HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 21/01: Giá thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022

21/01/2022 14:18 GMT+7
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chính sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chi phí logistics chưa thể hạ nhiệt. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 21/01.

 Hỗ trợ trên 9.800 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và đầu năm 2022

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoãn, ngừng việc, bị mất việc, mất thu nhập, không đảm bảo được đời sống. Đồng thời, diễn biến bất thường của thời tiết như mưa đá, lũ lụt, hạn hán khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguy cơ bị thiếu đói. Trước tình hình đó, 7 tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số gần 11.500 tấn gạo cứu đói cho 198 nghìn hộ với 658 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022. Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ trước mắt xuất cấp gạo không thu tiền để cứu đói cho nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Cao Bằng, Phú Yên, Ninh Thuận, Nghệ An, Gia Lai và Quảng Bình, tổng số trên 9.800 tấn gạo.

Xuất khẩu cà phê quay trở lại mốc 3 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 12/2021 tăng rất mạnh cả về lượng lẫn trị giá, đạt 169 nghìn tấn và 379 triệu USD, tăng tới 57,6% về lượng và 56,9% về trị giá so với tháng 11/2021. Qua đó, đưa xuất khẩu cà phê cả năm 2021 đạt 1,562 triệu tấn và 3,073 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 12,1% về trị giá so với năm 2020.

Với kết quả như trên, xuất khẩu cà phê năm 2021 đã quay trở lại mốc 3 tỷ USD kể từ năm 2018. Đồng thời, giúp cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 có 7 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, hạt điều, rau quả, gạo, cao su và cà phê.

Năm 2022 giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020. Như vậy, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm qua cao hơn năm 2020 tới hơn 1 tỷ USD (năm 2020 đạt 3,841 tỷ USD), và là mức cao nhất trong lịch sử nhập khẩu nhóm hàng này. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu làm giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn ở mức cao. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh do nhà hàng, khu công nghiệp giảm tiêu thụ khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chính sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chi phí logistics chưa thể hạ nhiệt. Việc này sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi.

Thị trường cá tra ở Trung Quốc đang thiếu hụt

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vasep, do lượng cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc bị giảm mạnh trong 3 quý đầu năm 2021, thị trường Trung Quốc đang trong tình trạng thiếu hụt cá tra cho nhu cầu từ nay đến mùa hè. Hiện nay, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc - Hồng Kông. Riêng với cá tra, Việt Nam đang là nhà cung cấp cá tra đông lạnh duy nhất cho Trung Quốc. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc và nhiều địa phương biên giới tiếp giáp với Việt Nam đã thông báo mở cửa trở lại các cảng hàng hóa như: Đại Liên, Thanh Đảo, Đông Hưng… hoặc đẩy mạnh giao thương phục vụ cho kỳ nghỉ lễ tết sắp tới. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam gia tăng xuất khẩu cá tra sang thị trường này. 

THDV