Vì sao "Văn học nông thôn" thu hút khán giả trẻ Trung Quốc?

Đinh Đang (Theo Sixth Tone) Thứ ba, ngày 23/04/2024 13:00 PM (GMT+7)
"Văn học nông thôn" đang mang đến cho phụ nữ Trung Quốc một thế giới tưởng tượng, nơi họ không cần phải hoàn hảo để thành công.
Bình luận 0

Một cô gái trẻ du hành ngược thời gian về thập niên 1980, nơi cô phải đấu tranh với những người họ hàng khó tính của chồng sắp cưới, chăm sóc các con của anh và quản lý gia đình. Đây là cốt truyện của "Tôi trở thành mẹ kế vào những năm 1980", một trong những bộ phim siêu ngắn nổi tiếng nhất Trung Quốc năm nay. Được sản xuất với kinh phí siêu thấp, tác phẩm đã thu về được hơn 20 triệu nhân dân tệ (2,76 triệu USD) chỉ trong ngày phát hành và thu về hơn 1,1 tỷ lượt xem trên Douyin, phiên bản TikTok dành cho thị trường Trung Quốc.

"Văn học nông thôn" thu hút khán giả trẻ Trung Quốc

Sự thành công vang dội của bộ phim gắn liền với sự phát triển nhanh chóng của các bộ phim ngắn và cực ngắn trong vài năm qua. Tuy nhiên, chính thể loại của nó, được gọi là “văn học nông thôn” đã đóng góp phần quan trọng thu hút rất nhiều người xem. Thể loại này tập trung vào nỗ lực làm giàu của nữ chính khi phải chiến đấu với nhiều nhân vật phản diện, chủ yếu là những người họ hàng tọc mạch và đã trở nên phổ biến rộng rãi với độc giả tiểu thuyết mạng Trung Quốc, người xem phim và truyền hình. Điều tương tự từng xảy ra với các thể loại văn học “quan trường” và “tranh đấu hậu cung” đã xuất hiện trước đó.

Vì sao "Văn học nông thôn" thu hút khán giả trẻ Trung Quốc?- Ảnh 1.

"Văn học nông thôn" đang mang đến cho phụ nữ Trung Quốc một thế giới tưởng tượng, nơi họ không cần phải hoàn hảo để thành công. Ảnh: Sixth Tone.

Thuật ngữ "văn học nông thôn" bắt nguồn từ các trò chơi điện tử mô phỏng. Người chơi Trung Quốc thường sử dụng từ “nông thôn” theo hai nghĩa: thứ nhất, để chỉ việc khai hoang và phát triển đất đai, và thứ hai, khi lãnh thổ đã ổn định, để nói việc dần dần mở rộng và thống trị. Sự hấp dẫn của những trò chơi này đến từ việc xây dựng lãnh thổ, giống như cách một người nông dân chăm sóc ruộng đồng của họ.

Vì vậy, văn học nông thôn là một thể loại tiểu thuyết mạng kết hợp các chiến lược của các trò chơi điện tử như vậy. Những tác phẩm đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 2002 và nhắm đến độc giả nam, thường có hình ảnh một anh hùng trong thế giới tưởng tượng, người làm cho cộng đồng hoặc quốc gia của mình trở nên hùng mạnh thông qua việc phát triển các hệ thống nông nghiệp, kinh tế, quân sự, thậm chí là chính trị và cuối cùng đối đầu với những người đàn ông tới từ quốc gia khác.

Sự chuyển đổi của văn học nông thôn từ tiểu thuyết chủ yếu dành cho nam giới sang nữ giới bắt đầu bằng những câu chuyện về người du hành thời gian là nữ. Khi tiểu thuyết du hành thời gian bắt đầu trở nên phổ biến vào năm 2004, hầu hết đều có sự góp mặt của những phụ nữ hiện đại du hành ngược về các cung điện thời cổ đại. Loại cốt truyện xoay quanh "Mary Sue - Nhân vật hư cấu hoàn mỹ tới mức vô lý" này, trong đó nữ chính thu hút mọi người bằng một kiến thức hiện đại cũng như tính cách quyết đoán và hào sảng, đã chứng tỏ sức hút cực kỳ lớn, đạt đỉnh cao vào năm 2007.

Tuy nhiên, mô-típ về một người phụ nữ mạnh mẽ, người luôn phải “chiến đấu” trong cung điện dần mất đi sức hấp dẫn đối với độc giả trẻ. Khoảng năm 2008, thay vì các cung điện, những phụ nữ du hành thời gian này bắt đầu xuất hiện trong những gia đình bình thường. Chính tại thời điểm này, các yếu tố “nông thôn” xuất hiện.

Đồng thời, khái niệm “nông thôn” bắt đầu chuyển từ ý nghĩa cuộc đấu tranh quyền lực quân sự và lãnh thổ sang ý nghĩa ban đầu là lao động chân tay. Lao động nông nghiệp của phụ nữ và rộng hơn là các hoạt động thương mại của họ, cũng như những nỗ lực làm giàu đã trở thành cốt truyện chính của tiểu thuyết và là nguồn giải trí cho độc giả. 

Ví dụ, trong các tác phẩm văn học nông thôn điển hình, như “Tiểu địa chủ trọng sinh”, nữ chính kiếm tiền thông qua kiến thức hiện đại về phương pháp canh tác, nấu ăn, làm rượu và trồng cây công nghiệp, dần dần tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc cho gia đình nghèo khó của cô, cuối cùng đạt được tình yêu, địa vị và sự giàu có. So sánh với nguyên mẫu Mary Sue trong tiểu thuyết cung đấu, thể loại văn học nông thôn thiên về cuộc sống giản dị, bình thường của nhân vật chính làm nông và giải quyết các vấn đề hàng ngày, qua đó mang đến cho câu chuyện sự cộng hưởng cảm xúc lớn hơn.

Mặc dù những cuốn tiểu thuyết này không thiếu tình cảm gia đình thuần khiết và thường coi việc bảo vệ gia đình là động lực chính của nữ chính, nhưng điều này chỉ giới hạn ở các thành viên trong gia đình trực tiếp của cô. Ngược lại, họ hàng bên nội ngoại hoặc các nhóm lớn hơn thường chứa đầy sự đạo đức giả, toan tính và ác ý. Những người thân này đều lười biếng, ích kỷ và nham hiểm, họ coi thường lao động chân tay mặc dù là nông dân và thường mơ ước được hưởng lộc trời mà không cần làm gì, trong khi bản thân không có tài cán. Quan trọng hơn, họ thường cư xử ti tiện nhưng sau đó lại tin rằng đối phương xứng đáng nhận lấy hậu quả như vậy hoặc giả vờ đạo đức giả rằng, đó là vì lợi ích chung. Việc tạo ra những mưu đồ giữa một nữ anh hùng bình thường và những người họ hàng hay đòi hỏi này là một phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của loại tiểu thuyết này.

Vì sao "Văn học nông thôn" thu hút khán giả trẻ Trung Quốc?- Ảnh 2.

Phụ nữ Trung Quốc đang phản kháng lại những khuôn mẫu áp đặt sẵn. Ảnh minh họa: YouTube.

Các nhân vật chính trong văn học nông thôn không còn là Mary Sue, nhưng họ cũng đã từ bỏ hình ảnh xưa cũ là người vô tội, tốt bụng, thậm chí là yếu đuối. Nguyên tắc cư xử của họ là không bắt nạt người khác hoặc để mình bị bắt nạt. So với các đối thủ của mình, những nhân vật chính này cũng có mưu lược, tuy nhiên, họ làm như vậy chỉ để vạch trần các lớp ngụy trang khác nhau của đối thủ và xây dựng một không gian cho những phẩm chất tích cực như trung thực, nhân hậu và siêng năng.

Điều này cũng gắn với làn sóng chống lại “bạch liên hoa” gần đây. Thuật ngữ này được sử dụng trực tuyến để chỉ một “người phụ nữ hoàn hảo”, một người chỉ hoàn toàn những đức tính chân, thiện, mỹ. Hình ảnh người phụ nữ mỏng manh, dịu dàng, phục tùng và thủy chung là hiện thân của một người phụ nữ lý tưởng từ góc nhìn của nam giới, nhưng với sự trỗi dậy của các tác phẩm hướng tới độc giả nữ, đã có sự phản kháng liên tục chống lại khái niệm về một người phụ nữ hoàn hảo. Cả tác giả và độc giả đều bắt đầu đánh giá cao những người phụ nữ có khuyết điểm, trong khi "bạch liên hoa" bị đẩy xuống các vai phụ và xuất hiện với hình ảnh tiêu cực hơn như bề ngoài tử tế, nhưng thực tế lại độc ác và tàn nhẫn, và thường là đối tượng bị nữ chính đả kích. Đây là cơ sở xã hội và văn hóa cho thấy lý do tại sao hình ảnh phụ nữ mới, cứng cỏi hơn trong văn học nông thôn lại được yêu thích rộng rãi đến vậy.

Tuy nhiên, dù ẩn náu hay thoái lui, sự phản kháng của phụ nữ trong thể loại văn học nông thôn vẫn còn mang vẻ bảo thủ, đồng thời phản ánh một tình thế khó khăn mà phụ nữ đang phải đối mặt. Ví dụ, việc lý tưởng hóa những người phụ nữ không hoàn hảo là kết quả của một cuộc khủng hoảng đạo đức, trong đó sự đồng thuận cũ không còn tồn tại, trong khi nền tảng đạo đức mới vẫn chưa hình thành. Vì vậy, phụ nữ chỉ có thể đấu tranh trong phạm vi hạn chế, thường là trong nhà để khẳng định bản thân, đạt được sự thỏa mãn trong khi tạm gác lại những câu hỏi về việc họ sẽ làm gì sau khi thành công và đạt được sự trưởng thành cá nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem