HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 7/2: Độc đáo “trâu hóa hổ” trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2022

07/02/2022 14:25 GMT+7
Sáng 7/2 (mùng 7 Tết) hàng nghìn người dân đã đổ về dự lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên, Hà Nam) để xem những chú “trâu hóa hổ” dưới bàn tay tài hoa của các họa sỹ. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 7/2.

Độc đáo "trâu hoá hổ" xuất hiện trong lễ hội Tịch Điền năm Nhâm Dần

Năm nay lễ hội Tịch điền được tổ chức từ ngày 5 -7 tháng Giêng năm Nhâm Dần (5 - 7/2/2022) tại khu vực chùa Đọi, xã Tiên Sơn (Hà Nam) với các nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Tại đây, những chú trâu được hóa trang thành linh vật năm Nhâm Dần hoặc "trang điểm" rực rỡ, đầy màu sắc tươi mới dưới bàn tay của các họa sỹ, thể hiện không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Xuân. Đến dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Chủ tịch nước cùng lãnh đạo bộ, ngành trung ương, tỉnh Hà Nam đã mặc áo nâu xuống đồng đi những đường cày đầu tiên, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp. Đây là hoạt động nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, được UBND tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức quy mô lớn trong nhiều năm gần đây.

Ủy ban Châu Âu sẽ kiểm tra việc khắc phục "thẻ vàng" thủy sản của Việt Nam

Trước đó, ngày 27/10/2021, Tổng cục Thuỷ sản đã có buổi làm việc trực tuyến với EC, qua đó, phía EC tiếp tục khẳng định Việt Nam đã rất nỗ lực và có sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đối với 4 nhóm khuyến nghị của EC gồm: Khung pháp lý; quản lý, theo dõi, giám sát tàu cá; truy xuất nguồn gốc và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, dự kiến, nếu dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, trong quý 1/2022, EC sẽ sang kiểm tra trực tiếp tại các cảng cá của các địa phương, qua đó sẽ đưa ra những khuyến cáo mới cho lộ trình gỡ "thẻ vàng" IUU của Việt Nam.

Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sâu hơn

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới còn tiếp tục gia tăng.

Ở vùng các cửa sông Cửu Long, trong tháng 2, 3/2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu từ 50-65km, so với năm 2020 thấp hơn từ 15-25km; so với năm 2016 thấp hơn từ 5-10km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Từ tháng 4/2022, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại, khu vực đang trong đoạn mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình của các hồ chứa đến cuối tháng 2/2022 sẽ đạt khoảng 75% dung tích thiết kế.

Với lượng nước trữ của các hồ chứa đó và lượng mưa dự báo trong mùa khô tới đây, thì nguồn nước cơ bản đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022, riêng hồ Suối Vọng (tỉnh Đồng Nai) có nguy cơ thiếu nước.

Tổng cục Thủy lợi khuyến nghị các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2022, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Nhu cầu thủy sản của Mỹ và EU có thể tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022

Năm 2021, trị giá nhập khẩu thủy sản của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với năm 2020. Không chỉ tăng so với năm 2020, nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường còn tăng so với trước đại dịch (năm 2019), trừ nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản giảm trên 10%. 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt 26,7 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.  Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Mỹ với tỷ trọng chiếm khoảng 6,4%. Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Mỹ và EU. 

THDV