Xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM gắn với đô thị hóa

Việt Dũng Thứ tư, ngày 08/05/2024 11:19 AM (GMT+7)
Quá trình xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025, đề cao yếu tố đô thị hóa ở vùng nông thôn. Theo đó, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao đều phải gắn với đô thị hóa.
Bình luận 0

Nông thôn mới TP.HCM gắn đô thị hóa

TP.HCM không chỉ là đô thị đặc biệt mà còn là đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh. Giai đoạn 2011 - 2020, Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, đề án nhằm thích ứng với xu hướng đô thị hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, thúc đẩy kinh tế nông thôn trên địa bàn Thành phố phát triển.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã đầu tư 14.078 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đường giao thông khang trang sạch đẹp ở huyện nông thôn mới Cần Giờ. Ảnh: Việt Dũng

Đường giao thông khang trang, sạch đẹp ở huyện nông thôn mới Cần Giờ. Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên, UBND TP.HCM đánh giá, quá trình phát triển Thành phố theo hướng đô thị thông minh, đô thị dịch vụ hiện đại nên tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn. Nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn ngày càng thiếu.

Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, song mới tập trung nhiều vào khâu sản xuất. Các hoạt động chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

Kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.

Ngoài ra, các vấn đề về suy giảm chất lượng không khí; suy giảm nguồn tài nguyên và chất lượng nước mặt, nước ngầm..., ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong đó, khu vực nông thôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ xác định "Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh".

Mô hình trồng rau công nghệ cao ở huyện Hóc Môn. Ảnh: Việt Dũng

Mô hình trồng rau công nghệ cao ở huyện Hóc Môn. Ảnh: Việt Dũng

Giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM cũng đề các nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Thành phố tập trung xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong chương trình nông thôn mới.

TP.HCM cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2025, TP.HCM có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, và 100% xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.

Trong việc phát triển hạ tầng nông thôn, mảng xanh đô thị, Thành phố tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố, giai đoạn 2021 - 2025, và các bộ tiêu chí: xã nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa; xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa; huyện nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố, giai đoạn 2021 - 2025.

TP.HCM triển khai thực hiện xây dựng và nhân rộng mô hình xã nông thôn mới thông minh, mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử, mô hình xã nông thôn mới gắn với kinh tế tuần hoàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem