Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Tự kinh doanh không lời nhiều, nhờ đâu VEAM vẫn lãi lớn?
Thông qua các công ty con, VEAM đang nắm giữ 30% vốn điều lệ tại Honda Việt Nam, 20% vốn điều lệ tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam.
Thời điểm cuối năm 2023, giá trị phần vốn chủ sở hữu của VEAM tại Honda Việt Nam là 4.280 tỷ đồng, 545 tỷ đồng tại Toyota Việt Nam, và 374 tỷ đồng tại Ford Việt Nam.
Một nhà máy của Honda Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Phúc. VEAM là cổ đông lớn trong liên doanh Honda Việt Nam. Nguồn: HVN
VEAM, với tư cách cổ đông lớn đại diện phần vốn của Nhà nước, được chia lợi nhuận từ các liên doanh hằng năm theo tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu. Năm 2023, VEAM nhận 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam.
Tổng số tiền nhận được từ ba liên doanh này trong năm 2023 là 6.807 tỷ đồng, cao hơn tổng cổ tức được ba liên doanh này chia năm 2022 (chỉ 5.326 tỷ đồng), dù thị trường ô tô xe máy Việt Nam suy giảm mạnh trong năm 2023.
Thống kê từ năm 2018 đến nay, cổ tức VEAM nhận từ các công ty liên doanh liên kết lên đến hơn 36.000 tỷ đồng, với hơn hơn 27.000 tỷ đồng từ Honda Việt Nam -- "ông trùm" ngành xe máy. Bản thân VEAM có hoạt động sản xuất lắp ô tô tải. Tuy nhiên, lĩnh vực này không đóng góp vào kết quả chung.
Trong tổng số 13 công ty con và 8 công ty liên doanh liên kết có vốn đầu tư của VEAM, lợi nhuận được chia từ 3 liên doanh với Honda, Toyota và Ford trong năm 2023 chiếm đến 98% tổng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh và đầu tư, chưa kể lãi của VEAM từ tiền gửi ngân hàng.
Năm 2023, VEAM còn có thêm khoản lãi 1.194 tỷ đồng từ tiền gửi ngân hàng, bình quân mỗi tháng công ty nhận tiền lãi ngân hàng xấp xỉ 100 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất của VEAM công bố đầu tháng 2/2024. Khoản lãi tiền gửi trên đến từ số tiền 12.912 tỷ đồng được gửi có kỳ hạn tại nhiều ngân hàng trong nước.
VEAM là công ty Nhà nước, trong đó Bộ Công Thương với vai trò cổ đông Nhà nước nằm giữ đến 88,5% vốn điều lệ VEAM.
Dàn lãnh đạo mới tại VEAM
Tổng công ty Nhà nước vừa trải qua nhiều biến động về nhân sự cấp cao đặc biệt là sau đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra ngày 20/6 vừa qua.
VEAM đã bãi nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Phan Phạm Hà (bị bắt ngày 12/6 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lúc bị bắt là cựu Tổng giám đốc), miễn nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Khắc Hải, miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Nga.
Đồng thời, cổ đông của VEAM đã bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT mới gồm ông Nguyễn Hoàng Giang, ông Ngô Khải Hoàn, bà Nguyễn Thị Hoa và bà Trần Thị Nguyệt.
HĐQT VEAM sau đó đã họp và thống nhất bầu ông Ngô Khải Hoàn làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hoàng Giang giữ chức Tổng giám đốc.
Ông Ngô Khải Hoàn sinh năm 1979, đang làm Phó Cục trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Công Thương từ tháng 4/2019 đến nay. Ông Nguyễn Hoàng Giang sinh năm 1972, làm Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương từ năm 2014 đến nay.
SSI Research (Bộ phận nghiên cứu) của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá việc lãnh đạo bị bắt sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty liên kết, công ty con của VEAM. Ngoài ra, công ty cũng đã có bước tiến quan trọng hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu để được niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE (TP.HCM) .
SSI Research lưu ý một điều đáng ghi nhận là VEAM đã có tiến triển đáng kể trong việc giải quyết các ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong vài năm qua, đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu để được niêm yết trên sàn HoSE.
Kỳ vọng VEAM tăng trưởng tốt hơn
Năm 2024, VEAM đặt mục tiêu công ty mẹ đạt tổng doanh thu gần 6.414 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2023. Doanh thu tài chính vẫn chiếm phần lớn với hơn 5.861 tỷ đồng (chỉ bằng 74% so với năm trước, phản ánh kết quả giảm sút của cả hai công ty liên kết trong 2023 cũng như lãi suất tiết kiệm thấp hơn so với năm trước) còn lại hơn 495 tỷ đồng từ sản xuất công nghiệp và gần 58 tỷ đồng từ thương mại, dịch vụ.
VEAM kỳ vọng đạt 5.489 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2024, giảm 19% so với năm ngoái, không tính các khoản trích lập dự phòng.
Trong bối cảnh thị trường xe máy đang đạt đến trạng thái bão hòa, SSI Research kỳ vọng xe máy Honda vẫn duy trì được vị thế về doanh số. Trong năm tài chính 2023 (từ 1/4/2023 đến 31/3/2024), Honda Việt Nam đã xuất khẩu 257.000 xe máy, tăng 12% so với cùng kỳ; đạt giá trị xuất khẩu là 536 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ).
Tính đến hết tháng 5/2024, Honda Việt Nam bán được 1,02 triệu xe máy bao gồm xe xuất khẩu, cao hơn 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
SSI Research nhận định mảng xe ô tô dự kiến cũng đạt mức doanh số cao hơn trong nửa cuối năm 2024 nhờ chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8, 9/2024 đến tháng 11/2024. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 8/2024 đến hết tháng 1/2025.
SSI Research dự báo tổng doanh số ô tô năm 2024 tại Việt Nam sẽ tăng 9% so với năm ngoái, nhưng doanh số xe máy cả năm có thể giảm 2% do kết quả không khả quan trong 5 tháng đầu năm 2024. Doanh số xe máy trong 5 tháng đầu năm 2024 giảm 6% so với cùng kỳ tại nhiều phân khúc.
SSI Research dự báo doanh thu hợp nhất năm 2024 của VEAM ở mức 3.800 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 6.510 tỷ đồng, tăng 4%.