làng Ma nói. Về Tuấn. Nguyên do Tuấn dạo này lại sinh chuyện muốn đi làm trang trại ở dưới cánh đồng Năm Cây. Làng Ma vốn có cánh đồng khá rộng. Gọi là đồng Năm Cây. Bởi xưa ở cái gò giữa cánh đồng có năm cây sanh cổ thụ, thời hợp tác xã người ta đã đốn làm củi đốt lò gạch mất rồi. Ngày xưa dân làng Ma cũng làm ruộng, mặc dù các việc đa số họ thuê người các nơi đến làm, tới mùa chỉ thu thóc đổ bồ ăn dần. Từ ngày nghề hàng mã phát triển, cả làng cả phố thi nhau buôn bán kiếm tiền chả ai buồn nghĩ đến cấy lúa nữa. Không phải là họ không còn ăn cơm, mà giờ dịch vụ đến tận nơi: Gạo ngon các kiểu từ Điện Biên mang xuống, từ trong Nam ra, từ Thái Lan sang. Đưa đến tận cửa, bê vào tận thùng gạo mỗi nhà. Mà tiền gạo có đáng là bao so với thu nhập đâu. Thế nên chả ai buồn đi cày cấy hay quan tâm đến mùa màng nữa. Họ bảo nhau, cứ có tiền là có tất! Thành ra ruộng làng Ma tự dưng bỏ hoang. Cả cánh đồng Năm Cây xưa lúa tốt bời bời nay cỏ lăn cỏ lác mọc um tùm. Chính quyền thấy thế bèn phát loa thông báo cho thuê đất để làm trang trại. Hỏi ý kiến nhân dân, đồng tình cả.

Truyện dự thi: Kẻ ngụ cư - Ảnh 1.

Minh họa của họa sĩ Vũ Long Bình

Tuấn trong một lần đi du lịch xuyên Việt, vào thăm một trang trại nuôi cá sấu nước ngọt trong Nam. Nghe tay chủ giới thiệu, ngắm cơ ngơi của hắn, Tuấn mê quá. Rắp tâm học theo. Cái con cá sấu xù xì gớm guốc kia nhưng lại là một kẻ rất quan trọng trong chuỗi sinh học. Nó ăn tất cả các loại có nguồn gốc động vật, kể cả xác chết. Nó dọn sạch môi trường. Bây giờ không còn cá sấu hoang dã nữa, chỉ là cá sấu nuôi từ những phụ phẩm của công nghiệp thực phẩm, của chăn nuôi, của đời sống. Thức ăn để nuôi chúng không tốn kém gì, dễ kiếm. Mà sản phẩm thịt, da của chúng lại thuộc hàng cao cấp, có thể chế biến để xuất khẩu. Tay chủ trang trại là một gã đàn ông Nam Bộ phong trần phóng khoáng điển hình. Thấy Tuấn say mê tìm hiểu về con cá sấu và kể đã học chuyên ngành sinh học môi trường, gã mở lòng tâm sự với Tuấn nhiều chuyện. Hắn bảo: “Tuy tôi chỉ là chủ trang trại nuôi một con vật xấu xí, nhưng con vật tưởng như ghê gớm này lại cung cấp cho cuộc sống của chúng ta những sản phẩm hữu dụng: Thịt chúng ăn ngon, da chúng thuộc làm đồ cao cấp. Suy cho cùng, một khi tạo hóa đã cho ra cái gì, vật gì, loài nào trên đời này đều có ý cả. Vấn đề là mình phải tìm ra ý nghĩa đó. Tôi luôn tự hào mình làm một việc có ý nghĩa là, từ một con vật tưởng như một sự hủy diệt khủng khiếp với cuộc sống con người, lại tạo ra những sản phẩm phục vụ nâng tầm cuộc sống chúng ta tốt đẹp lên. Điều đó làm cho cuộc sống của cá nhân mình có ý nghĩa. Bởi suy cho cùng, cuộc đời chúng ta đâu chỉ có kiếm miếng ăn. Thế thì đơn giản quá. Chúng ta là con người, có cả cuộc sống tinh thần và vật chất song hành. Có tư duy. Nên phải nghĩ đến việc mình đã đóng góp gì cho cuộc đời. Vậy mới đáng sống làm người ở đời”.

Kể từ buổi gặp gỡ đó về, Tuấn suy nghĩ mãi. Suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời mình. Sinh ra, lớn lên, đi học, xây dựng gia đình, kiếm tiền nuôi con xây nhà... Ý nghĩa cuộc đời ở đâu? Khi con người ta còn bị câu thúc bởi những lo lắng miếng cơm manh áo để tồn tại hàng ngày, chưa nghĩ được đến những điều cao cả. Nhưng khi những nhu cầu cá nhân đã đầy đủ, thậm chí dư thừa thì người ta phải nghĩ đến những gì cao hơn nhu cầu bản năng, như một lẽ dĩ nhiên. Tuấn hiểu điều đó. Ngày xưa lúc còn đang đi học, Tuấn đã được một ông giáo sư giảng cho nghe về “Tháp Maslow”. Tuấn thấy tâm đắc. Mải kiếm ăn để đáp ứng tầng thấp nhất của cái tháp cuộc đời kia, Tuấn cũng chả nhớ đến những lời ông thầy mình giảng khi xưa nữa.

Thế nhưng sau buổi gặp với gã chủ trang trại Miền Nam, Tuấn bỗng dưng nhớ lại cái mô hình tháp Maslow và bài giảng của ông thầy năm ấy. Tuấn bắt đầu tự vấn mình. Và Tuấn hơi hoảng hốt. Mình đang làm gì thế này? Mình đang “cống hiến” cho xã hội những sản phẩm gì? Những sản phẩm mình làm ra không góp gì vào văn minh tiến bộ mà hình như nó còn góp phần đẩy sâu dân tình vào thói u mê mông muội, mê tín dị đoan. Làm ngu dân đi. Rồi cả tàn phá môi trường nữa. Giấy, tre, nứa... chế thành vô vàn là voi, ngựa giấy, vàng thoi thuyền thỏi, nhà lầu xe hơi, áo quần mớ ba mớ bẩy... Rồi xì sụp cúng vái. Rồi một mồi lửa. Ra tro cả. Vô nghĩa lý. Tuấn thấy công việc của mình thật sự vô nghĩa. Sản phẩm mình làm ra không có ích lợi gì cho đời sống con người. Tuấn hoảng hốt. Tuấn trằn trọc trong đêm không ngủ được. Quay sang nhìn Hương, dưới ánh đèn ngủ mờ mờ, gương mặt xinh đẹp viên mãn no đủ, đôi môi mọng đỏ đang he hé như mỉm cười. Hình như Hương đang trong giấc mộng đẹp... Tuấn lay lay người vợ. Hương mở choàng mắt ra: “Vừa một tăng xong mà đã muốn nữa rồi à? Để sớm mai dậy em chiều. Em ngủ lấy một giấc mai còn có sức bán hàng chứ.” “Không. Anh muốn nói chuyện.” “Thôi, chuyện gì để nói sau, em ngủ đã”. Nói rồi Hương xoay mình quay lưng lại chồng ngủ tiếp, để mặc Tuấn với những suy tư của mình...

Trằn trọc hồi lâu, gần sáng Tuấn cũng thiếp đi trong mệt mỏi. Tuấn thấy một mình trong đêm trăng xuông, đi lang thang vô định trên phố Đông Mai. Con phố chạy giữa làng Ma ngày thường tấp nập nhộn nhịp xe pháo hàng họ là thế, mà nay vắng lặng. Lạnh lẽo. Con phố trở nên dài thăm thẳm. Tuấn đi mãi mà không tìm về được đến nhà của mình. Rồi những ngôi nhà quen thuộc hai bên đường bỗng dưng cao vọt lên. Chồng chất lên nhau những biệt thự xanh đỏ tím vàng. Ngất nghểu. Cao vút. Cao mãi lên. Tuấn há mồm kinh ngạc không nói được. Những ngôi nhà chồng chất toàn đồ mã, nào xe ôtô đời mới, tivi tủ lạnh, vàng thoi thuyền thỏi, quần áo mớ ba mớ bẩy, ngự trên đó là những cô những cậu mặt lai xanh đỏ tím vàng. Những cô osin váy ngắn ngồi trong biệt thự, thè những cái lưỡi đỏ lòm dài thượt ra nháy mắt trêu chọc Tuấn.

Tuấn hoảng sợ, co chân chạy. Chạy mãi. Chạy mải miết. Vẫn không tìm thấy nhà mình đâu. Mà con phố vẫn cứ hun hút như vô tận. Những cô osin váy ngắn mi đen cong vút, lè những cái lưỡi đỏ dài mềm lạnh giá ra cuốn quanh người Tuấn. Níu lại. Bó cứng. Tuấn hoảng hồn, cố hết sức giãy giụa vùng mình chạy trốn. Nhưng chân díu lại không nhấc lên nổi. Bỗng những căn nhà cao ngất chứa đầy đồ đạc hai bên đường rùng rùng đổ ập xuống, như trong phim thảm họa Tuấn vẫn hay xem trên tivi. Những nhà cửa, đồ đạc, những cô những cậu, những nàng osin váy ngắn xanh đỏ trùm lấp lên người Tuấn. Chồng chất. Đè nén. Áp bức. Ngạt thở. Tuấn gào thét vùng vẫy kêu cứu...

Hương chồm dậy túm vai lay chồng dữ dội: “Anh làm sao thế?” Mất một lúc mới định hình được khuôn mặt quen thuộc của vợ. Tuấn bảo: “Anh gặp ác mộng.” Hương nhìn Tuấn nghi hoặc, sao lại ác mộng được? Với Hương, cuộc đời đang rất ổn, nhà cao xe đẹp, tiền thu về nhiều. Thích ăn thích chơi cái gì đi đâu tùy ý. Vợ chồng đang tuổi sung sức, cứ tối đến là làm một tăng, thỏa mãn. Xong là ngủ say. Sáng sau thấy hứng thì làm tăng nữa, chào buổi sáng. Rồi dậy mở cửa bán hàng thu tiền, hứng khởi véo von cả ngày. Sao phải ác mộng làm gì?

Nhưng Tuấn cứ ngày càng đắm chìm vào những suy tư của mình. Dạo này Tuấn chăm lên mạng đọc tin tức và xem tình hình thế giới. Mà thế giới hình như ngày càng hỗn loạn rối ren hơn. Đánh giết nhau, xung đột, chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói nghèo... loạn hết cả lên. Tuấn càng suy nghĩ tợn. Nghĩ cả về thân phận con người, nhiều lúc thấy thật vô nghĩa và nhỏ nhoi. Con người sinh ra, sống ở đời vì cái lẽ gì mà cứ phải tranh giành lừa gạt, cướp bóc, giết chóc lẫn nhau. Vì lẽ gì? 

Thế rồi đang trong những ngày đêm mông lung dằn vặt suy tư về cái lẽ đời, thì có lời kêu gọi của chính quyền đấu thầu khu đồng Năm Cây làm trang trại. Chả là dân và chính quyền đều nhất trí, cho ai đó thuê rẻ trồng cấy chi đó cũng còn hơn là bỏ hoang. Một cánh đồng vốn ngút ngàn lúa rau tốt bời bời, nay thành ra hoang hóa cỏ mọc thì quả thật cũng chối. Nhìn rất nhức mắt.

Trong một phút giây như là sự đốn ngộ, Tuấn thấy có một khoảng trời mở ra trước mắt mình. Cái ý đồ xây dựng một trang trại nuôi cá sấu và xưởng chế biến sản phẩm mỹ nghệ tiêu dùng trên cánh đồng bỏ hoang kia lóe sáng. Tuấn đem ý đó bàn với Hương, bị phản đối kịch liệt. Nói chuyện với hai gia đình, cũng chẳng ai ủng hộ. Tâm sự với bạn bè cùng trang lứa trong phố trong làng cũng không ai đồng tình. Ai cũng bảo, ngồi mát đếm tiền chả sướng, ra cái cánh đồng hoang đào đất làm cái gì cho nhọc người.

Tuyệt vọng. Hầu như bị đẩy đến chân tường. Nhưng Tuấn không từ bỏ.

Tuấn bảo Hương: “Nếu em mà không ủng hộ anh làm trang trại là anh đâm đơn ly hôn em, lấy nửa tài sản đi xây sự nghiệp. Làm thằng đàn ông ở đời phải có sự nghiệp của mình. Sự nghiệp đời anh không thể là bán đồ giả lấy tiền thật mãi được!”.

Đến nước ấy thì Hương chịu thua. Vua cũng thua thằng cùn. Vả lại, Hương yêu Tuấn lắm. Tình vợ chồng đang mặn nồng thắm thiết. Hương nghĩ, số tiền Tuấn yêu cầu để bỏ ra đầu tư ban đầu vào trang trại cũng chả bao nhiêu so với tài sản mà nhà có. Bởi đất bỏ hoang nên chính quyền cho thuê giá rẻ như bèo. Còn nhà cửa vườn chuồng thì làm dần, mở rộng ra sau. Thôi chiều chồng cho êm cửa êm nhà. Chỉ có điều là Hương quyết không đóng cửa đại lý hàng mã mà theo Tuấn xuống ở giữa cánh đồng được. Kiên quyết không. Điều này thì Tuấn đồng ý. Tuấn bảo: “Chỉ lúc đầu vất vả thôi, chứ sau này khi trang trại đi vào hoạt động hoàn chỉnh rồi thì anh sẽ nhàn hơn mà. Vẫn có thời gian dành cho vợ con”.

 Thế là Tuấn bắt tay vào lập trang trại nuôi cá sấu.

Đang từ một tay công tử phố Đông Mai ăn trắng mặc trơn, ra đồng Năm Cây lập trại, chỉ một tháng sau, Tuấn thành một ông nông dân chính hiệu. Da bắt nắng đỏ như đồng hun, tóc tai chân tay xơ xác toàn mùi bùn. Nhưng tinh thần thì hứng khởi lắm, không còn u uất ủ dột như xưa nữa.

Hương nhìn chồng: “Anh ở dưới đó mãi không cẩn thận về chó nhà nó cũng không nhận ra hơi, cắn cho nát đít đấy!” “Miễn là vợ vẫn nhận ra chồng là được!” “Cứ đi biền biệt thì chưa biết mất... hơi lúc nào đâu!” “Hay là buổi tối đóng cửa hàng xong, em xuống trại ngủ với anh, ôm nhau giữa cánh đồng lộng gió, đã lắm!” “Thôi. Tôi không dở như ông. Người chả muốn gần lại gần mấy con cá sấu kinh dị!” “Thì thôi. Nhưng hẵng lên phòng cho anh tranh thủ ôm cái, xong còn phải xuống trông trại. Nhà bao việc!”.

Hương lườm Tuấn: “Lần này thôi nhé. Tôi không thích cái kiểu vợ chồng đàng hoàng mà cứ phải tranh thủ như ăn vụng thế này. Tôi muốn yến tiệc mâm bát đàng hoàng kia”. “Được rồi, mọi việc vào nền nếp là tối anh lại về ngủ với mình”.

Công việc ở trang trại cá sấu của Tuấn tiến triển rất thuận lợi. Được ông bạn Miền Nam hỗ trợ giống vốn kinh nghiệm lúc đầu. Tuấn lại lên mạng tìm đọc tất cả các thông tin về giống vật này. Rồi thực hành. Có thành công có thất bại. Nhưng thành công nhiều hơn. Tuấn dần trở thành chuyên gia nuôi cá sấu lúc nào không biết. Từ vài đôi cá giống đực cái, Tuấn đã nhân ra thành cả một trang trại hàng mấy ngàn con nuôi trong các bể được xây cất chính quy chắc chắn đúng quy chuẩn. Sắp đến lứa thu hoạch lớn lại phải xây cất tiếp xưởng mổ thịt, chế biến da. Từ một mình vừa chủ vừa tớ, Tuấn đã phải thuê mấy chục lao động làm cùng mình. Lại phải thường xuyên đi tìm kiếm ký kết hợp đồng mua thức ăn cho cá và tiêu thụ sản phẩm. Công việc nhiều quá, có lúc Tuấn hầu như quên bẵng là mình còn có vợ con, gia đình nội ngoại trên phố.

* * *

Tuấn và Hương là người làng Ma.

Cùng ngõ xóm, nhà cách nhau mấy chục bước chân. Làng Ma có tên chữ là làng Đông Mai kia, thế nhưng chả mấy ai gọi vậy, người ta toàn nói tắt, tôi người làng Ma, họ dân làng Ma... cho nhanh. Còn tại sao gọi là làng Ma, ấy là do làng này chuyên nghề hàng mã, họ sản xuất một thứ hàng hóa chỉ dùng cho các hồn ma, nên dân tình xung quanh gọi luôn là làng Ma, thế thôi. Dân làng Ma vốn thực dụng nên cũng chẳng lấy đó làm điều. Sao cũng được, miễn là tiền thật vàng thật, hàng ngày bỏ két đều là ổn. Còn cái tên chính thức: Làng Đông Mai, chắc chỉ xuất hiện khi làm giấy tờ và trên cái dòng chữ đắp nổi ở cổng làng.

Tuấn và Hương bằng tuổi nhau nên cùng học từ thuở bé. Đến khi xong trung học lại cùng ra Hà Nội học đại học. Tuấn bên Đại học tự nhiên còn Hương học Thương mại. Những lần về quê họ hay hẹn nhau cùng ra bến xe bus. Thế rồi bạn bè, người làng chả biết họ yêu nhau lúc nào. Nhưng Tuấn và Hương thì biết rõ. Chẳng là một hôm đi ra trường trên chuyến xe chiều tối Chủ nhật. Xe đông, toàn sinh viên ra ngoài đó học.

Tuấn và Hương đến muộn chả còn chỗ ngồi nên đứng giữa xe, cạnh nhau. Mà thanh niên nam nữ đi xe bus thường ít khi được ngồi, nên nhiều khi họ cũng chọn đứng luôn cho tiện, khỏi phải đứng lên ngồi xuống nhiều, mỏi hơn. Họ đứng quay mặt vào nhau, nói chuyện. Những câu chuyện bất tận của tuổi trẻ sinh viên xa nhà, làm cho quãng đường mấy chục cây số có cảm tưởng được rút ngắn lại. Tuấn khá cao to, vượt Hương đến nửa đầu nên khi đứng quay mặt vào nhau, thân hình nam nhi của Tuấn như nuốt trọn cái vẻ liễu yếu đào tơ của Hương. Chuyến xe chiều ấy hầu như đón khách toàn sinh viên về nghỉ cuối tuần rồi ra nên rất đông, xe nặng. Mà đường đi lại mất một quãng khá dài người ta đang sửa lại quốc lộ, đào bới đất đá lung tung cả. Cái xe bus cũ kỹ gầm thấp ành ạch bò, ngả nghiêng lượn như thằng say rượu cố vượt nhanh qua quãng đường xấu. Lúc thì nó tăng ga đột ngột đẩy người trên xe dúi dụi về phía sau. Lúc nó phanh gấp để tránh một cái ổ trâu lại khiến cho mọi người nhao hết về phía trước. Tuấn và Hương vốn đứng quay mặt vào nhau chuyện trò, đến quãng đường xấu thì ngoài trời cũng vừa sập tối. Đèn trong xe cái còn cái mất, mờ ảo, chả rõ mặt người. Những cú tăng ga lôi kéo đánh lái của tay tài xế bus khiến cho hai đứa thỉnh thoảng lại đổ ập vào nhau. Họ cười rinh rích cùng cả đám sinh viên trẻ. Chợt nhìn nhau hơi xấu hổ. Và rồi có một cảm giác lạ lẫm dần dâng lên trong lòng, sau những cú va chạm thân thể thụ động bất khả kháng. Thinh thích. Họ vốn chơi thân với nhau từ xưa, nhưng là một tình bạn trong sáng như hai thằng bạn trai hay hai cô bé gái vẫn chơi cùng nhau. Thỉnh thoảng có nắm tay cấu sườn nhau cũng chả thấy gì. Thế nhưng tối ấy trên xe thì khác. Trời mùa hè, cả hai đều mặc áo pull. Dưới làn áo mỏng là hai thân hình trẻ trung căng tràn nhựa sống. Xe đông và đường xấu khiến họ bị dồn ép vào nhau. Sát sạt. Cảm nhận được cả hơi thở nóng hổi của nhau đang mơn man mơ hồ.

Chiếc xe bus bỗng rú máy vọt khỏi cái con đường đào dở để lên đoạn đường lành. Giật mạnh. Lại dúi dụi vào nhau. Tiếng rú rít, tiếng cười khoái trá của nam nữ tranh thủ trêu nhau rộn rã trong xe, như tiếng reo chào tạm biệt cái chặng đường ngắn khổ ải. Khi ấy, thân thể của Hương lại đổ ập áp sát vào người Tuấn, bộ ngực thanh tân rắn chắc của Hương dập một cái chí tử, đến mức Tuấn cảm nhận được hai đầu vú của Hương chọc vào da thịt mình. Như có luồng điện cực mạnh truyền sang, phần thân dưới của Tuấn bừng vọt dậy một cách bất trị. Tuấn luống cuống nghiến răng gồng tay, dạng chân đứng cố thẳng người trước lực quán tính và trọng lực thân thể Hương. May xe đông chật ních và ánh đèn trong xe không đủ để ai thấy cái chỗ dưới cạp quần của Tuấn đang cộm hết lên. Thế nhưng thêm một cú tăng ga sang số nữa của tay lái xe tinh quái, đẩy Hương dúi tiếp vào người Tuấn. Lần này thì Hương lọt hẳn vào lòng Tuấn. Nóng hổi. Êm ái. Râm ran. Đê mê.

Trong vô thức họ rướn sát vào nhau. Áp chặt. Chỉ vài giây thôi. Nhưng cũng đủ để trong hai có cái gì đó nổ tung râm ran. Chiếc xe bus trở lại chạy êm ái bình thường trên đường nhựa, họ ý tứ muốn lùi ra xa nhau chút. Nhưng không thể. Bởi xe đông. Và bởi một lực hút vô hình đã gắn chặt họ vào nhau. Ánh mắt họ chợt nhìn nhau mê say đắm đuối khát khao. Họ nhìn người bạn thân quen lâu năm của mình bằng một ánh mắt khác lạ. Từ phía đối diện như có vầng hào quang tỏa ra, lung linh. Đẹp đẽ hấp dẫn lạ thường. Họ cảm thấy không thể rời nhau ra được nữa. Họ quên là đang trên xe bus đông người, quên mọi ngượng ngùng e thẹn giữ ý. Vả lại ánh đèn mờ ảo trên xe bus chật ních đã xô đẩy đồng lõa, khuyến khích họ. Họ rướn người sát vào nhau, đầu Hương gần như gục vào vai Tuấn. Họ cùng dại người đi. Dính chặt. Mê man… Kết quả là xuống xe bus, họ chạy thẳng về phòng trọ của Hương.

Chuyện Tuấn và Hương yêu nhau, hai nhà đều thấy chả có gì lạ. Coi như một lẽ dĩ nhiên. Bởi hai nhà đều đã thấy đôi trẻ thân thiết nhau từ bé, chuyện chúng nó yêu nhau, cũng bình thường như muôn vàn đôi lứa khác ở trong làng mà thôi.

Còn chuyện mới đang năm thứ hai, hai đứa đã về nhà báo cáo gia đình, xin làm đám cưới vì cái bụng Hương lùm lùm lên rõ thì, dân làng Ma cũng chẳng lấy gì làm bất ngờ lắm. Bởi tuy dân làng này làm một cái nghề kiếm sống rất chi là âm lịch, nghề hàng mã. Nhưng họ lại khá tân tiến và cập nhật trong lối sống. Họ cho rằng bây giờ thời buổi hiện đại, nam nữ bình đẳng, cái chuyện mà cô dâu mất trinh trước khi cưới, bị nhà chồng bắt bê thủ lợn mang về nhà là quá lạc hậu rồi. Giờ con trai đứa nào lại kêu ca vợ mất trinh, còn bị cười cho thối mũi. Họ cho rằng, để chắc ăn, cứ phải chửa rồi mới cưới. Thậm chí, đẻ xong vài đứa rồi cưới cũng chả sao. Thế nên thanh niên nam nữ nó tìm hiểu, yêu nhau, rồi vô phép các cụ nó đánh nhắm xôi thịt trước cũng chả sao, ok tất! Miễn là sau này cuộc sống gia đình hạnh phúc, kinh tế phát triển là được. Bởi người làng Ma xưa nay vốn rất coi trọng việc phát triển kinh tế, làm giàu.

Tuấn và Hương cưới nhau xong, thuê nhà trọ, đẻ con, vẫn tiếp tục đi học. Hai bà nội ngoại thay nhau ra trông cháu nuôi con. Được cái cả hai nhà dịp này đều kinh tế phát triển, nghề hàng mã khởi sắc nên có điều kiện. Mà chả cứ hai nhà, cả làng Ma dịp này đều phát triển. Con đường cái chạy giữa làng xưa lát gạch nghiêng, hai bên là hào chứa nước mưa chảy thông ra ngoài ao đầm xung quanh làng, nay đã được quy hoạch lại, làm cống, đổ đường, dựng cột điện cao áp. Bỗng nhiên đường làng rộng rãi khang trang sáng sủa hẳn. Các nhà cạnh đường bèn xây nhà bám theo, con đường khấp khểnh giữa làng xưa thành phố. Phố Đông Mai. Cả xã, cả huyện, cả tỉnh không có con phố nào đông đúc tấp nập như thế. Nhất là vào những dịp gần rằm tháng Bảy và cuối năm âm lịch. Đó là hai dịp mà dân tình tế lễ đốt nhiều đồ hàng mã. Từng đoàn xe tải lớn nhỏ đỗ đóng hàng chật kín hai bên đường để chuyên chở đi các nơi. Xe đi, hàng đi, tiền đổ về. Người làng Ma giàu lên vùn vụt. Thì cái nghề bán tiền giả, đồ giả lấy tiền thật sao mà chả nhanh giàu.

* * *

Thật ra từ xa xưa, làng Ma không làm hàng mã.

Cha ông cụ kị dân làng Đông Mai vốn có một cái nghề rất thanh lịch là làm tranh. Họ in tranh từ các bộ ván khắc gỗ, chở đem đi bán khắp nước. Họ lấy gỗ từ cây thị, mềm và dai, khắc thành các bộ tranh khác nhau. Mỗi bức tranh là một bộ ván khắc. Tranh có bao nhiêu màu thì sẽ có bấy nhiêu cái ván. Bốn màu bốn ván riêng, năm màu thì năm ván riêng. In lần lượt từng màu trên giấy điệp sẽ thành một bức tranh hoàn chỉnh: Tùng-cúc- trúc-mai, Xuân- Hạ - Thu - Đông, chăn trâu thổi sáo, đám cưới chuột, đàn lợn âm dương, đánh ghen...

Rất nhiều loại tranh. In hàng loạt, xếp vào các bị cói đưa xuống thuyền chở theo sông Thiên Đức chuyển đi bán các nơi. Màu của tranh Đông Mai làm bằng các thứ tự nhiên quanh ta: Màu vàng từ cây hòe, cây vàng đắng. Màu đỏ từ gạch non, son núi. Màu xanh từ lá chàm. Màu đen từ than rơm. Màu trắng từ vỏ sò điệp... Những bức tranh làng Đông Mai đã làm cho những gian nhà nghèo khó thôn quê xa xưa trên nước Việt, tết đến xuân về vui rộn con mắt. Năm nào xuân ấy, năm trâu thì có tranh con trâu hiền hậu bạn của nhà nông. Năm gà thì con gà trống oai hùng đang gân cổ gáy gọi mặt trời... Dân cả vùng coi việc đi chợ tết mua một bức tranh làng Đông Mai về dán trên vách cho vui nhà, như một việc cần thiết phải làm để đón xuân.

Thế nhưng đến dịp cách đây chưa xa, bỗng nhiên sắp đến tết có cả loạt, cả núi tranh ảnh in màu sặc sỡ, đẹp, bắt mắt và rẻ như bèo từ bên kia biên giới đổ về tràn ngập các chợ quê khắp vùng. Người dân quê thấy rẻ lại đẹp, thế là đổ xô quay sang mua tranh nước ngoài về  dán tường đón xuân. Họ thốt nhiên thấy cái thứ tranh quê mùa của làng Đông Mai mới thô vụng và xấu xí làm sao. Tranh làng Đông Mai ế chỏng, chả ai mua. Làng mất tết. Thì tranh không bán được lấy đâu ra tiền sắm tết. Năm ấy cả làng héo hon sầu thảm, tết đến xuân về mà xơ xác như vừa có cơn bão lớn quét qua. Người lớn trẻ con nhìn nhau u ám.

 Nhưng người làng Ma vốn năng động chứ không bó tay chịu chết bao giờ. Họ cảm nhận ngay được rằng cái thời của nghề tranh pháo dân gian đã hết. Công nghệ in màu hiện đại 3D, 4D ra đời đã bóp chết cách in tranh thủ công khắc ván. Họ cần phải tính toán lại cách làm ăn. Và họ dần xoay sang nghề làm hàng mã. Hình như họ đã nắm bắt đúng xu thế thời cuộc. Thế rồi làng lại phất lên.

Bởi khi dân làng Ma tự động chuyển đổi nghề nghiệp, ấy là khi nước mình cũng bắt đầu đổi mới. Đổi mới bắt đầu bằng tư duy, tinh thần. Xưa vô thần, cho là vật chất quyết định ráo, chả phải thờ cúng ông bà nào. Thì nay đổi mới nghĩa là ngược lại, hữu thần. Thờ đủ các thể loại thánh thần bà cô ông mãnh. Từ các bậc anh hùng vị quốc vong thân, ông thành hoàng có công lập làng, cho đến thần cây đa ma cây gạo cú cáo cây đề... đều được lập lại bát hương, xây đền phủ đình miếu thờ tất. Thờ thần thì phải cúng lễ. Lễ thì phải có hương đăng, hoa quả rượu thịt đã đành. Mà còn phải biện ít đồ mã quần áo, tiền vàng, ngựa xe... Trần sao âm vậy, để xong thì “hóa” gửi theo các thần về thế giới bên kia chi dùng. Thế là nghề hàng mã khởi sắc và phát triển. Cứ phát lên mãi cùng với kinh tế bùng nổ sau bao năm kìm hãm. Cùng với tốc độ xây cất đền đình chùa chiền miếu phủ sau một thời đập phá bỏ quên. Bởi sự đời phú quý sinh lễ nghĩa. Xưa nghèo khó vặt mũi đút miệng chả xong ai còn nghĩ được xa hơn cái bụng. Nay có của ăn của để rồi, giàu rồi, dân tình nghĩ rằng mình chẳng bỗng dưng mà được no cơm ấm áo, chính là do tổ tiên ông bà thần thánh đã khuất phù hộ độ trì. Thế nên phải năng cúng vái đi lễ khắp các miếu phủ. Khắp vùng khắp nước đền thờ chùa chiền miếu phủ mở ra tưng bừng, hương khói ngút ngàn quanh năm. Vàng mã đốt như hỏa diệm sơn. Dân làng Ma bán được nhiều hàng mã, làm không kịp. Họ bèn thuê người đến làm. Dân quanh vùng cũng tranh thủ làm lúc rỗi rãi nông nhàn rồi đem lên làng Ma gửi bán. Làng Ma trở thành đại lý buôn bán hàng mã đi các nơi. Phố Đông Mai thành phố bán buôn hàng mã lớn nhất nước. Người làm thì lấy công làm lãi, người làng Ma mua tận gốc bán tận ngọn tha hồ lãi. Lãi mẹ lãi con lãi cháu lãi chắt, vào túi hết. Người làng Ma giàu lên vùn vụt. Họ xây nhà lập phố khang trang, đèn điện nước máy chả kém gì thủ đô.

* * *

Giàu rồi, người làng Ma rất chú trọng việc học của con em mình.

Họ xây trường khang trang, đón thầy cô giỏi về dạy. Con em làng Ma học khá lên trông thấy. Ngày xưa chuyện con nhà ai đó thi đỗ đại học như là một sự kiện trong làng. Ngày nay, mỗi năm đến kỳ tuyển sinh chả còn ai buồn đếm xem con nhà ai đỗ trường nào. Học hết phổ thông thì đi đại học, nó cứ như lẽ hiển nhiên vậy thôi. Tuấn và Hương cũng vậy, hết phổ thông đi đại học. Cơ mà học xong cái bằng đại học thì đôi này đã kịp cùng nhau tốt nghiệp trường đời, đẻ hẳn ra được hai đứa con, một trai một gái kia. May mà hai bên gia đình bấy giờ đều là những đại lý hàng mã to trong làng nên cáng được. Hai đứa cứ việc ăn việc học. Việc nuôi con, kinh tế đã có gia đình nội ngoại chu cấp đủ. Học xong, họ xin việc làm ngay tại thủ đô. Những định ly hương làng Ma làm công dân đất kinh kỳ. Thế nhưng đời không phải là mơ, mới ra trường, đi làm đồng lương eo hẹp, chả đủ tiền thuê nhà, tiền thuê osin trông con... Vẫn cứ phải ngửa tay nhận trợ cấp từ hai bên nội ngoại. Mãi đâm chán. Chán ngán cả cái cuộc sống xoay vòng vòng, hết việc công ty đến việc nhà, mang tiếng ở đất Hà Nội nhưng cả năm không mở được mắt ra mà dạo Hồ Gươm, đi rạp hát. Ngán đến tận cổ.

Hương buột thốt ra: “Về quê!”

Tuấn quay sang hỏi: “Về quê thì làm gì?”

“Buôn hàng mã.”

“Thế bao năm ăn học làm gì?”

“Thế đã học được cái ích gì?”

Tuấn nghẹn lời. Tuấn học khoa học tự nhiên, môn Sinh. Hương học Kinh doanh Quốc tế. Ra trường, Tuấn đi làm ở công ty thương mại bán thiết bị văn phòng, một công việc chả liên quan gì đến chuyên ngành Sinh học Môi trường. Nhưng Tuấn lại cảm thấy yêu cái nghề mình học, yêu thiên nhiên hoang dã, xót xa trước nạn tàn phá môi trường. Tuấn cũng định sau này khi các con cứng cáp, sẽ đi học lên cao, nghiên cứu sâu về môi trường hòng giúp ích gì đó cho cuộc đời. Đời chả lẽ chỉ có kiếm cơm, làm tình, ăn và ngủ? Nhưng phải đợi vài năm nữa đã. Còn Hương đi làm thư viện, tạp vụ ở một trường tư. Chán phè. Cũng một việc chả liên quan đến chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế trong trường xưa. Kiến thức còn lại chút gì rơi nốt sau vài năm ra đời quay cuồng cùng công việc với hai đứa con.

Thỉnh thoảng Tuấn và Hương mang con về thăm quê.

Những đứa bạn cùng lứa không đi học lên cao, ở nhà buôn hàng mã giờ đã thành ông chủ bà chủ. Nhà cao cửa rộng. Xe đẹp. Hai vợ chồng nhìn lại cảnh mình: Nhà thuê, hết tháng hết tiền. Mà công việc thì, kẻ đi làm thuê làm gì có cái gọi là tiền đồ tương lai để mà phấn đấu. Bế tắc toàn tập. Nên khi Hương nêu ý kiến về quê mở một đại lý bán buôn hàng mã, Tuấn không thích nhưng cũng không cãi lại được. Đã thế về làng, hai gia đình nội ngoại cũng hùa theo Hương. Cả hai bên đều bảo, không ở được thủ đô thì về quê mà lập nghiệp. Về chúng tao cho đất, làm nhà rồi khởi nghiệp lại cũng chưa muộn. Con cái thì nội ngoại ở gần trông nom cho, chỉ việc làm việc ăn, mấy mà phát tài. Tuấn chịu chết không nói được gì nữa. Cả nhà về quê.

Nhưng về làm hàng Mã mới thấy thành ra Tuấn là một người khéo tay và Hương đúng là một cô gái Kinh Bắc đảm đang buôn bán giỏi. Từ cái cơ ngơi ban đầu nho nhỏ của hai bên nội ngoại hùn vào cho, hai vợ chồng theo nếp làng hàng mã cứ thế bán buôn, phất lên vùn vụt. Họ vụt vượt lên hẳn các nhà khác vì là một cặp bổ sung cho nhau hoàn chỉnh. Bởi Tuấn khéo tay và rất cập nhật, nên cho ra nhiều mẫu hàng mã mới lạ, độc, nên đắt hàng. Ví dụ như người ta bán iphone là Tuấn ra mẫu mã iphone ngay, xe ô tô đời mới ra là cũng có mẫu mã ô tô đời mới ngay. Tuấn vẽ mẫu, in trên máy in màu, thuê người ta đan khung xương bằng tre nứa, bồi giấy màu vào, xong. Các cụ dưới âm phần tha hồ iphone lướt phây và cưỡi xe mui trần đi ve gái! Lại nói đến chuyện gái, Tuấn cũng sáng tác ra cả các nàng osin, người hầu váy ngắn chân dài mi cong vút để gửi cho các “cụ” cô đơn ở dưới kia nữa... Đêm nằm, Tuấn hay lùa tay sang cái miền đồng thảo tốt tươi của vợ mà xoa nắn lần tìm, Hương bật cười rinh rích, hỏi: “Thế làm hình nhân nàng hầu gửi các thánh dưới kia, anh có làm đủ đồ hàng không đấy? Không thì các ngài ấy giận chết!”.

* * *

Mãi chả thấy chồng về, Hương phóng xe xuống xem sao.

Kể từ lúc Tuấn mở trang trại đây mới là lần đầu tiên Hương tới. Nhìn cơ ngơi mà chồng mình đang gây dựng cô cũng hơi bàng hoàng bởi cái độ to lớn hoành tráng quy củ của nó. Nhưng nhìn đàn cá sấu các kích cỡ đang nằm phơi nắng ngổn ngang trên bờ các bể nuôi, Hương thấy khiếp hãi. Cô bảo chồng: “Nhìn cái đàn cá kinh khủng kia tôi hãi lắm. Ông dẹp hết đi. Về trên phố bán hàng với tôi. Nhà thiếu gì tiền mà phải khổ thế này.” “Không được. Đây là sự nghiệp tâm huyết của cả đời tôi gây dựng nên. Trông con cá sấu bên ngoài nó xù xì hung dữ thế thôi. Thế nhưng nó lại có ích với cuộc sống con người hơn cô tưởng đấy.” “Ý ông định nói gì?” “Thế cô không tự so sánh cái việc tôi làm trang trại nuôi cá sấu với đại lý hàng mã của cô, của cả làng, cái nào ích lợi hơn cái nào à?” “Thì rõ như ban ngày cần gì nói ra nữa: doanh thu cả năm trang trại của ông không bằng đại lý hàng mã của tôi thu về một tháng. Còn cả trong sổ sách tôi ghi chép đầy đủ kia, còn gì nói không?” “Cô thì chỉ tiền! Vấn đề là tôi làm ra những sản phẩm có ích cho đời sống con người. Còn hàng mã, cô chỉ làm cho người ta u mê, ngu muội đi mà thôi!”...

Cứ hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, thành ra cãi nhau to. Hai bên đều kiêu hãnh cả, chả bên nào xuống nước. Ly thân. Chiến tranh lạnh. Đỉnh điểm đến lúc Tuấn quyết định đầu tư lớn, xây dựng thêm xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ tiêu dùng và xuất khẩu từ da cá sấu thì bùng lên chiến tranh nóng. Tuấn yêu cầu Hương ký tên vào dự án vay tiền từ ngân hàng để đầu tư. Bởi họ vẫn là vợ chồng. Hương kiên quyết không ký. Cô bảo với số tiền đầu tư lớn như vậy thì có chết ngay cô cũng không ký. Tiền ấy đem đầu tư vào xưởng in làm hàng mã nhanh thu hồi vốn hơn. Giàu to ngay. Họ mâu thuẫn khủng khiếp, không hòa giải được. Và cuối cùng là ra tòa...

 * * *

Người ta bảo, có học có hơn.

Đúng thế. Cứ tưởng là mấy năm học kinh doanh trong trường Thương Mại của Hương phí cơm, nhưng không. Bản chất là một cô gái đảm đang truyền thống, được đi học hành bài bản nhưng không được dùng, tưởng như đã quên hết. Thế nhưng khi về lại quê nhà mở đại lý hàng mã, Hương mới trổ hết khả năng điều hành quản lý buôn bán của mình. Hương sắp xếp kết nối mọi việc đâu ra đấy. Hàng ra, tiền vào, nguyên liệu ở đâu, đặt hàng ở đâu, công xá thế nào. Mọi việc cứ chạy ro ro. Và tất nhiên tiền đổ về nhà vợ chồng Tuấn Hương cũng đều đặn như nước chảy ngoài sông Đuống. Dân làng Ma tấm tắc khen vợ chồng nhà ấy giỏi giang. Cũng có người không ưa, nói làm gì chả giàu khi hai bên bố mẹ vun cho như thế. Nhưng họ có biết đâu rằng, Tuấn mê mải ra mẫu, in ấn cả đêm. Còn Hương thì bán buôn tính toán say sưa kiếm tiền đến quên cả con. May mà nhà nội ngoại ở gần nên đón cả hai cháu về nhà nuôi để bố mẹ chúng nó tập trung phát triển kinh tế.

Chỉ non mươi năm từ biệt thủ đô về quê lập nghiệp, vợ chồng Tuấn Hương đã trở thành đại gia của làng Ma. Tòa nhà mới xây năm tầng, mỗi sàn hai trăm mét vuông lừng lững ở đầu khu mới của phố Đông Mai là minh chứng. Tầng dưới để bán hàng, tầng hai là kho, ba tầng trên là nơi ăn chỗ nghỉ của hai vợ chồng, phòng khách, phòng ăn và cả phòng nghỉ cho người làm công. Đây cũng là ngôi nhà đầu tiên lắp thang máy của cả làng. Rất văn minh tiện lợi. Người làng Ma nói, vợ chồng nhà ấy thật như tiên đồng ngọc nữ, chồng đẹp vợ xinh, con cái như rồng, tiền vào như nước. Tiền nhà ấy nhiều kinh khủng khiếp. Sung sướng không biết đâu mà kể.

* * *

Thế nên tin vợ chồng nhà Tuấn - Hương ly dị như quả bom nổ bùng khắp làng.

Cả làng Ma xôn xao bàn tán. Họ không hiểu nổi hai vợ chồng nhà ấy như đôi đũa ngọc để trên mâm vàng, ăn ra làm nên, nhà cao cửa rộng, con cái thì trai gái nếp tẻ đủ cả, sao lại bỏ nhau? Không thể hiểu được!

Đúng là người ngoài ai mà hiểu được khi hai người trong cuộc, Tuấn và Hương, cũng còn đang bàng hoàng về cái sự này kia.

Từ tòa án ra, Hương về ngay cửa hàng trên con phố giữa làng. Nhưng không ngồi bán hàng thu tiền như mọi khi mà lên gác, đóng cửa đắp chăn nằm. Mặc kệ mấy đứa nhân viên làm việc. 

Còn Tuấn thì đi thẳng ra trang trại nuôi cá sấu ngoài đồng Năm Cây. Trang trại này Tuấn mới mở vài năm nay, đã cho những lô thịt, da thương phẩm đầu tiên. Đang phát triển rất tốt nên Tuấn có ý định mở rộng quy mô. Xây thêm xưởng chế biến đồ mỹ nghệ từ da cá sấu để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đi các nước. Muốn vậy cần phải có thêm nguồn vốn, phải cắm sổ đỏ nhà cửa đất đai thế chấp vay ngân hàng. Mà Hương thì không muốn...

Cầm số tiền tương đương một nửa gia sản từ cuộc ly hôn, vay thêm ngân hàng nữa, Tuấn đầu tư hết vào việc mở rộng khu trang trại, nhà xưởng.

Gặp dịp nước nhà mở cửa hội nhập, hàng của Tuấn làm ra không kịp bán. Thu được tiền, Tuấn lại đầu tư vào mở rộng chăn nuôi sản xuất. Khu đồng Năm Cây xưa đã thành một khu liên hợp chăn nuôi chế biến sản phẩm không những cá sấu. Mà còn là trang trại thuần hóa vịt trời, nuôi ngan, bồ câu giống Pháp, ao nuôi cá cao sản, trại nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ và trồng rau sạch. Rất phát triển, hiệu quả kinh tế cao. Tuấn thành đại gia. Nhưng Tuấn vẫn ở vậy với cái trang trại của mình chứ cũng không lấy vợ mới. Hình như sau cơn ác mộng bị các cô nàng ôsin váy ngắn lưỡi dài đè nén đến suýt ngạt thở, Tuấn đã trở thành một con người khác.

Còn Hương, cũng chỉ sau thời gian ngắn với tài đảm đang tháo vát của mình, cô cũng khôi phục được quy mô kinh doanh như trước khi ly hôn. Mà thậm chí còn hơn trước nữa kia. Hương trở nên một phụ nữ đơn thân trẻ đẹp giàu có nhất nhì phố Đông Mai. Rất nhiều ong bướm lượn lờ tán tỉnh thả thính buông câu. Nhưng cũng không thấy Hương bắt vè mối nào. Người làng Ma bảo Hương vẫn nặng lòng với chồng cũ.

Hai đứa con của họ, vốn từ khi về quê đã ở với ông bà nên chúng cũng không cảm thấy bị tổn thương gì lắm. Bởi bố mẹ chúng tuy không còn ở với nhau nhưng vẫn quan tâm đến con cái.

* * *

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Khá bình lặng.

Có điều, dù đã trở thành một nhà doanh nghiệp nổi tiếng trên cả nước, nhưng với dân làng Ma, Tuấn cá sấu- tên biệt danh mới, không là gì cả. Bởi trong một lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tuấn cá sấu có hơi tự hào quá mà nói rằng: “Những sản phẩm làm ra từ con cá sấu trông rất xù xì gớm guốc của tôi thì lại đem lại lợi ích dinh dưỡng và những sản phẩm làm đẹp cho cuộc sống con người. Nhưng có những nơi họ làm những sản phẩm tưởng như đẹp đẽ lòe loẹt bắt mắt, thì lại chỉ làm con người u mê tối tăm đi. Làm cho môi trường bị tàn phá, làm cuộc sống xấu xa thêm chứ không ích gì. Nên tôi luôn tự hào về công việc của mình”.

Dân làng Ma xem cuộc trả lời phỏng vấn ấy.

Cả phố Đông Mai xôn xao mấy ngày liền. Họ suy diễn rất nhiều điều ra từ lời phát biểu của Tuấn cá sấu. Thậm chí họ cho rằng, tay này còn định âm mưu kêu gọi chính quyền dẹp cả cái nghề làm hàng mã cổ truyền của cả làng. Và thế là tại các cuộc họp không chính thức của dân làng Ma, là các đám giỗ chạp cưới xin trong làng, Tuấn cá sấu bị đem ra mổ xẻ. Rồi họ đi đến kết luận.

Hội làng năm ấy, các bậc cao niên tiên chỉ trong làng ra chỉ dụ, cấm Tuấn cá sấu không được lai vãng đến đình. Mọi bổ bán đóng góp theo lệ làng để xây dựng đình chùa miếu mạo, sửa sang đường sá... đều không tính đến Tuấn cá sấu nữa. Tuyệt không cho tham gia. Tuấn cá sấu bỗng nhiên thành ra như một kẻ vô thừa nhận, như một kẻ ngụ cư ngay trên ngôi làng của mình.

Kẻ ngụ cư, là một từ cổ để chỉ những kẻ ăn nhờ ở đậu, vốn không có gốc tích trong làng, trôi dạt từ đâu tới không rõ. Làng thương tình cắm cho miếng đất chó ỉa rìa bên để sai làm những công việc thấp kém mà người làng không ai chịu, như làm mõ chẳng hạn. Những người này không được tham dự bàn bạc mọi công to việc lớn trong làng. Như thân phận của kẻ tôi đòi. Tôi đòi của cả làng. Nay cuộc sống đã đổi thay, không còn phân biệt dân chính gốc hay ngụ cư nữa, mọi người dân nước Việt thích đâu thì cứ đến đó ở thôi. Thế mà ở cái làng Ma, xứ Kinh Bắc này người ta âm thầm quyết liệt coi một người có tâm có tài như Tuấn cá sấu là kẻ ngụ cư. Họ không chịu thừa nhận sự thành công của Tuấn cá sấu. Họ xa lánh, kỳ thị và lạnh nhạt. Họ bảo rằng tiền tuy nhiều thật, cơ đồ tuy to thật nhưng suốt ngày hùng hục như trâu cũng chả làm gì cho đời. Đây sống đời ông giăng, mát mẻ. Cứ ngồi mát kiếm tiền chẳng sướng gấp vạn lần ư.

Cả làng Ma coi Tuấn cá sấu và khu trang trại kia như không tồn tại. Tuấn thì chả coi cái sự lạnh nhạt ấy của dân làng là gì, bởi Tuấn tin chắc vào sự nghiệp của mình có ích cho đời. Cũng như Tuấn tin chắc rằng rồi sớm muộn khi dân trí lên, nhận thức cao, những cái thói hủ lậu mê tín dị đoan nó sẽ phải tự mất dần đi mà thôi. Đó là con đường sáng của văn minh tiến bộ mà xã hội loài người hướng tới, không ai cưỡng được. Hơn nữa Tuấn cũng có nhiều niềm vui và sự quan tâm của mình. Là một nhà doanh nghiệp lớn có tiếng tăm trong nước, Tuấn có muôn vàn các cuộc giao lưu, các mối quan hệ. Sau lưng Tuấn là hàng trăm gia đình công nhân viên dưới quyền, mà cuộc sống gắn chặt với sự hưng thịnh của trang trại. Họ chia sẻ vui buồn cùng Tuấn. Còn dư tiền, Tuấn đầu tư vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật và các chương trình từ thiện. Tuấn thấy mình đã có đủ niềm vui trong cuộc đời làm người.

Thế nhưng bố mẹ Tuấn buồn, bởi với người làng quê, sự gắn bó cố kết làng xã là một điều gì đó sâu xa bền chặt. Rất quan trọng. Dù thời cuộc đang đổi thay thì cũng khó mà thay đổi suy nghĩ ngay được, nhất là với những người già. Nhưng họ cũng không biết nói gì với Tuấn. Vả lại ai làm nên người ấy chịu, lớn rồi, trưởng thành rồi, trẻ mỏ gì đâu. Rồi thế hệ nào cũng sẽ có cách sống cách ứng xử phù hợp của thế hệ đó thôi. Luật đời xưa nay là thế rồi. Còn hai đứa trẻ con nhà Tuấn chúng vẫn ở với ông bà như xưa. Chúng vui trường lớp bạn bè của mình nên chả quan tâm.

Chỉ có Hương, ngoài mặt phớt tỉnh coi như điếc khi nghe họ hàng làng xóm phố phường ong ve. Không liên quan. Nhưng thực ra, đêm về Hương vẫn đau đớn. Thâm tâm, Hương vẫn còn yêu Tuấn. Hương không thể nghĩ đến người đàn ông nào khác ngoài Tuấn. Bởi từ những cảm xúc đầu đời thiếu nữ trên chuyến xe bus chủ nhật năm nào, cho đến những nồng nàn của đời sống vợ chồng sau này, Tuấn làm Hương luôn cảm thấy thỏa mãn, no đủ. Hương nghĩ, ở đời chỉ cần kiếm nhiều tiền, thật nhiều tiền để có điều kiện hưởng thụ cuộc sống. Thế mà Tuấn lại cho rằng thế là chưa đủ. Tuấn bảo con người ta phàm đã sinh ra, sống ở đời phải có một cái ý nghĩa nào đó chứ? Hương chả nghĩ sâu xa như Tuấn nhưng cũng chiều. Vả lại nhà có điều kiện, sẵn tiền, thì để Tuấn làm cái gì đó cho thỏa chí trai. Thế nhưng đến lúc Tuấn đòi dẹp hết các nhà xưởng, cửa hàng đại lý buôn bán hàng mã để tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh trang trại thì Hương không chịu. Kiên quyết không. Bây giờ Hương đã là một bà chủ đại lý hàng mã to nhất phố Đông Mai, chứ đâu còn là một cô vợ bé bỏng nép bóng chồng. Hương đầy kiêu hãnh. Họ mâu thuẫn. Họ cãi nhau. Từ âm ỉ đến nổ bùng thành ngọn lửa. Ngọn lửa cháy lên to quá không sao dập đi được nữa.

Xong mọi chuyện, kết thúc cái cuộc hôn nhân đẹp như mơ rồi, nằm cô đơn nhiều đêm trong căn nhà năm tầng đồ sộ, Hương thấy thấm dần cái sự vô nghĩa của nhiều tiền mà cuộc đời sứt mẻ. Có nhiều lúc, Hương đã định mở lòng mình ra với một người đàn ông khác, nhưng dường như không thể. Dường như lòng yêu của người đàn bà trong Hương chỉ để dành cho một người...

* * *

Hương buồn chán, cáu bẳn, u uất.

Mấy bạn hàng cùng phố thấy thế bèn rủ cô đi đò qua sông Đuống, sang bên nhà hậu chùa Bến dự vài giá đồng, hầu Mẫu cho mát mẻ thư giãn. Tiền thờ Phật hậu thờ Mẫu, chùa quê ta vẫn thế, sư nhiều khi kiêm luôn cả cô đồng thày cúng. Con sông Đuống chảy cạnh làng Ma có tên chữ là sông Thiên Đức. Xưa là dòng sông đã đưa những đoàn thuyền chuyên chở tranh của làng Đông Mai đi bán khắp nước. Những chàng họa sĩ làng vừa chèo thuyền vừa ca: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ có về làm vợ anh đây thì về/ làng anh có lịch có lề/ có ao tắm mát có nghề vẽ tranh...”

Hương chả nhớ câu ca dao xưa, nhưng nghe xong mấy chầu hát văn thấy thư giãn thật. Từ đấy trở đi, Hương rất hay sang chùa Bến. Cứ tối đến, đóng cửa hàng là Hương lại sang đò. Đến mức như nghiện. Hương nghiện mùi hương trầm man mác, tiếng đàn nhị réo rắt và cái giọng hát văn ngọt ngào mê hoặc của những người cung văn, hát kể về những cô Bơ Thoải Phủ, bà Chúa Rừng Xanh, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười...

Hương nghiện cái không khí cung văn ở nhà hậu chùa Bến. Tối ngày hăm ba tết ông công ông táo Hương vẫn sang. Sư trụ trì chùa Bến hỏi: “Hôm nay thí chủ không ở nhà cúng cấp hóa mã đồ tàng cho ông công ông táo sao?”

Hương cười khí khí: “Đến cả làng em, cả phố em cũng chả có nhà nào đốt một tí ti gọi là vàng mã đâu thày ơi. Đồ làm ra là để bán cho thiên hạ tín cúng, chứ chúng em chỉ tín tiền thật, vàng thật.”

Tối ấy Hương bỏ tiền ra thuê các cung văn chùa Bến hầu liền mấy giá đồng. Đến khuya mới tan. Từ bến đò ngang về đến nhà ở đầu kia của phố Đông Mai phải băng qua một quãng cánh bãi trống khá dài. Đêm cuối tháng củ mật trời tối đen như mực. Cái điện thoại iphone lúc đi vội lại quên ở nhà, chả có gì soi đường, chả có ai đi cùng. Hương cứ một mình miên man đi trong đêm khuya vắng lặng lạnh lẽo. Càng lúc càng lạnh. Hương có cảm tưởng như cái hơi lạnh đang bốc ra ngay từ ruột gan mình chứ không chỉ là khí trời nữa. Hương nhủ thầm, cố đi nhanh về nhà mình cho ấm. Nhưng tiết trời đêm mỗi lúc một lạnh như đông đá. Hương vừa đi vừa run cầm cập. Rồi mãi sau, lạnh quá, hình như bị mất cảm giác, Hương thấy mình chả còn biết gì nữa, chân bước đi nhẹ bẫng như không chạm đất. Như bay. Hương bay trong đêm.

Về đầu phố Đông Mai, thấy thật lạ lùng, đêm khuya mà phố hàng nhà nhà mở toang cửa, chật ních những người là người. Chật ních người mà không có một tiếng ồn ào. Lặng câm. Người người chen vai thích cánh nhau. Mà cũng không hẳn là người. Hình nhân hay ma quỷ Hương không chắc nữa. Nhưng Hương không có cảm giác sợ sệt gì. Quen rồi. Những hình nhân ma quái đó nhà làm ra mà. Còn họ chả để gì ý đến Hương. Họ vẫn cứ chen chúc nhau trên đường. Không còn cả chỗ mà đặt chân. Già trẻ lớn bé lượn lờ nhảy nhót chỉ trỏ vào những cửa hàng hai bên đường rồi dắt díu nhau vào lựa chọn. Những bà già khuân vàng thoi thuyền thỏi. Người trẻ bê xe máy ô tô điện thoại ti vi áo xống mớ ba mớ bảy. Ông già vơ ngay mấy cô ô sin váy ngắn dắt ra tung tăng chơi trên phố. Đám trẻ con vào lấy tiền giấy, cành vàng lá ngọc tung lên nghịch ngợm bay lấp lánh lả tả trong đêm...

Hương định chen vào đám đông để lấy lối đi về nhà. Nhưng chả ai nhường đường. Hương rướn mạnh người chen vai dấn tới, chợt thấy mình bỗng xuyên băng qua thân thể họ. Hoảng hốt nhìn lại. Những ông già bà trẻ vẫn nguyên xi, vẫn đang mải vui với những đồ khuân ra từ cửa hàng trên phố. Dường như chả ai biết đến sự tồn tại của Hương. Hương đi qua họ như lướt, không gặp một cản trở nào, như đi trong không khí. Từ trong trí não u mê sâu thẳm đâu đó bỗng vẳng về mách bảo, Hương đang ở thế giới của người âm. Thế giới của những hồn ma. Những hồn ma già khú đế từ ngàn năm trước đóng khố cởi trần đang nhảy nhót tung tăng. Những hồn ma thời nay diện com lê ca ra vát chỉnh tề. Những hồn ma trẻ con cởi truồng dây rốn chưa cắt vẫn lòng thòng bay lượn. Những hồn ma chết vì tình vẫn cặp đôi ôm ấp sờ soạng hôn hít, làm tình với nhau ngay trên đường. Rồi những hồn ma hung bạo ăn gan uống máu người mặt đỏ râu dài, mép vẫn ròng ròng máu tươi... Cả một đường phố chật ních những hồn ma. Càng về khuya hồn ma ở đâu đổ về càng nhiều. Trùng trùng điệp điệp những ma. Chồng chất ma. Ma bay trên thinh không. Ma đi trên đầu nhau. Ma luồn dưới chân nhau. Ma nhảy múa hát ca. Ma làm tình. Ma bóp cổ. Ma uống máu xé xác...

Hội chợ ma phố Đông Mai âm thầm náo nhiệt. Hương hoảng sợ không chịu nổi co chân chạy. Hương chạy vô vọng trong một đường phố dày đặc những hồn ma đang lượn lờ. Lao người xuyên qua những hồn ma như làn khói loãng. Hương cố thoát ra khỏi thế giới ma. Nhưng chạy mãi cũng vẫn chỉ thấy những ma là ma. Trên trời, dưới đất, xung quanh dày đặc những hồn ma đang nhe nhởn. Hương cố chạy, chạy cố cùng lực tận vẫn không ra khỏi được cái đường phố chật ních, đông đặc, luyếnh loáng những ma. Trùng điệp những ma. Dường như không thể nào thoát ra khỏi cái thế giới ma này. Hương tuyệt vọng. Hét lên một tiếng kinh hoàng rồi lao mạnh về phía trước. Thấy mình bỗng như rơi vào một chốn đen sì, đặc quánh, nhớt nhúa, không lạnh, không nóng. Hỗn mang. Cái khối hỗn mang ấy vây chặt và lôi tuột Hương về một miền thăm thẳm, tĩnh lặng, không âm thanh ánh sáng, không mọi cảm giác, hoàn toàn hư vô…

Truyện dự thi: Kẻ ngụ cư - Ảnh 2.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem