HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 17/2: Giá thanh long tiếp tục sụt giảm do xe không lên được cửa khẩu

17/02/2022 13:56 GMT+7
Sau khi tỉnh Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận phương tiện vận chuyển trái cây lên cửa khẩu từ ngày 16/2 đến ngày 25/2, giá nhiều mặt hàng trái cây ở tỉnh Tiền Giang sụt giảm, đặc biệt là trái thanh long. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 17/2.

Giá thanh long tiếp tục sụt giảm do xe không lên được cửa khẩu

Sau khi tỉnh Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận phương tiện vận chuyển trái cây lên cửa khẩu từ ngày 16/2 đến ngày 25/2, giá nhiều mặt hàng trái cây ở tỉnh Tiền Giang sụt giảm, đặc biệt là trái thanh long.

Thanh long ruột đỏ vào thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần giá trên 20.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 3.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại), thậm chí thanh long loại 3, 4 giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhưng hầu như ít có thương lái thu mua.

Trong khi đó, vào mùa khô hạn, các chi phí sản xuất thanh long tăng cao như điện phục vụ "xông" thanh long, bơm tưới và phân thuốc bảo vệ thực vật. Với mức giá này, nhà vườn trồng cây thanh long bị thua lỗ nặng.

Thêm 86 sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được cấp chứng nhận 5 sao

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định cấp chứng nhận đạt sao năm 2021 đối với 86 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó, có 22 sản phẩm đạt 3 sao, 64 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm đủ điểm 5 sao để tham gia dự thi cấp quốc gia. Như vậy, tính đến nay tỉnh có khoảng 500 sản phẩm OCOP; trong đó, khoảng 300 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Giá cả vật tư leo thang, mía mất mùa, người trồng mía ở Đăk Lăk khó có lãi

Hiện nay, nông dân ở vùng trọng điểm trồng mía của tỉnh Đắk Lắk là huyện Ea Kar và M'Đrắk đang bước vào cao điểm thu hoạch. Năm nay năng suất cây mía giảm cộng giá vật tư phân bón, nhân công tăng cao khiến người trồng mía ở Đăk Lăk khó có lãi. Niên vụ này, vùng trọng điểm trồng mía ở hai huyện Ea Kar và M'Đrắk của tỉnh Đắk Lắk trồng 10.000 ha. Mía được tiêu thụ chủ yếu tại Công ty Mía đường 333 Đắk Lắk và một số nhà máy mía đường ở tỉnh Khánh Hòa. Trước những khó khăn của nông dân, để duy trì phát triển vùng nguyên liệu, Công ty Mía đường 333 Đắk Lắk đã có những chính sách hỗ trợ như duy trì giá thu mua bằng năm ngoái, hỗ trợ tiền, phân bón hữu cơ, hay cho ứng trước không tính lãi phân và thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng mía, để hỗ trợ bà con, giúp bà con duy trì và phát triển vùng trồng mía nguyên liệu tại địa phương.

Hà Nội bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng lúa xuân

Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến ngày 1-3, toàn thành phố hoàn thành gieo cấy 81.441ha lúa xuân 2022. Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, tính đến 7h ngày 14/2, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố và tổ chức thủy lợi cơ sở đã cấp đủ nước cho 78.577ha, đạt 96,48% kế hoạch gieo cấy vụ xuân 2022. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ nước tưới dưỡng vụ lúa xuân 2022, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố cần tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết của các hồ thủy điện trong đợt 3 để trữ vào hệ thống kênh mương, ao, hồ, đầm... Các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các hợp tác xã, tổ chức thủy lợi cơ sở tăng cường vận động nông dân thu hoạch rau màu, xuống đồng làm đất, giữ nước, gieo cấy đúng khung thời vụ; phối hợp các tổ chức thủy lợi điều tiết trong hệ thống nội đồng, bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ vụ nông nghiệp xuân 2022.

THDV