HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 13/4: Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng mạnh

13/04/2022 13:59 GMT+7
Qúy I năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục 574,4 tỷ USD. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 13/4.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng mạnh 71%

Qúy I năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục 574,4 tỷ USD. Các dự báo cho thấy xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 - 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá xuất khẩu trung bình tăng. Với mặt hàng tôm, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm, tiếp tục tăng cao. VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng nhờ sự hồi phục nhu cầu của chuỗi phân phối các sản phẩm dùng trong ngành nhà hàng - khách sạn - bếp ăn công nghiệp tại Mỹ, cùng thế mạnh trong chế biến.

Giá cá tra thương phẩm tăng gần 10.000 đồng/kg

Hiện nay, tại Tiền Giang, giá cá tra thương phẩm đang ở mức cao, khoảng 30.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021. Giá cá tra hồi phục và tăng mạnh mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, nghề nuôi cá da trơn tại Tiền Giang vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh khó lường do giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống khác đều tăng mạnh trong những ngày qua. Tiền Giang hiện có khoảng 70 ha nuôi cá tra xuất khẩu; trong đó, tập trung nhiều nhất ở hai huyện đầu nguồn sông Tiền là Cai Lậy, Cái Bè. Những năm trước đây, do giá cả bấp bênh, lỗ nhiều nên diện tích nuôi thực tế giảm mạnh. Hiện nay, tuy giá cá tra đang được cải thiện nhưng lo ngại đầu ra bấp bênh, nhiều hộ vẫn chưa mạnh dạn tái thả giống cho vụ nuôi mới. Để nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát triển bền vững, các hộ nuôi cá cần phải liên kết với các doanh nghiệp nhằm giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra của sản phẩm, nhằm bảo vệ lợi ích cho nông dân.

Người nuôi tôm nước lợ đối mặt chồng chất khó khăn

Mặc dù đã vào vụ mới nuôi tôm thẻ chân trắng, thế nhưng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhiều ao nuôi vẫn chưa thả giống cho vụ mới. Nguyên nhân một phần do thời tiết không thuận lợi, con giống chất lượng lại khan hiếm, cùng với đó là giá vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thủy sản, dầu cho chạy máy quạt cho oxy…đều tăng cao. Đặc biệt, giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá tôm thương phẩm bán ra bấp bênh lại ở mức thấp nên người nuôi chưa mạnh dạng thả giống. Thức ăn cho tôm thẻ hiện có giá 38.500 đồng/kg, tăng lên 2.000 đồng/kg so với năm ngoái. Trong khi đó, giá tôm thương phẩm được thu mua ở mức thấp hơn so với mọi năm. Toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 1.800 ha ao nuôi tôm nước lợ. Tính đến nay, bà con mới thả khoảng 561 ha thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó diện tích thả tôm thẻ khoảng 493 ha, đạt 53% so với kế hoạch và diện tích thả tôm sú khoảng 68 ha, đạt 37% so với kế hoạch. 

Kiên Giang: Sản lượng lúa vụ Đông Xuân đạt hơn 2 triệu tấn

Vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 283.868 ha, vượt 868 ha so với kế hoạch và đến thời điểm này cơ bản đã thu hoạch xong với năng suất bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vụ lúa này, sản xuất lúa chất lượng cao chiếm 98,5% diện tích gieo trồng, xây dựng 210 cánh đồng lớn với tổng diện tích 52.277 ha, liên kết tiêu thụ lúa 127 cánh đồng với diện tích 31.496 ha.

Được biết, sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2022, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 281.000 ha, đến nay xuống giống hơn 71.000 ha, tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng và thành phố Rạch Giá.

THDV