HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 7/4: Cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Anh

07/04/2022 14:00 GMT+7
Cuộc xung đột Nga - Ukraine thực tế đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 7/4.

Cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Anh

Tính đến nửa đầu tháng 3, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt 9,5 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Cuộc xung đột Nga - Ukraine tưởng như không liên quan tới thương mại cá tra Việt Nam - Anh song thực tế lại mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh trong thời gian tới. Cụ thể, sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, Chính phủ Anh đã công bố cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ phẩm sang Nga và tăng thuế nhập khẩu lên tới 35% đối với hàng trăm mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Nga, trong đó có sản phẩm cá thịt trắng. VASEP cho rằng sự sụt giảm lượng cá thịt trắng đột ngột này của Anh có thể đẩy giá nguyên liệu thủy sản tại thị trường này tăng ít nhất 20-30% so với trước, các nhà nhập khẩu của Anh đang gặp nhiều khó khăn để tìm nguồn sản phẩm thay thế, giảm thiểu sự thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam tăng doanh số bán hàng ở thị trường này.

Toàn thành phố Hà Nội có 1.701 trang trại

Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 1.701 trang trại, trong đó có 33 trang trại trồng trọt, 1.359 trang trại chăn nuôi, 180 trang trại nuôi trồng thủy sản, 1 trang trại lâm nghiệp, 125 trang trại tổng hợp và 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp. Thời gian qua, các trang trại quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhờ phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý... qua đó góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nông dân Ninh Thuận phấn khởi khi hành tím được mùa, được giá cao

Hiện nay, các hộ dân trồng hành ở Tháp Chàm, Ninh Thuận đang vào vụ thu hoạch. Hầu hết đều đang rất phấn khởi vì hành năm nay được mùa, lại được thương lái thu mua với giá cao. Hành tím tươi hiện được thu mua tại ruộng với giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, hành khô giống có giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, mức giá cao gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến giá hành rất bấp bênh. Thời điểm tháng 6/2021 giá hành củ tươi chỉ được từ 7.000-9.000 đồng/kg, hành giống dao động từ 17.000-18.000 đồng/kg. Sau đó, giá hành tăng dần lên nhưng đến thời điểm cuối năm 2021, thời tiết Ninh Thuận lại mưa nhiều khiến nhiều diện tích hành bị ngập úng gây hư hại, giảm năng suất. Hiện nay, thời tiết ở Ninh Thuận đã tương đối ổn định và đầu ra sản phẩm thuận lợi giúp bà con nông dân có thêm động lực để đẩy mạnh phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Thái Lan thúc đẩy xuất khẩu trái cây

Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit tháng trước cho biết Bộ Thương mại đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trái cây trị giá 287,50 tỷ baht (khoảng 8,5 tỷ USD), bao gồm trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô và đóng hộp. Trong số đó, 180 tỷ baht dự kiến đến từ Trung Quốc, tăng 65% so với một năm trước.

Theo báo cáo của Vụ Nội thương, tổng sản lượng trái cây trong vụ thu hoạch 2022 dự kiến tăng 13% lên 5,43 triệu tấn, chủ yếu là sầu riêng (tăng 22%), măng cụt (tăng 43%), nhãn (tăng 7,8%), chôm chôm (tăng 6%) và xoài (tăng 5%).

Khoảng 30% sản lượng sẽ được dành cho tiêu dùng trong nước và 70% dành cho xuất khẩu. Trong số các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây chính của Thái Lan, chiếm 65%, tiếp theo là Mỹ (10%), Hong Kong (4%), Việt Nam (3%) và Malaysia\ với 1%.

THDV