HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 22/01: Giá heo hơi, giá thịt tăng mạnh những ngày giáp Tết

22/01/2022 15:02 GMT+7
Chưa đầy hai tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, thị trường heo đang nóng lên từng ngày. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 22/01

Chuyển động nhà nông 22/1

Giá heo hơi, giá thịt tăng mạnh những ngày giáp Tết

Chưa đầy hai tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, thị trường heo đang nóng lên từng ngày. Giá heo hơi tăng bật 8.000 - 11.000 đồng/kg kéo theo giá thịt ở chợ dân sinh, siêu thị cũng tăng bật. Tại chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) giá thịt heo dao động 90.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại, tăng 10.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Tương tự, khảo sát tại chợ Hà Đông, chợ Cầu Giấy, giá thịt heo các loại cao hơn tại chợ Tứ Hiệp 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo tại một số siêu thị cũng tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tuần trước, dao động 149.900 – 189.000 đồng/kg.

'Đường nhập khẩu có thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam'

Giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2- 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90%, còn lại 10-70% là đường nhập lậu, chủ yếu từ Thái Lan thông qua đường bộ từ Campuchia và Lào.

Đặc biệt sau ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức tham gia hiệp định ATIGA, lượng đường nhập khẩu đạt 1,5 triệu tấn, tăng gần 4,4 lần so với lượng nhập năm 2019 và gấp 2 lần sản lượng đường sản xuất.

Ở chiều ngược lại, ngành mía đường Việt Nam lại đang có xu hướng co giảm. Diện tích trồng mía hiện giảm trên 45% so với niên vụ 2016 - 2017, từ 274.000 ha xuống còn 151.000 ha do lợi ích kinh tế mà cây mía mang lại thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Sản lượng đường giảm từ 1,2 triệu tấn xuống còn 77.000 tấn, tương đương mức giảm 38%. Sự sụt giảm cũng thể hiện trong khâu chế biến, từ 38 nhà máy vào năm 2017 xuống còn 29 như hiện nay. Ông Nguyễn Vinh Quang, đại diện Forest Trends cảnh báo: "Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia và Đài Loan, phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu nếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp lỏng lẻo, thiếu minh bạch và không phân chia lợi nhuận rõ ràng. Để ngành mía đường tồn tại và phát triển trong tương lai cần phải có những thay đổi vĩ mô nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh".

Giá ớt chỉ thiên giảm thấp, người trồng gặp khó

Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... giá ớt chỉ thiên loại 1 được nông dân bán cho thương lái chỉ còn 10.000-14.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm hồi đầu tháng 12-2021 có giá lên đến 40.000-45.000 đồng/kg. Ớt chỉ thiên rớt giá do mặt hàng này chủ yếu được nông dân trồng để xuất khẩu nhưng gần đây đầu ra xuất khẩu khá chậm, nhất là thị trường Trung Quốc. Theo hộ dân trồng ớt chỉ thiên, với giá bán hiện nay người trồng ớt không có lời do trồng loại ớt này tốn nhiều chi phí phân bón, công chăm sóc và thu hoạch, trong khi gần đây giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào đã tăng lên ở mức rất cao. Ngoài ra, nhiều vườn ớt chỉ thiên cho năng suất thấp do ảnh hưởng bởi sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

Indonesia siết chặt xuất khẩu dầu cọ

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi cho biết Bộ sẽ ban hành cơ chế về hoạt động xuất khẩu của các công ty khai thác dầu cọ, dự kiến có hiệu lực ngày 24/1/2022. Theo đó, các nhà sản xuất dầu cọ muốn xuất khẩu phải có thêm giấy phép xuất khẩu của Bộ Thương mại, ngoài Thông báo xuất khẩu của hàng hóa (PEB) như trước đây. Các nhà sản xuất phải kê khai lượng sản phẩm phân phối trong nước, lượng sản phẩm xuất khẩu, nơi xuất khẩu. Bộ Thương mại sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những nhà sản xuất không trung thực kê khai hồ sơ, có thể thu hồi giấy phép xuất khẩu. Bộ trưởng Lutfi cho biết chính sách này nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước với giá cả phải chăng. Dù đây là chính sách bắt buộc nhưng ông Lutfi tái khẳng định đây không phải lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng dầu cọ và các sản phẩm liên quan./.

THDV