HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 11/2: Nông sản lại ùn ùn lên cửa khẩu phía Bắc

11/02/2022 14:41 GMT+7
Thông tin từ tỉnh Lạng Sơn cho biết, số lượng xe chở nông sản lên các cửa khẩu phía Bắc đang gia tăng trở lại, cửa khẩu lại đối mặt với nguy cơ ùn tắc. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 11/2.

Nông sản lại ùn ùn lên cửa khẩu phía Bắc

Thông tin từ tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, số lượng xe chở nông sản (chủ yếu là trái cây) lên các cửa khẩu phía Bắc gia tăng trở lại, đối mặt nguy cơ ùn tắc. Trước tình hình trên, Lạng Sơn đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cùng các cơ quan chức năng tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để thống nhất phương thức giao nhận hàng hóa giữa hai bên một cách sớm nhất, thống nhất khôi phục hoạt động thông quan ở một số cửa khẩu khác; xây dựng quy trình điều tiết phương tiện hợp lý tại từng cửa khẩu và phải đảm bảo minh bạch trong điều tiết; thiết lập vùng đệm để giữ vững "vùng xanh" an toàn cho khu vực cửa khẩu; các doanh nghiệp cần thiết lập và quản lý đội lái xe chuyên trách; tính toán khả năng dung chứa của các bến bãi, khu vực dừng, đỗ xe chở hàng hóa xuất khẩu, không để xảy ra ùn tắc. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời thông báo cho các địa phương tạm dừng đưa xe lên cửa khẩu để tránh tái diễn cảnh ùn ứ như cuối tháng 12-2021 và đầu tháng 1 vừa qua.

Diện tích sản xuất muối ngày càng bị thu hẹp

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kế hoạch sản xuất muối niên vụ 2021-2022 chỉ đạt 580,51 ha; giảm 117,49 ha so với niên vụ muối 2019-2020. Một trong những nguyên nhân khiến diện tích sản xuất muối đang ngày càng bị thu hẹp được cho là do thu nhập người làm muối không cao, năng suất muối không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết. Ngoài ra, quá trình công nghiệp hóa của địa phương cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích sản xuất muối ngày càng bị thu hẹp. Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm muối; khuyến khích tăng liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ muối với diêm dân; đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách để diêm dân tiếp cận được với các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi trong phát triển nghề muối. Ngoài ra, sản phẩm "muối Bà Rịa" cũng thường xuyên được quảng bá, trưng bày tại các hội chợ triển lãm của ngành nông nghiệp; đồng thời, hình thành các điểm thu mua muối tập trung trên địa bàn tỉnh để kiểm soát chất lượng, sản lượng; tạo điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp, thương lái mua muối Bà Rịa cũng như quảng bá giới thiệu muối Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cấp mới 334 mã số vùng trồng cho 8 loại sản phẩm nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, Bộ đã cấp mới 334 mã số vùng trồng cho 8 loại sản phẩm nông nghiệp (gồm: Chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu) đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Ngoài ra, năm qua, Bộ đã lần đầu tiên triển khai cấp mã số vùng trồng cho cây lúa trong khuôn khổ hợp tác với tỉnh An Giang, trên diện tích 1.961ha.

Cùng với đó, Bộ đã cấp 15 mã số đối với các cơ sở đóng gói sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 1 mã số cho cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bộ cũng đã thu hồi 49 mã số vùng trồng và 47 mã số cơ sở đóng gói với lý do vi phạm quy định của nước nhập khẩu, thay đổi cây trồng canh tác hoặc không đáp ứng yêu cầu theo quy định. Ngoài ra, Bộ đã hỗ trợ 8 tỉnh, thành phố về phát triển mã số vùng trồng; hướng dẫn tỉnh Phú Thọ phát triển chuỗi sản xuất bưởi xuất khẩu sang thị trường Nga.

Hàn Quốc đẩy mạnh mua sắn từ Việt Nam với khối lượng hàng chục nghìn tấn

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 11 tháng năm 2021, Hàn Quốc đã chi hơn 53 triệu USD để nhập khẩu sắn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Hàn Quốc. 11 tháng năm 2021, sắn Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc là hơn 42 nghìn tấn, tăng tới 56,8% so với 11 tháng năm 2020. Với lượng nhập khẩu rất lớn như trên, sắn Việt Nam đang chiếm thị phần áp đảo trong tổng trị giá nhập khẩu sắn của Hàn Quốc (chiếm 79,1%), tăng mạnh so với mức 63,8% trong 11 tháng năm 2020.

THDV