HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 29/01: Hạt điều Đắk Nông "vươn khơi" chinh phục thị trường thế giới

29/01/2022 14:00 GMT+7
Những năm qua, thị trường xuất khẩu hạt điều của các doanh nghiệp Đắk Nông đã không ngừng lớn mạnh, năm sau cao hơn năm trước, ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 29/01

Hạt điều Đắk Nông "vươn khơi" chinh phục thị trường thế giới

Theo Sở Công Thương Đắk Nông, thời gian qua, các công ty, doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Đắk Nông đã tạo ra được những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Nhờ đó, vị thế của hạt điều Đắk Nông đã được nâng cao trên thị trường toàn cầu.

Những năm qua, thị trường xuất khẩu hạt điều của các doanh nghiệp Đắk Nông đã không ngừng lớn mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011, giá trị xuất khẩu hạt điều toàn tỉnh Đắk Nông mới chỉ đạt 107 triệu USD, thế nhưng, hiện nay, giá trị xuất khẩu hạt điều đã tăng lên 450 triệu USD, gấp hơn 4 lần so với 10 năm trước.

Thị trường xuất khẩu của hạt điều ngày càng mở rộng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, với những đơn hàng ổn định hàng năm. Trong đó, phấn khởi nhất phải kể đến việc các doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Đắk Nông đã xuất khẩu sản phẩm đến các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hy Lạp, Anh, Đức, Trung Đông…

Việt Nam bất ngờ trong "top 8" các nhà nhập khẩu gạo của Ấn Độ

Mặc dù là nước xuất khẩu gạo top đầu thế giới nhưng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu lượng lớn gạo từ Ấn Độ. Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu gạo Ấn Độ sang Việt Nam giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10/2021 là gần 152 triệu USD, khối lượng xấp xỉ 455 tấn (tăng mạnh so với 15 tấn của cùng kỳ năm trước), đứng thứ 12 về giá trị và thứ 8 về khối lượng trong số các quốc gia Ấn Độ xuất khẩu gạo. Riêng trong tháng 10/2021, Ấn Độ xuất khẩu gần 30 nghìn tấn gạo sang Việt Nam (tăng so với 9 tấn của cùng kỳ năm trước), đạt kim ngạch 9,05 triệu USD.

Quy mô "hoành tráng", nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đang "đội sổ"

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 440 triệu USD, nhưng nhập khẩu ước trên 3,4 tỉ USD. Như vậy, năm 2021 nhóm sản phẩm chăn nuôi đã nhập siêu tới 2,96 tỉ USD. Trong các sản phẩm thịt xuất khẩu, thịt gà chiếm tỉ trọng lớn nhất. Với quy mô 28 triệu con lợn, 525 triệu con gia cầm, đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn… so với năm 2020, ngành chăn nuôi được coi là có quy mô "hoành tráng" nhất trong các nhóm của ngành. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi đang ở mức rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là "đội sổ", chưa tương xứng với quy mô của ngành này. 

Nhập khẩu phân bón cao gấp 3 lần xuất khẩu

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021 là năm chứng kiến lượng phân bón xuất khẩu tăng cao kỷ lục, đạt 1,35 triệu tấn, trị giá gần 560 triệu USD, tăng 16,4% về lượng, tăng 64,2% về trị giá. Giá xuất khẩu phân bón cũng tăng 41,2% so với năm 2020, đạt 413 USD/tấn. Mặc dù xuất khẩu ghi nhận tăng mạnh, giá cũng tăng so với cùng kỳ do mặt bằng giá phân bón thế giới năm qua có nhiều đợt điều chỉnh tăng, nhiều thị trường khan hiếm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhưng ở chiều nhập khẩu cũng chứng kiến sự gia tăng chóng mặt. Trong năm 2021, nhập khẩu phân bón của cả nước đạt 4,54 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về trị giá. Giá nhâp khẩu trung bình các loại phân bón trong năm qua tăng 27,8% về giá so với năm 2020. Với mức chi ngoại tệ nhập phân bón tăng rất mạnh trong năm qua đã đưa nhập siêu phân bón của cả nước lên gần 900 triệu USD.

THDV