HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 9/4: Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Nhật Bản

09/04/2022 14:00 GMT+7
Theo các chuyên gia, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

9Chuyển động Nhà nông 9/4.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Nhật Bản

Theo các chuyên gia, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, vì vậy, giữa 2 nước có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản, thực phẩm.

Đáng lưu ý, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm từ nước ngoài, bao gồm cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, càphê…

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản. Chính vì thế, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường tiềm năng này.

Nhu cầu tôm tại Mỹ tăng mạnh

Theo Undercurrent News, trong ít nhất 5 tháng trở lại đây, nhập khẩu tôm của Mỹ liên tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong 2 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu trên 66 nghìn tấn tôm trị giá hơn 634 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 41% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ăn nhiều tôm. Theo đó, trong năm 2021, nước này nhập khẩu gần 900 nghìn tấn tôm, trị giá 8 tỷ USD, tăng 20% về lượng và 24% về giá trị so với năm 2020. Đồng thời, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho tôm khi giá trung bình trong tháng 2 ở mức 9,6 USD/kg, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá lương thực toàn cầu cao kỷ lục do cuộc chiến ở Ukraine

Theo FAO, chỉ số giá thực phẩm của tổ chức này tăng 12,6% trong giai đoạn tháng 2 và tháng 3. Lúa mì chính là mặt hàng chịu tác động lớn nhất, trong bối cảnh cả Nga lẫn Ukraine đều là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về mặt hàng này. Giá lúa mì đã có thời điểm chạm mốc kỷ lục hơn 1.252 USD hồi tuần trước, tăng gần 2/3 so với thời điểm đầu năm. Nhiều thực phẩm chủ chốt khác cũng đang diễn biến nóng không kém. Cả ngô, đậu nành và dầu cọ đều cũng đã lập kỷ lục mới về giá trong năm nay với mức tăng từ 20-50% so với đầu năm. Trong tháng 2 vừa qua, Chỉ số giá lương thực đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này được tính dựa theo 23 loại thực phẩm chính, trong đó, giá ngũ cốc đã tăng giá 3 % so với tháng trước đó, do những quan ngại về nguồn cung do cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn của thế giới.

Giá phân bón hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn 40% trước chiến sự Ukraine

Cuộc chiến tại Ukraine được ví như "thêm dầu vào lửa" cho thị trường phân bón và lương thực toàn cầu. Nga, Belarus chiếm khoảng 40% xuất khẩu kali toàn cầu nhưng cả hai nguồn cung này đang bị ảnh hưởng vì cuộc chiến tại Ukraine. Nga chiếm khoảng 11% xuất khẩu ure thế giới và 48% amoni nitrate. Nga và Ukraine xuất khẩu khoảng 28% lượng phân bón nitơ, phospho, kali toàn cầu. Đứt gãy chuỗi cung ứng do các lệnh trừng phạt và chiến tranh đã góp phần đẩy giá phân bón lên cao. Giá kali ở Vancouver đầu năm 2021 là 210 USD/tấn và hiện nay là 565 USD/tấn. Giá ure vận chuyển đến Trung Đông có giá 268 USD/tấn đầu năm 2021 nhưng đến ngày 6/4 là 887 USD/tấn. Năng suất sản xuất lương thực được dự báo sẽ giảm vì nông dân tiết kiệm chi phí. Điều này sẽ dẫn đến giá các thực phẩm cơ bản và các mặt hàng khác tăng lên, trong đó có giá bột mì và ngô, thịt bò, thịt heo...

THDV