Xin ý kiến Bộ Chính trị về chế độ tiền lương mới

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 04/05/2024 18:11 PM (GMT+7)
Theo Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến các nội dung cơ bản của cải cách tiền lương. Trong đó, những nội dung cần xin ý kiến đang tiếp thu giải trình để xin ý kiến Bộ Chính trị.
Bình luận 0

Xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương mới

Chiều 4/5, ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ đã thông tin về tiến độ chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây, tại họp báo Chính phủ thường kỳ.

Ông Minh cho biết, để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, Trung ương khóa 12, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với với Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương mới.

Xin ý kiến Bộ Chính trị về chế độ tiền lương mới- Ảnh 1.

Ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thứ nhất, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Để làm được nội dung này cũng phải mất nhiều năm mới ra danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tương đương bao quát hết các cơ quan Đảng, đoàn thể và các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Thứ hai, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Bên cạnh đó, xây dựng ba bảng lương trong quân đội áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan công an nhân dân; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, kỹ thuật công an; bảng lương công nhân quốc phòng trong lực lượng vũ trang...

"Trong thời gian vừa qua, những nội dung mà chúng tôi cần tập trung xin ý kiến đã được Ban chỉ đạo cải cách tiền lương có ý kiến, chúng tôi đang tiếp thu, giải trình để xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trước khi báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị ", ông Minh cho hay.

Cụ thể là xin ý kiến thống nhất 5 bảng lương, 9 nhóm phụ cấp, các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang

Nội dung thứ 2 cần xin ý kiến là việc bảo lưu tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý khi chuyển sang lương mới thấp hơn lương cũ thì được bảo lưu như lương hiện hành nhằm đảm bảo không thấp hơn mức lương cũ theo tinh thần Nghị quyết 27.

Nội dung thứ 3 là thực hiện trợ cấp với cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn lương tối thiểu vùng 1 thấp nhất để đảm bảo những cán bộ công chức này có đời sống đáp ứng được với mức lương trên 5 triệu đồng. Tức là mức lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất không thấp hơn 5 triệu đồng.

Bảo đảm nguồn cải cách tiền lương

Nội dung thứ tư cần xin ý kiến là việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

"Đây là những nội dung lớn phải báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau đó, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng trình cấp thẩm quyền 3 nhóm văn bản", ông Minh thông tin.

Cụ thể, Ban Bí thư sẽ ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán.

Chính phủ sẽ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 24 về chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ ban hành 12 thông tư hướng dẫn cụ thể cách chi trả, tính toán chế độ tiền lương mới…

"Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan", Chánh văn phòng Bộ Nội vụ thông tin.

Ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh, liên quan đến nội dung rất quan trọng là bảo đảm nguồn cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ kiên trì sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và tiếp tục tinh giản biên chế để tăng nguồn cho cải cách tiền lương.

Về xây dựng vị trí việc làm, đến nay còn 3 bộ ngành: LĐTBXH, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ và Đại học quốc gia và TP.HCM, Thừa Thiên Huế chưa xây dựng xong. Còn lại, các bộ ngành, địa phương đã hoàn thành và đang thẩm tra sơ bộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem