HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 15/4: Nhuyễn thể Việt Nam được xuất khẩu tới 42 nước, thu về cả trăm triệu USD trong năm 2021

15/04/2022 14:00 GMT+7
Việt Nam có khá nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các loài nhuyễn thể nuôi. Đến nay, nhuyễn thể của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 42 nước, thu về cả trăm triệu USD trong năm 2021. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 15/4.

 Xuất khẩu cà phê tháng 3 cao kỷ lục

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3 thiết lập kỷ lục mới, đạt trên 211 nghìn tấn, trị giá 474 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 48% về trị giá so với tháng 2. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 582 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 3, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 2, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cà phê trong tháng 3 tiếp tục thiết lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục chịu sức ép trong tháng 4.

Giá heo hơi giảm nhẹ vì tổng đàn tăng, nhu cầu tiêu thụ vẫn chậm

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) từ đầu tháng 4 đến nay, giá heo hơi tại thị trường trong nước có xu hướng giảm do nhu cầu vẫn chậm, trong khi đàn heo tiếp tục phục hồi. Hiện, giá heo hơi trên toàn quốc dao động 52.000 - 56.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 3. Trong quý I, sản xuất chăn nuôi cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu đầu, thức ăn chăn nuôi biến động mạnh theo giá xăng dầu. Mặt khác, dịch tả heo châu Phi được kiểm soát, tổng đàn heo trong quý I tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 4,3%, đạt 24% kế hoạch năm 2022. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn chưa hạ nhiệt, khiến giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, trong khi nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi rất lớn... sẽ có tác động đến hoạt động chăn nuôi heo trong thời gian tới.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu cá ngừ

Trước những biến động mạnh toàn cầu trong hơn một năm qua, xuất khẩu cá ngừ luôn nỗ lực để mang về kim ngạch xuất khẩu tốt cho Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cũng là động lực thúc đẩy cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam thêm nhiều lợi thế. Thông qua các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có nhiều ưu đãi về thuế khi tấn công các thị trường các nước. Cá ngừ là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại kim ngạch khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng cá ngừ vẫn là mục tiêu đầu tiên. Tuy nhiên với xu thế hội nhập và nhu cầu ẩm thực ngày càng tăng cao, tiêu dùng nội địa cũng trở thành một phân khúc quan trọng để ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ có thêm nhiều động lực phát triển. Với công nghệ chế biến cá ngừ của các doanh nghiệp trên cả nước hiện nay, sản phẩm cá ngừ Việt Nam vẫn được người tiêu dùng đánh giá nổi trội hơn nhiều quốc gia khác. Do đó, làm hài lòng khách hàng nội địa cũng là một giải pháp để thu hút khách hàng thế giới tăng sự lựa chọn hơn đối với cá ngừ Việt Nam.

Nhuyễn thể Việt Nam được xuất khẩu tới 42 nước, thu về cả trăm triệu USD

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong đó, ngao là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tiếp đến là sản phẩm sò điệp, hàu… Các thị trường nhập khẩu chính nhuyễn thể 2 mảnh vỏ là: EU (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy), Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Để đạt trị giá xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên 141 triệu USD, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố ven biển đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất, phát triển nuôi các loài nhuyễn thể. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, diện tích nhuyễn thể đạt trên 35.000 ha, sản lượng 471.000 tấn. Trong đó, diện tích và sản lượng nuôi ngao chiếm khoảng 50%. Cụ thể, năm 2021, diện tích nuôi trên 17.000 ha, sản lượng trên 236.000 tấn. Đến nay, nhuyễn thể của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 42 nước với các thị trường chính gồm: EU, Bắc Mỹ, Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nghêu, sò, ốc, điệp…

THDV