HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 26/01: Doanh nghiệp thủy sản được bỏ quy định kiểm dịch hàng nhập khẩu

26/01/2022 14:50 GMT+7
Bộ NN&PTNT đã đồng ý bỏ quy định kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm, được nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 26/01

Chuyển động Nhà nông 26/01

Doanh nghiệp thủy sản được 'cởi trói' quy định kiểm dịch hàng nhập khẩu

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã đồng ý bỏ quy định kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm, được nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước. Bộ dự kiến ban hành thông tư sửa đổi vào quý II.

Đồng thời, Bộ cũng bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu để tiêu thụ nội địa, được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam.

Theo đó, danh mục sản phẩm thủy sản đã qua chế biến, bao gồm xử lý nhiệt, sấy khô, xông khói, hóa chất, ướp muối, lên men…

Gạo Việt Nam 'rộng cửa' xuất khẩu vào thị trường châu Âu

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đã đạt 53.910 tấn, trị giá 38,07 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,8% về lượng, trị giá thu về tăng tới 21,6%. Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản, (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU được đánh giá là rất tiềm năng.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng 2 con số

Theo số liệu Hải quan, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết quả trên là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp và chính sách phòng chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, giúp cho sản xuất, XK tôm nhanh chóng hồi phục trong những tháng cuối năm 2021. Năm 2021, thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ tăng lên 13% (năm 2020 là 11%). Doanh số bán lẻ tại Mỹ duy trì tăng; nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ dần phục hồi nhờ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ và chiến lược mở cửa, sống chung với Covid. Tốc độ tăng trưởng XK tôm của Việt Nam sang Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến quý I/2022.

Indonesia siết chặt việc xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dầu cọ Indonesia sẽ phải kê khai lượng sản phẩm đã phân phối trong nước, lượng sản phẩm xuất khẩu và nơi xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải xin thêm giấy phép xuất khẩu từ Bộ Thương mại Indonesia, ngoài Thông báo Xuất khẩu của Hàng hóa (PEB) như trước đây. Indonesia hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Việc Indonesia siết chặt nguồn cung dầu cọ cho hoạt động xuất khẩu có thể khiến những quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm thay thế như dầu đậu nành và dầu hạt hướng dương. 

THDV