Hot hot hot:
Lai Châu Ngày Mới
Xuân về trên đỉnh Hô Tra
Ý trí của đồng bào Mông ở Hô Tra
Hẹn mấy mùa Xuân, rồi cũng có dịp chúng tôi vượt đèo, qua suối lên với đỉnh Hô Tra (bản Hô Tra, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu) trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nơi đây có độ cao 1.500m so với mực nước biển, khó khăn vì giao thông cách trở nhưng nhìn ở đâu trên đỉnh Hô Tra này cũng thấy tiềm năng và triển vọng. Tất cả đều từ bàn tay và khối óc của con người mà ra.
Bao lâu nay, cứ nhắc đến địa danh Hô Tra, nhiều người lại ái ngại rằng nơi đây xa lắm, đường đi thì gập ghềnh, khúc khuỷu; khí hậu lạnh và người dân còn… nghèo lắm. Nhưng những gì chúng tôi được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm thì chỉ có giao thông là còn gian nan, vất vả; còn cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Đến nhà Trưởng bản Thào A Phềnh, chúng tôi choáng ngợp trước vườn đào đang chi chít nụ, những bông hoa đào mới nở màu phớt hồng rung rinh trong gió như chào đón mùa Xuân về. Vì đào nơi đây cánh đẹp, bền hoa nên từ quá giữa năm đã có thương lái đến đặt cọc, đánh dấu cây để cận Tết lên chặt đem về xuôi tiêu thụ. Được biết nhà Trưởng bản Thào A Phềnh sở hữu hai vườn đào với diện tích khoảng 2ha với 1.500 cây. Những năm trước, giá bán tại vườn khoảng 800 nghìn cho đến 3 triệu đồng/cây hoặc cành tùy từng dáng đào. Thế nên mỗi dịp Tết, gia đình Trưởng bản thu về 3-4 chục triệu đồng mà không mất quá nhiều công chăm bón hay tìm mối bán. Thế mới thấy ở trên núi cao, làm kinh tế cũng đâu có khó khăn nhiều, miễn là có tư duy, thức thời và nhạy bén.
Từ vườn đào nhìn xuống, 6 bể cá tầm được lót bằng tấm nilon màu xanh ngọc bích như một nét chấm phá táo bạo vào bức tranh thiên nhiên mùa Xuân nơi đây. Ở độ cao này, đứng trên khu nuôi cá tầm, phóng tầm mắt ra thật xa có thể nhìn thấy rõ trụ sở UBND xã Mường Khoa, xung quanh là những ngôi nhà mái tôn đủ màu. 6 bể cá này là của ông chủ trẻ sinh năm 1999 tên Thào A Tớ.
Năm nay mới 26 tuổi, chưa tính tiền anh vay đầu tư làm kinh tế hết bao nhiêu nhưng cá từ 1,5-4kg/con do A Tớ nuôi từ tháng 9 năm ngoái khi con giống mới bằng ngón tay cái, thì trong tay anh cũng có cả tỷ bạc.

Ở đây nước đầu nguồn dồi dào, trong vắt, lạnh buốt thế nên chỉ phù hợp với các loại cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi. Nhờ kết nối được mối tiêu thụ ổn định nên 18 hộ dân ở Hô Tra mới chỉ dừng lại ở nuôi cá tầm. Trong thời gian tới đây, bà con sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi để hình thành hợp tác xã, thuận lợi cho việc tiêu thụ.
Dược liệu lên ngôi ở Hô Tra
Đào rừng, cá nước lạnh là những thứ “mang tiền về” dễ dàng với bà con dân bản nhưng địa lan, dược liệu mới là những thứ làm giàu nhanh nhất ở trên đỉnh Hô Tra.
Châu A Dơ – người có “tâm” nhất với đặc sản núi rừng Hô Tra, cũng là người kiên trì, ý chí vươn lên từ ngách núi thật hiếm thấy. Vì đam mê với sâm, anh đã cất công bay sang tận đất nước Hàn Quốc để học cách trồng sâm của người dân nước này hàng tháng trời. Thấy nước bạn có điểm gì mới, anh đều muốn học, tận dụng từng chút thời gian để học hỏi về áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế ở nơi mình sinh sống.

Giờ thì anh Dơ đã thành công khi sở hữu 30 gốc sâm cây mẹ, cây già nhất có tuổi đời từ 30 – 40 năm, ngoài ra có 800 cây con. Anh nói: “Cây mẹ già nhất trọng lượng chỉ khoảng 300g, chưa tập trung tăng trọng lượng vì muốn để cây ra mầm, ươm giống làm cây con.
Mỗi năm sâm ra hàng trăm hạt, tôi lại ươm xuống bầu để ở dưới tán rừng. Vì đam mê với cây sâm, tôi đã đặt mua 100 triệu đồng một gốc sâm 40 năm tuổi của anh trai tìm được ở ngay đám nương gần nhà. Nếu mua của người ngoài không bao giờ có giá đó!”.
A Dơ hiện còn mở đại lý mua địa lan kiếm trần mộng của bà con trong bản và chính loài hoa này được UBND huyện công nhận là sản phẩm OCOP do anh làm chủ thể. Những Tết năm trước, A Dơ thu gom toàn bộ địa lan của bà con đi tiêu thụ ở khắp nơi, từ trung tâm huyện Tân Uyên đến thành phố Lai Châu, thậm chí thuê địa điểm tận Hà Nội để vận chuyển về thủ đô bán. Tết này, cả bản có khoảng 500 chậu, nhiều tư thương đã đặt cọc và chuyển đi tiêu thụ gần một nửa từ đợt tháng 11. Ngoài A Dơ, gia đình anh Vàng A Lồng cũng có 500 gốc sâm trong đó có 15 gốc hàng chục tuổi, còn lại khoảng 2-3 năm tuổi cùng nhiều gia đình khác sở hữu nhiều dược liệu quý.
Bà con ở Hô Tra có nguồn thu không nhỏ từ trồng địa lan, sâm, thảo quả và dược liệu nên nhiều gia đình có tài sản hàng tỷ đồng trong tay như: Vàng A Me, Vàng A Lồng, Vàng A Vang… Người dân nơi đây chỉ có một mối quan tâm duy nhất đó là lo làm ăn, tạo dựng tương lai, tích lũy mua đất ở, đất sản xuất để lo cho tương lai. Thời gian dành cho việc tiêu tiền cũng là việc… khó!

Hô Tra còn có vùng chè cổ thụ khoảng 3.000 cây. Cũng giống như địa lan kiếm trần mộng, toàn bộ vùng chè cổ thụ do anh Châu A Dơ thu mua, chế biến và tiêu thụ theo giá thị trường. Sau khi mua chè búp tươi với giá dao động khoảng 45 – 100.000 đồng/kg tùy theo giá trị tuổi đời của chè, A Dơ sao tay thủ công và bán sang Trung Quốc với giá 1,5 triệu đồng/kg chè khô. Việc tìm kiếm mối tiêu thụ cũng được A Dơ cất công sang tận Quảng Đông, Quảng Châu kết nối và tạo mối quan hệ thu mua lâu dài.
Những điều khó tin mà dễ
thấy khi lên đến tận đỉnh Hô Ta đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về
ý chí vượt lên khó khăn, khắc nghiệt của đồng bào dân tộc Mông trên dãy núi
cao. Vẫn còn đó những trăn trở, lo âu về một con đường mỗi khi mùa mưa đến khi dốc
cao, đường gồ ghề, ổ trâu, ổ voi chưa được quan tâm nâng cấp, sửa chữa, việc bà
con vận chuyển nông sản, dược liệu, địa lan về trung tâm tiêu thụ là vô cùng vất
vả. Cấp ủy, chính
quyền xã cũng như 134 hộ dân Hô Ta luôn mong mỏi một con đường mới để
tạo nên những cú huých, giúp Hô Tra vươn mình mạnh mẽ hơn.